Nữ Thị trưởng đầu tiên của thành phố Tokyo được đặt nhiều kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, bà Koike Yuriko đã tái đắc cử vị trí Thị trưởng thành phố Tokyo và là người phụ nữ đầu tiên từng giữ chức vụ này. Nhiều chuyên gia hy vọng bà sẽ tận dụng cơ hội để gia tăng vai trò, tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong bộ máy chính quyền vốn đa phần là nam giới của Nhật Bản. 

Bà Koike Yuriko tái đắc cử Thị trưởng thành phố Tokyo năm 2020 và là người phụ nữ đầu tiên của Nhật Bản đảm nhiệm chức vụ cao này

Tỷ lệ phụ nữ tham gia bộ máy quản lý tăng

Cuối tuần trước, khi tái đắc cử vị trí Thị trưởng Tokyo, bà Koike Yuriko đã gây ấn tượng khi gọi thành phố này là nơi để “phụ nữ và trẻ em tỏa sáng”. Năm 2016, khi bắt đầu cuộc tranh cử, bà từng nhấn mạnh về năng lực và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong việc điều hành nhà nước, kèm theo dẫn chứng về nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nữ như Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh… Bên cạnh đó, bà Koike còn giao vị trí phó Thị trưởng cho bà Inokuma Junko vào năm 2017. Tuy nhiên bà Inokuma đã nghỉ hưu vào tháng 6-2019, chức vụ trên hiện đang được giữ bởi 4 người đàn ông trong bộ máy chính quyền thành phố. 

Trong thời gian tranh cử, bà Koike đã gây ngạc nhiên khi rời khỏi đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và thành lập một đảng riêng mang tên Độc lập. Đảng của bà bao gồm nhiều thành viên là nữ giới đã áp đảo cả đảng LDP trong hội đồng thành phố, nâng số phụ nữ tham gia hội đồng lên 30%, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 10% ở các tỉnh, thành phố khác.

Theo số liệu nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản, tính đến tháng 5-2020, số phụ nữ giữ vai trò quản lý trong bộ máy chính quyền Tokyo chiếm 16,8%, cao hơn 6% so với mức trung bình toàn quốc. Trong đó, Tokyo là thành phố có tỷ lệ nữ giới giữ chức vụ quản lý cao thứ 2 trên cả Nhật Bản, chỉ xếp sau tỉnh Tottori. Tuy nhiên, số nữ giới giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền lại bị giới hạn trong nhiều lĩnh vực như phúc lợi xã hội hay bình đẳng giới. 

Kỳ vọng của các chuyên gia

Vấn đề chênh lệch giới tính không chỉ xuất hiện tại Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các đạo luật thúc đẩy bình đẳng giới trong bộ máy chính trị, kêu gọi gia tăng nữ giới hoạt động trong các bộ máy quản lý tại địa phương và chính phủ. Trong khi nhiều đảng đối lập đã thành công trong việc cân bằng giới tính cử tri thì có vẻ như chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe lại thất bại trong vấn đề này khi không thể tuyển dụng phụ nữ thay thế một vài vị trí đang được đảm nhiệm hiện nay.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chính trị vốn bảo thủ, sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của đảng đối lập vốn rất yếu, khiến cho các chính trị gia nữ khó có khả năng được đề cao. Tuy nhiên, họ đặt nhiều kỳ vọng bà Koike sẽ thay đổi được tình hình này. Với chiến thắng của mình trong cuộc tranh cử Thị trưởng Tokyo năm 2016 và tái đắc cử mới đây, bà Koike đã chứng minh được khả năng vươn xa của nữ giới trong bộ máy chính trị. 

Bà Miura Mari, Giáo sư nghiên cứu Khoa học Chính trị tại trường Đại học Sophia (Tokyo, Nhật Bản) cho biết, bà hy vọng Thị trưởng Kokie sẽ phát huy toàn bộ khả năng của mình để nâng cao vai trò của nữ giới trong các hoạt động quan trọng của Nhật Bản. Bà cũng mong được thấy nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực cốt lõi của đất nước như phát triển kinh tế hay hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, bà Miura bày tỏ mong muốn bà Koike sẽ tuyển dụng nhiều nữ giới hơn trong bộ máy chính quyền của mình. 

Bà Shin Ki-young, Giáo sư Đại học Ochanomizu chia sẻ thêm, bà Koike trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của Tokyo nhờ vào danh tiếng và chiến dịch tranh cử của mình. Bà thậm chí còn vượt qua cả đại diện nam của đảng LDP đến từ quận Nagatacho (trung tâm chính trị của Tokyo) để đạt được vị trí này. Bà Shin nhận định, tùy thuộc vào chính sách tuyển dụng nữ giới vào làm trong bộ máy điều hành của mình, chính quyền của bà Koike sẽ có nhiều tác động lớn đối với những người phụ nữ muốn tham gia vào hoạt động chính trị. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, nếu bà Koike không có ý định quay trở lại chính trường quốc gia và tranh cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản thì những nỗ lực và mức độ ảnh hưởng của bà sẽ không được phát huy, thậm còn có khả năng lụi tàn bởi người ta không nhớ quá nhiều tới một vị Thống đốc thành phố. Được biết, từ trước tới nay, Nhật Bản chưa từng có một nhà lãnh đạo nữ nào, nên bà Koike được nhiều chuyên gia bình đẳng giới đặt kỳ vọng sẽ thay đổi điều này và nâng cao vai trò của phụ nữ tại Nhật Bản.