Nỗi đau khó vơi

ANTĐ - Đã một năm trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines chở 239 hành khách và phi hành đoàn biến mất, vẫn không một dấu vết nào được tìm thấy. Chỉ còn lại nỗi đau và những lời đồn đại xung quanh vụ mất tích được coi là bí ẩn nhất lịch sử hàng không.

Nỗi đau khó vơi ảnh 1Một năm sau vụ MH370 mất tích, thân nhân các nạn nhân vẫn chờ đợi lời giải thích từ phía chính quyền Malaysia

Có thể nói, thế giới đã không tiếc bất cứ thứ gì để đi tìm lời giải thích cho câu hỏi chiếc Boeing 777 của Hãng Hàng không Malaysia đã biến mất thế nào hôm 8-3-2014, khi đang thực hiện chuyến bay số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc).

Hơn 1 năm qua, tổng cộng 26 quốc gia đã tham gia nỗ lực tìm kiếm trong đó có Việt Nam. Thế giới đã tiêu tốn hơn 120 triệu USD (hơn 2.500 tỷ đồng) để truy vết MH370, số tiền lớn nhất trong lịch sử cứu hộ trên biển từ trước đến nay, nhưng mọi nỗ lực vẫn chỉ như… muối bỏ biển.

Kết quả được coi là điểm tốt hiếm hoi trong chiến dịch tìm kiếm gần như vô vọng này là người ta đã vẽ lại hầu như toàn bộ bản đồ đáy biển của khu vực biển Ấn Độ Dương rộng lớn, bản vẽ có thể giúp các nhà khoa học dự đoán dòng chảy, cảnh báo sóng thần và dự báo thời tiết. Trong 1 năm qua, 4 tàu cứu hộ đã lùng sục hơn 25.000km2 trên biển và dự kiến sẽ còn mở rộng tìm kiếm tiếp tới ít nhất 57 nghìn km 2 xung quanh khu vực MH370 mất tích.

Pin của hộp đen máy bay chỉ đủ dùng tối đa 90 ngày sau tai nạn, thế nên hộp đen của MH370 đã ngừng hoạt động từ lâu. Vì thế, rất nhiều giả thiết đã được đưa ra nhằm giải thích cho sự mất tích của MH370. Không ít người còn cho rằng MH370 bị bắn hạ, bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Thậm chí một số chuyên gia còn dự đoán cơ trưởng Zaharie có “vấn đề cá nhân” nên đã cùng cơ phó Fariq Abdul Hamid tắt hệ thống theo dõi bằng tay và chuyển hướng chiếc máy bay có chủ đích. Đây được coi là một trong những cách lý giải hợp lý cho một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không.

Đến thời điểm này, vụ mất tích của MH370 đã chính thức được Chính phủ Malaysia xếp vào hạng mục “tai nạn”. Malaysia làm vậy để thân nhân hành khách có thể xin được giấy chứng tử và đòi tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, tuyên bố này ngay lập tức đã dấy lên sự phẫn nộ từ phía các thân nhân gia đình nạn nhân bởi họ cho rằng không nhận được bất kỳ thông báo hay thông tin nào trước đó từ phía chính phủ về kết luận nói trên cũng như không có bằng chứng nào đảm bảo cho kết luận trên là chính xác.

Nỗi đau quá lớn khiến nhiều thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 không chấp nhận điều hầu như đã là sự thật và họ tiếp tục hy vọng. Thậm chí Hội tiếng nói 370 (Voice 370), Hội những thân nhân các nạn nhân của MH370, tuyên bố: “Nhận định như vậy chỉ mang lại sư đau đớn và là điều tàn nhẫn đối với các gia đình nạn nhân và khiến chúng tôi mất niềm tin vào nỗ lực tìm kiếm”.

Một tuần trước ngày MH370 mất tích tròn 1 năm, lễ tưởng niệm với sự tham gia của các gia đình nạn nhân cùng các nhân viên của Hãng Hàng không Malaysia Airlines đã diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur. Thế nhưng, sự kiện đó không thể xoa dịu nỗi đau của hàng nghìn người ở lại. 

Hôm qua (8-3), Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết nước này vẫn cam kết tiếp tục cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 bị mất tích tròn một năm, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ tìm được chiếc máy bay đầy bí ẩn này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết cuộc tìm kiếm sẽ không dừng lại. Không ai muốn câu nói cuối cùng “Chúc ngủ ngon, Malaysia 370” mà các trạm không lưu nhận được từ MH370 lại là tín hiệu cuối cùng của chuyến bay đã đi vào lịch sử.