Nước cờ phiêu lưu

(ANTĐ) - Việc Gruzia buộc phải rút quân khỏi Nam Ossetia chỉ sau vài ngày giao tranh cho thấy Tbilisi đã đi một nước cờ quá phiêu lưu khi bất ngờ tấn công vào vùng đất đang đòi ly khai này.

Nước cờ phiêu lưu

(ANTĐ) - Việc Gruzia buộc phải rút quân khỏi Nam Ossetia chỉ sau vài ngày giao tranh cho thấy Tbilisi đã đi một nước cờ quá phiêu lưu khi bất ngờ tấn công vào vùng đất đang đòi ly khai này.

Xe tăng Gruzia bị bắn cháy trên đường phố Tskhinvali
Xe tăng Gruzia bị bắn cháy trên đường phố Tskhinvali

Tuyên bố rút quân khỏi Nam Ossetia ngày 10-8 của chính quyền Gruzia dường như không làm ai ngạc nhiên dù rằng chính Tbilisi mới chỉ phát động cuộc chiến có vẻn vẹn 3 ngày. Giao chiến với quân Nga, quân Gruzia chẳng khác nào đem “trứng chọi đá”. Trên thực tế, quân Nga cũng đã nhanh chóng hoàn toàn làm chủ thủ phủ Tskhinvali chỉ sau một ngày tham chiến.

Vậy vì sao biết trước là không thể so đọ với quân Nga mà chính quyền của Tổng thống Mikhail Saakashvili vẫn phát động cuộc chiến nhằm vào Nam Ossetia, một khu vực tự trị đang có tới hơn 90% người dân mang hộ chiếu Nga sinh sống?

Khi vận động tranh cử cũng như được bầu làm Tổng thống Gruzia năm 2004 sau cuộc “cách mạng hoa hồng”, ông Mikhail Saakashvili – tốt nghiệp luật ở Mỹ và nổi tiếng thân Mỹ -  đã “thề” sẽ lấy lại bằng được hai vùng đất ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Thế nhưng, điều đó vô cùng khó khăn bởi đại đa số dân chúng ở hai vùng đất này vốn là người Nga và họ đã thể hiện ý chí độc lập thông qua các cuộc trưng cầu dân ý không chính thức.

Muốn đưa Nam Ossetia hay Abkhazia trở lại vòng kiểm soát của mình, chính quyền Gruzia gần như không còn con đường nào khác là dùng vũ lực. Tuy nhiên, dùng vũ lực thì Tbilisi lại phải đối mặt với hai trở ngại rất lớn: thoả thuận hòa bình chấm dứt cuộc chiến tranh đầu những năm 1990 và quân Nga có thể tham chiến.

Cuộc giao tranh ở Nam Ossetia đã bước sang ngày thứ ba và việc sơ tán thường dân, kể cả những người bị thương vẫn là vấn đề nan giải.

Trong thành phố Skhinvali hiện còn hàng nghìn người đang trú ẩn, trong đó có nhiều người bị thương. Việc đưa những người bị thương đến bệnh viện điều trị là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp vì trong thành phố thường xuyên diễn ra giao tranh.

Dưới hầm một bệnh viện bị ném bom ngay trong ngày giao tranh đầu tiên, vẫn còn hơn 150 bệnh nhân nhưng hiện không thể đưa đi sơ tán.

Các bên đang bàn thảo để lập một hành lang nhân đạo từ thủ phủ Skhinvali và cả khu vực này để đưa các thường dân, những người bị thương và thiệt mạng ra khỏi khu vực giao tranh.               

 (Theo TTXVN)

Tbilisi có thể gạt sang một bên thỏa thuận hòa bình mà họ là một trong những bên đặt bút ký kết, song không thể không tính tới sự tham chiến của quân Nga với lý do bảo vệ công dân Nga cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia. Muốn “thuần phục” Nam Ossetia bằng vũ lực, Tbilisi phải ngăn chặn được sự tham chiến của quân Nga.

Những năm cầm quyền vừa qua, chính quyền Tổng thống Saakashvili đã làm tất cả những gì có thể để kết thân với phương Tây, đặc biệt với Mỹ, để tìm kiếm “hậu phương lớn” trong cuộc đối đầu với Nga. Trong đó nổi bật nhất là tìm mọi cách để có thể được kết nạp vào NATO.

