Nữ Thị trưởng Rome đau đầu dọn "mafia rác"

ANTD.VN - Giải quyết cuộc khủng hoảng rác nghiêm trọng ở Thủ đô Rome, Italia được cho là ưu tiên hàng đầu của nữ Thị trưởng Virginia Raggi, người vừa được bầu vào tháng 6-2016. Tuy vậy, mục tiêu dọn sạch “mafia rác”, trả lại vẻ phong quang, sạch sẽ của thành phố trước thời hạn đặt ra là ngày 20-8 dường như khó đạt được.

Cư dân Rome nhiều năm phải “sống chung” với nạn rác xả tràn lan

“Rome là Thủ đô lớn nhưng lại khá bẩn, tất cả mọi người có thể thấy điều này", Antonella Innocenzi, một nhân viên quán cà phê 32 tuổi nói. “Có ngày tôi đi đổ rác mà phải trèo qua cả đống rác mới vứt được”.

Những cư dân thành phố Rome như chị Innocenzi đã nhiều năm thất vọng về dịch vụ vệ sinh môi trường của thành phố này nhưng chỉ đến mùa hè này, rác thải ở Thủ đô mới thực sự trở thành chủ đề của “cuộc chiến” giữa đảng Dân chủ cầm quyền và “Phong trào Năm Sao” theo chủ nghĩa dân túy.

Kết quả là, tháng 6-2016, bà Virginia Raggi, luật sư 38 tuổi, ngôi sao của “Phong trào Năm Sao” đã được bầu làm nữ Thị trưởng đầu tiên của Rome với lời hứa sẽ làm cho thành phố sạch đẹp và đáng sống hơn. Một vài tuần trước, sau khi dân cư mạng lan truyền một đoạn video có cảnh đàn chuột hoạt động “tất bật” quanh một thùng rác ở vùng ngoại ô, trong 5 phút có thể đếm được sự xuất hiện của 25 con chuột, tân Thị trưởng Raggi hứa sẽ khiến Thủ đô Rome sạch đẹp trở lại trước ngày 20-8. Tuy nhiên, đến hạn chót mà chưa có một phép lạ nào xảy ra.

Phá “bức tường tham nhũng” rác thải

Rắc rối nảy sinh khi hơn 1 tháng ngồi “ghế nóng”, nữ Thị trưởng đang phải đấu tranh chống lại một “bức tường tham nhũng” được ví như cũng cao ngất như những đống rác ở Rome. Thực tế đơn giản là các nhóm tội phạm có tổ chức đã nắm hệ thống quản lý chất thải (AMA) ở Rome đã quá lâu. “Đó là một hệ thống điên rồ, không còn gì để nói”, bà Raggi tỏ ra bức xúc khi bắt đầu làm sáng tỏ hệ thống tham nhũng nói trên.

Trong một phát biểu gần đây, nữ Thị trưởng giải thích rằng AMA đang nợ khoảng 600 triệu euro, bao gồm khoản nợ 200 triệu euro đối với các nhà cung cấp và 35 triệu euro với các ngân hàng. Công ty vệ sinh này cũng có khoảng 7.500 nhân viên không được đào tạo nghề, có nghĩa là họ không đủ năng lực xử lý đủ loại rác thải thu được, bao gồm cả chất thải y tế và các sản phẩm chất thải độc hại khác.

Theo tài liệu của cuộc điều tra hình sự nhằm vào hệ thống tham nhũng được gọi là Mafia Capitale khiến chính quyền thành phố sụp đổ hồi năm 2015, dẫn đến việc Rome bị khuyết vị trí Thị trưởng trong 8 tháng, tội phạm không chỉ len lỏi vào hệ thống quản lý rác thải của thành phố mà còn có chân rết đến mọi công ty liên quan, kể cả bộ phận quản lý các nghĩa trang của thành phố.

Thời kỳ Mafia Capitale “làm ăn được”, AMA cho phép các công ty tư nhân thầu khoán thu gom rác thải cho thành phố. Kể từ khi các đường dây tham nhũng bị lật tẩy, nhân viên được thanh lọc, công việc dọn sạch thành phố không còn trôi chảy như trước.

Chính các công nhân vệ sinh môi trường phản đối điều kiện làm việc hiện nay bởi họ bị quản lý chặt hơn, công việc lại nhiều hơn. Giờ họ phải làm mọi việc từ thu gom, phân loại cho tới tái chế rác thải mà tất cả chất đống tại các trung tâm xử lý rác vốn đang bị điều tra hình sự. Trong khi đó, trước kia AMA không chịu đầu tư cho cơ sở hạ tầng cần thiết, chỉ thu lợi nhuận mà đối tác nộp vào, sau đó vung tiền mua xe tải, thùng rác và phục vụ các nhà quản lý.

“Nạn” chung của nhiều thành phố

Không chỉ vậy, nữ Thị trưởng Raggi còn bị chỉ trích trong bổ nhiệm cố vấn môi trường hàng đầu của mình. Bà Paola Muraro, người được bà Raggi bổ nhiệm vào vị trí chiến lược gia cho cuộc khủng hoảng, từng là cố vấn cho AMA trong hơn 12 năm qua và được cho là đã kiếm được hàng trăm nghìn euro cho công việc tư vấn này.

Trước việc bị công tố viên Ecomafia (chuyên về lĩnh vực phòng chống mafia môi trường) của Rome thẩm vấn, bà Muraro nói mình chỉ là chuyên gia về loại bỏ chất thải, chứ không phải trong lĩnh vực kinh doanh - nơi xảy ra tham nhũng. 

Paolo Pistolesi, một chủ quán bar 38 tuổi ở Via Galvani cho rằng, không nhất thiết phải đổ lỗi cho bà Raggi vì những rắc rối hiện tại. “Bà ấy mới nhậm chức 2 tháng, không đơn giản để sửa chữa lỗi lầm mang tính hệ thống lâu như vậy”. Một tin có phần an ủi cho bà Raggi là không chỉ ở Rome, nạn rác thải cũng đang là vấn đề phức tạp mà các thành phố khác như Campania và Sicily gặp phải, bởi nó có liên quan chặt chẽ đến tội phạm có tổ chức.