Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN:

"Nóng" vì chủ đề Biển Đông

ANTĐ - Trong danh sách hàng loạt vấn đề cần thảo luận tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN sẽ diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 27-2, tranh chấp trên Biển Đông vẫn là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận.

"Nóng" vì chủ đề Biển Đông ảnh 1

Việc Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu J -11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang khiến dư luận lo ngại

Là hội nghị đầu tiên của ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN lần này có nhiệm vụ phải cụ thể hóa mục tiêu mà Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đã đề ra. Hàng loạt  chủ đề đã được nêu lên, từ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, kết nối ASEAN, phát triển du lịch, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa của ASEAN, bảo đảm an ninh khu vực…

Chỉ là một trong những chủ đề tại hội nghị nhưng tranh chấp Biển Đông vẫn là vấn đề rất nóng. Ngay trước hội nghị, Philippines cho biết sẽ nêu vấn đề an ninh hàng hải, trong đó có việc Trung Quốc triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phía Philippines tuyên bố dù không có tuyên bố chủ quyền về đảo Phú Lâm, nhưng Manila giữ vừng lập trường rằng tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi của báo chí liệu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị Viêng Chăn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, bất cứ vấn đề nào đe dọa an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông cũng sẽ được nêu ra. Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định những diễn biến gần đây ở Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ và nghiêm trọng hơn là các hoạt động gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông. Đây là yếu tố hết sức đáng lo ngại, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Rõ ràng, tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành một trong những mâu thuẫn dễ bùng nổ thành xung đột nhất thế giới, khiến dư luận không chỉ khu vực mà thế giới cũng phải quan tâm. Trang tin Huffingtonpost.de viết: Cách hành xử lấn lướt của Trung Quốc đang báo động nhiều nước. Còn Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, Đô đốc H. Harris thì tuyên bố sẽ cân nhắc điều tàu ngầm và tăng cường thêm khu trục hạm tới Biển Đông để răn đe hành động quân sự hóa và khẳng định quyền tự do hàng hải tại khu vực.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Viêng Chăn sẽ phải trao đổi để tìm giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông. Tại hội nghị hẹp năm ngoái, ASEAN đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, trong đó có việc bồi đắp các đảo đá quy mô lớn; đồng thời đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ 1982 (UNCLOS).

Chắc chắn những vấn đề đó sẽ được nhắc lại. Đi kèm với nó là sự cần thiết phải nhắc lại những nguyên tắc chung để định hướng cho ASEAN trong xử lý các vấn đề phức tạp.

Trong đó có việc ASEAN cần phát huy vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, tập trung thúc đẩy triển khai những biện pháp cụ thể theo hướng: cụ thể hóa các biện pháp nhằm triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là Điều 5 về kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; đẩy nhanh quá trình đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tiếp tục tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.