Nỗi khổ của những lao động nhập cư Philippines sinh con ngoài hôn nhân ở UAE

ANTD.VN - Một căn phòng ngột ngạt, không có cửa sổ trên con phố nhỏ ở Dubai là nơi sinh sống của 9 người đến từ Philippines. 8 người lớn là lao động nhập cư, làm việc rất vất vả với mức lương thấp. Người thứ 9 là một cậu bé 6 tuổi.

Nỗi khổ của những lao động nhập cư Philippines sinh con ngoài hôn nhân ở UAE ảnh 1Neng và con trai ngoài hôn nhân, cậu bé Jerry 

Những đứa trẻ không tồn tại 

Cậu bé tên là Jerry, ở cùng với mẹ Neng. Jerry thích nhảy múa và ăn bánh rán. Căn phòng nhỏ, ngột ngạt này là nơi duy nhất cậu bé biết đến. Có thể, giống như nhiều đứa trẻ sinh ra ngoài hôn nhân, không quốc tịch, Jerry sẽ phải sống lẩn trốn cả cuộc đời. Jerry không có giấy khai sinh hay bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khác. Điều đó có nghĩa là, cậu bé không được tiếp cận với giáo dục và chưa bao giờ đến gặp bác sĩ. Xét trên phương diện chính thức, Jerry không tồn tại.

Giường của Neng và Jerry rất thấp và chỉ rộng chưa đến một mét. Rèm cửa bằng ga trải giường để lấy chút không gian riêng tư. Hai mẹ con ăn ngay tại phòng. Trên sàn nhà đầy gián. Những điều kiện sống này đã tàn phá tuổi thơ của Jerry. Sức khỏe của cậu bé yếu, thường xuyên ho và ốm sốt. 

Trong số 9,4 triệu người ở Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), có khoảng 70% là lao động nhập cư được trả lương thấp. Họ là một phần quan trọng của nền kinh tế, thường làm việc trong ngành xây dựng, bán lẻ, giúp việc nhà hoặc lái taxi. Neng là một trong số họ. Một thập kỷ trước, cô đến UAE từ Philippines để làm người giúp việc gia đình nhưng sau đó bỏ trốn vì bị chủ nhà ngược đãi. Không có việc làm đồng nghĩa với việc mất visa và cư trú bất hợp pháp ở UAE. Neng có quan hệ với một người đàn ông nhưng sau đó bị đuổi ra đường sau khi mang thai.

Khi mang thai ngoài hôn nhân, Neng hiểu rõ đã vi phạm luật pháp UAE lần thứ hai. Sau một thời gian mang bầu vô cùng vất vả, Neng đã sinh Jerry trong căn hộ của một người bạn với sự giúp đỡ của bà đỡ “nghiệp dư”. Không thể tìm được việc làm thông qua các kênh chính thức, cuối cùng, Neng tìm được công việc quản gia và bảo mẫu cho một gia đình người Philippines. Người sử dụng lao động biết cô là lao động bất hợp pháp nên ép trả lương thấp và thường không đúng hạn. Tuy nhiên, Neng không thể khiếu nại với chính quyền. 

Khi có thể, Neng gửi ít tiền về cho gia đình ở Zamboanga Sibugay, một trong những tỉnh nghèo nhất Philippines. Số tiền còn lại, để trang trải cuộc sống của hai mẹ con ở Dubai. Mặc dù cuộc sống ở Dubai khó khăn nhưng Neng không muốn trở về quê hương. Cuộc sống nghèo đói cùng cực ở Philippines sẽ khiến cuộc sống của cô khó khăn hơn. 

Joanna là một trường hợp khác. Cô là một y tá người Philippines và đã sống ở Dubai được 10 năm. Trong 15 tháng qua, cô đã nuôi một bé gái tên là Rosamie. Rosamie bị bỏ rơi ngay trước cửa căn phòng mà Joanna sống cùng 5 người phụ nữ khác ở khu vực Al-Karama của Dubai. “Thật khó khăn khi em bé ở với chúng tôi mà không có bất cứ giấy tờ nào. Tôi yêu con bé và cũng ý thức được rằng, tôi có thể bị bỏ tù vì giữ một đứa bé bất hợp pháp. Chỉ có công dân của Tiểu vương quốc mới được phép nhận con nuôi ở UAE”, Joanna nói.

Sống chui lủi dưới vòng luật pháp nghiêm ngặt

Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là một tội ác ở UAE và người có hành vi này có thể bị kết án đến một năm tù giam và trục xuất. Luật pháp cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở UAE được gọi là Luật Zina được thực thi nghiêm ngặt. Trong một số trường hợp, báo cáo bị hiếp dâm cũng bị chính quyền coi là quan hệ tình dục bất hợp pháp và nạn nhân bị kết án tù. Các bác sĩ phát hiện phụ nữ chưa kết hôn đang mang thai phải thông báo cho cảnh sát. Một số phụ nữ lựa chọn rời khỏi UAE khi mang thai và tình trạng phá thai cũng phổ biến.

Số liệu do Lãnh sự quán Philippines tại Dubai cung cấp cho thấy, hàng trăm lao động nhập cư mỗi năm như Neng quyết định lẩn trốn sau khi mang thai ngoài hôn nhân. “Họ sợ mất việc vì đó là phương tiện duy nhất để nuôi sống gia đình. Đối với họ, trục xuất giống như là kết thúc cuộc đời”, luật sư Barney Almazar, người trợ giúp pháp lý cho nhiều lao động nhập cư ở UAE nói. 

Luật sư Almazar cho biết thêm, không có số liệu chính xác về số lao động nhập cư sinh con ngoài hôn nhân ở UAE. Mỗi tháng, khoảng 40 bà mẹ sinh con ngoài giá thú tìm kiếm sự trợ giúp từ Lãnh sự quán Philippines tại Dubai và Đại sứ quán ở Abu Dhabi. Tuy nhiên, có thể, đây chỉ là một phần nhỏ trong số bà mẹ sinh con ngoài hôn nhân đang sống ẩn náu ở đâu đó.