Nóng: Tổng thống Donald Trump 'bất ngờ' tới Bàn Môn Điếm gặp Chủ tịch Kim Jong-un

ANTD.VN - Hãng Yonhap của Hàn Quốc ngày 30-6 dẫn lời Tổng thống Moon Jae-in cho biết, cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Bàn Môn Điếm ngay trong ngày hôm nay 30-6-2019.

Cuộc gặp chớp nhoáng

Hãng CNN ngày 30-6 đưa tin, hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trên đường đến Bàn Môn Điếm - khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc để gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Từ sân bay tới DMZ mất khoảng 1,5 tiếng đồng hồ đi xe.

Theo một số nguồn tin từ tờ Hankyoreh và USA Today, ông Trump có thể lần đầu tiên bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên và hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ gặp nhau trong khoảng 15 phút để thảo luận một số vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia hai nước, đặc biệt là giải trừ vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội, Việt Nam hồi tháng 2-2019 (Nguồn: AFP)

Trước đó, tại buổi biểu khai cuộc họp báo chung, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định rằng, ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khu phi quân sự (DMZ) vào hôm nay. "Chúng tôi sẽ đến biên giới DMZ và tôi sẽ gặp Chủ tịch Kim. Tôi rất mong chờ điều đó. Tôi mong được gặp ông ấy. Chúng tôi đã phát triển một mối quan hệ rất tốt và chúng tôi hiểu nhau. Tôi tin rằng anh ấy hiểu tôi và tôi nghĩ rằng tôi có thể hiểu anh ấy và đôi khi điều đó có thể dẫn đến những điều rất tốt", ông Trump nói.

Tính toán từ trước

Hồi tuần trước, phía Mỹ đã chính thức "bật đèn xanh" cho Triều Tiên về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 11-6 tuyên bố về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. 

Một tín hiệu lạc quan nữa trong tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều hướng đến giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã nhận được bức thư mà ông gọi là "rất nồng ấm" của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào dịp kỷ niệm 1 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên (ngày 12-6-2018 tại Singapore). Dù không tiết lộ nội dung bức thư, song Tổng thống Donald Trump nói rằng ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có một "mối quan hệ rất tốt", đồng thời bày tỏ lạc quan về những điều tích cực sắp tới. 

Việc cả Mỹ và Triều Tiên liên tiếp thể hiện thái độ tích cực mấy ngày vừa qua, tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh lần 3, xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, đối với Triều Tiên, những lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hợp quốc từ năm 2016 đến nay đã gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề cho nước này. Theo đánh giá của Reuters (2-2019), trong năm 2019, Triều Tiên sẽ thiếu 1,4 triệu tấn lương thực, chưa kể tình trạng thiếu năng lượng sẽ tiếp tục làm tê liệt ngành công nghiệp, chế tạo máy móc và ngành sản xuất hàng tiêu dùng của nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bí mật đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm

Ý thức được những khó khăn trên, nên trước Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 có nhiều tướng lĩnh và giới chủ doanh nghiệp đã gửi thư lên Chủ tịch Kim yêu cầu ông không tham gia Hội nghị lần này, nhưng ông vẫn tham gia. Điều này chứng tỏ, nhóm lợi ích không thể thắng được Chủ tịch Kim Jong-un về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên qua đàm phán trực tiếp với Mỹ. Đây chính là "lối thoát" duy nhất để Triều Tiên có thể phát triển kinh tế, mở cửa thị trường để thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.

Thứ hai, đối với Mỹ, bất chấp chính sách cứng rắn của một số quan chức trong Chính phủ, Tổng thống D. Trump vẫn duy trì các kênh đối thoại song phương với nước này. Bởi vấn đề hạt nhân Triều Tiên được coi là di sản đối ngoại hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ, bên cạnh việc tham gia đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối, ông Trump vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận này với Triều Tiên. Nhưng chú ý, yếu tố Trung Quốc có thể tác động đến tiến trình này trong tương lai, bởi có một số nguồn tin cho rằng, việc cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không thành công, có sự "nhúng tay" của nước này.

Việc Tổng thống Mỹ thời gian gần đây tỏ rõ thiện chí gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng với sự hỗ trợ của Hàn Quốc có thể được xem là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của các bên nhằm tháo gỡ tình thế bế tắc hiện nay, mà xa hơn nữa là tìm ra một "giải pháp đột phá" cho vấn đề Triều Tiên.

Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến một ngày nào đó có thể sẽ được giải quyết nhưng vấn đề địa-chính trị khu vực Đông Bắc Á sẽ vẫn còn đó. Con đường phía trước còn rất dài và nhiều trắc trở, nhưng chúng ta đang nhìn thấy những khởi sắc (cải thiện quan hệ liên Triều, chính sách có phần nới lỏng của Mỹ đối với Triều Tiên), rất có thể Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 sẽ diễn ra thành công hơn, qua đó, biến những hy vọng trở thành hiện thực trong tương lai.