Nóng bỏng cuộc chiến Arập Xêút - Iran

ANTĐ - Hai quốc gia Hồi giáo là Arập Xêút và Iran đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao khó lường, có thể làm nóng thêm tình hình khu vực Trung Đông vốn đã đầy bạo lực và bất ổn.

Nóng bỏng cuộc chiến Arập Xêút - Iran ảnh 1Người dân Iran biểu tình tại Thủ đô Tehran để phản đối Arập Xêút hành quyết giáo sĩ dòng Shiite Sheikh Nimr al-Nimr

Cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa Arập Xêút và Iran được đẩy lên đỉnh điểm khi Arập Xêút quyết định hành quyết 47 người bị tòa án nước này kết tội “khủng bố”, trong đó có Giáo sĩ Nimr al-Nimr. Giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr, 56 tuổi, là giáo chức cao cấp và một gương mặt nổi bật của cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shiite.

Giáo sĩ Nimr al-Nimr là nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Arập Xêút, nơi cộng đồng người Shiite thiểu số trong quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Sunni này bày tỏ sự bất mãn vì bị chính quyền cách ly. Giáo sĩ Nimr al-Nimr sau đó bị bắt và bị tòa án đặc biệt của Arập Xêút kết án tử hình hồi tháng 10-2014 vì các tội “nổi loạn”, “bất phục tùng Quốc vương” và tàng trữ vũ khí.

Ngay sau khi Giáo sĩ Nimr al-Nimr bị kết án tử hình, những quốc gia Hồi giáo có đa số người theo dòng Shiite, nhất là Iran, đã kêu gọi Arập Xêút không thi hành án tử hình giáo sĩ rất có ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite này. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi này, Giáo sĩ Nimr al-Nimr đã bị Arập Xêút đưa ra thi hành án tử hình vào ngày 2-1 vừa qua cùng 46 người khác bị kết tội “khủng bố”.

Việc hành quyết Giáo sĩ Nimr al-Nimr lập tức làm bùng nổ cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Arập Xêút và Iran. Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei nhấn mạnh, việc hành quyết Giáo sĩ al-Nimr là “sai lầm” của Chính phủ Arập Xêút, đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với “sự trả thù thần thánh”.

Tại Thủ đô Tehran của Iran, nhiều người Hồi giáo dòng Shiite đã tràn vào đốt phá đồ đạc trong Đại sứ quán Arập Xêút. Đáp trả, Arập Xêút lệnh cho các nhà ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong 48 giờ và tuyên bố tạm dừng mọi đường bay, cắt đứt tất cả quan hệ thương mại và cấm công dân tới Iran. Những quốc gia Hồi giáo có đa số người dân theo dòng Sunni cũng tuyên bố ủng hộ Arập Xêút, trong đó Bahrain và Sudan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran…

Vụ hành quyết Giáo sĩ Nimr al-Nimr đã trực tiếp châm ngòi cho cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Arập Xêút và Iran, song thực ra chính là giọt nước cuối cùng tràn ly mâu thuẫn giữa hai quốc gia Hồi giáo Arập này mà sâu xa hơn là chia rẽ và tranh chấp giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo đang có 1,5 tỷ tín đồ này vốn xuất phát từ tranh chấp giữa hai dòng Hồi giáo sau khi Nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập ra tôn giáo này, qua đời năm 632.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế quan ngại về những diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai quốc gia Hồi giáo có ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông vốn đang chất chứa đầy xung đột bạo lực và bất ổn, trong đó đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực chung chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã điện đàm trực tiếp với các Ngoại trưởng của Arập Xêút và Iran, kêu gọi hai bên tránh mọi hành động có thể làm tình hình thêm căng thẳng, đồng thời cảnh báo việc có thể “gây hậu quả rất nghiêm trọng” đối với khu vực, trong khi Nga tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa hai quốc gia…