Tbilisi cho rằng Nga sẽ phải tính toán thiệt hơn rất nhiều trên bàn cờ chiến lược quan hệ với Mỹ và phương Tây khi quyết định can thiệp vào Nam Ossetia hay Abkhazia. Điều đó thể hiện qua việc Tbilisi đã chọn đúng thời điểm khai mạc Olympic Bắc Kinh - nơi tụ hội gần 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới - để khai hoả cuộc chiến “thuần hóa” Nam Ossetia.

Song điều mà chính quyền Tbilisia không ngờ được là Matxcơva lại phản ứng nhanh và mạnh mẽ đến vậy. Bất ngờ hơn nữa là phương Tây và Mỹ cho đến này vẫn tỏ ra khá e dè khi đề cập tới sự tham chiến của quân Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Gernot Erler, nhân vật số hai Bộ Ngoại giao Đức, thậm chí còn cho rằng chính Gruzia đã vi phạm luật pháp quốc tế khi phát động cuộc chiến nhằm giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia.

Hoàng Hà

Nhận định về cuộc xung đột ở Nam Ossetia

Tại sao bạo lực lại bùng phát ở Nam Ossetia? Nam Ossetia và Abkhazia thực tế đã tuyên bố ly khai từ đầu những năm 1990 nhưng Gruzia không công nhận quyền độc lập của vùng lãnh thổ được coi là đã mất này. Tranh chấp giữa Gruzia và hai khu vực này được gọi là “xung đột đóng băng” bởi vấn đề vẫn tồn tại nhưng không xảy ra chiến tranh. Băng tan chảy, sức nóng của nó tăng dần, nhất là sau sự kiện Kosovo được công nhận độc lập hồi đầu năm.

Cơ sở nào để Nam Ossetia tuyên bố độc lập? Người Ossetia là con cháu của bộ tộc được gọi là Alans. Giống như người từ Gruzia, người Ossetia theo Cơ đốc giáo chính thống nhưng họ có ngôn ngữ riêng. Thời Liên Xô, đây là vùng đất tự trị thuộc Gruzia. Người Nam Ossetia có nhiều họ hàng ở bên kia biên giới với vùng Bắc Ossetia thuộc Nga, nên họ có xu hướng gần Nga hơn Gruzia, và nhiều người có hộ chiếu do Nga cấp.

Về sự liên đới của Nga: Nga tuyên bố họ không thể đứng ngoài bởi rất nhiều người trong khu vực ly khai này là công dân của họ. Trong khi đó, Gruzia cho rằng Nga đang can thiệp vào công việc nội bộ của họ và ủng hộ chính sách ly khai, mặc dù lực lượng hòa bình của Nga là trung lập. Gruzia cáo buộc Nga sử dụng chính sách 2 mặt, dập tắt phong trào ly khai ở Chechnya nhưng lại cổ vũ cho chính sách này ở Gruzia. Một nguyên nhân sâu xa khác là Gruzia tỏ ra quan tâm đến việc gia nhập NATO, điều mà nước Nga chắc chắn phản đối.

Dự báo tình hình sẽ xảy ra: Nam Ossetia sẽ có sự hậu thuẫn của Nga, nhưng Matxcơva và Tblisi đều có cớ để tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này. Thủ tướng Nga V. Putin đã cáo buộc Gruzia là hiếu chiến sau khi tuyên bố tình trạng chiến tranh đồng thời cảnh báo một sự đáp trả là không thể tránh khỏi.

Những tác động rộng lớn hơn: Xung đột có thể mở rộng sang các nước thuộc Liên Xô trước đây, Mỹ và châu Âu. Gốc rễ của vấn đề là công đồng quốc tế không thể đồng ý với nền độc lập của một khu vực nhỏ. Nga đã từng cảnh báo cổ vũ độc lập cho Kosovo là một tiền lệ nguy hiểm, và giờ đây Matxcơva có thể chứng minh điều đó là đúng.

(Theo Người bảo vệ, Anh)