Nóng mối lo an ninh mạng

ANTĐ - Việc các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra dự thảo mới về “Bộ Quy tắc hành vi quốc tế về an ninh thông tin” cho thấy an ninh mạng đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu.

Nóng mối lo an ninh mạng ảnh 1Gián điệp mạng có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế 

SCO kêu gọi các nước triển khai thảo luận thêm về vấn đề này trong khuôn khổ LHQ để nhanh chóng đạt được nhận thức chung về các quy tắc cũng như chuẩn tắc quốc tế quy định về các hành vi liên quan đến hoạt động không gian mạng và thông tin của các nước. Dự thảo “Bộ Quy tắc hành vi quốc tế về an ninh thông tin” được hai thành viên chủ chốt trong SCO là Trung Quốc và Nga trình Đại hội đồng LHQ từ tháng 9-2011.

Hiện nay, an ninh mạng không còn là vấn đề của từng quốc gia riêng lẻ mà đã trở thành mối quan tâm chung của thế giới. Thực tế cho thấy, sự thịnh vượng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia và quyền tự do cá nhân không chỉ phụ thuộc vào việc thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh mạng mà còn phải đảm bảo duy trì được một hệ thống Internet mở, an toàn và tin cậy. 

Tính toán của cơ quan an ninh McAfee và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, thiệt hại do các vụ tấn công mạng hàng năm khoảng 300 tỷ đến 1.000 tỷ USD. Theo McAfee, con số thiệt hại khổng lồ nói trên có thể làm chậm quá trình đổi mới, bóp méo các giao dịch và tạo ra các thiệt hại mang tính xã hội do tình trạng gia tăng tội phạm và thất nghiệp. 

Chẳng hạn, ở Mỹ, các vụ tai nạn xe ô tô trên cả nước gây thiệt hại từ 99 tỷ USD đến 168 tỷ USD mỗi năm, tức là từ 0,7% đến 1,2% GDP. Trong khi đó, các vụ tấn công mạng khiến nước Mỹ mất khoảng 24 tỷ USD đến 120 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,2% đến 0,8% GDP. Ngoài ra, con số người thất nghiệp do tác động từ các vụ tấn công mạng là hơn nửa triệu người. Theo Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) J. Comey, trong tương lai, các nguồn lực dùng để đối phó với những mối đe dọa an ninh mạng sẽ ngang bằng, thậm chí còn lớn hơn cả nguồn lực dùng để đối phó với các mối đe dọa khủng bố.

Chưa hết, vấn đề an ninh mạng thậm chí có thể trở thành nguyên nhân bùng nổ mâu thuẫn giữa các quốc gia. Tháng 5 năm ngoái, quan hệ Mỹ - Trung rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ E. Holder kết tội năm sĩ quan Trung Quốc với cáo buộc hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các tập đoàn, công ty của Mỹ. Bắc Kinh cũng ngay lập tức có hành động đáp trả khi tuyên bố sẽ tiến hành điều tra tất cả các nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ, thậm chí bày tỏ sự nghi ngờ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Apple, Yahoo, Cisco Systems, Microsoft và Facebook âm mưu hoạt động gián điệp và đánh cắp các thông tin mật. 

Chính vì thế, việc định rõ các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các phương pháp thực hiện giúp các tổ chức nhận biết và quản lý các nguy cơ liên quan đến vấn đề an ninh mạng là yêu cầu cấp thiết. Người ta kỳ vọng Bộ Quy tắc hành vi quốc tế về an ninh thông tin sẽ dựa trên một số nguyên tắc chính. Trước hết, đó là nguyên tắc cùng có lợi, bình đẳng, hợp tác. Tiếp đó là nguyên tắc không được lợi dụng mạng Internet để can thiệp công việc nội bộ và làm tổn hại lợi ích của nước khác. Và điều quan trọng là tất cả cùng “thắng” trong việc khai thác thế giới mạng.