Noeleen Heyzer - người phụ nữ "số 1" châu Á 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa quyết định bổ nhiệm bà Noeleen Heyzer, người Singapore, làm Tổng thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP). Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của mình, ESCAP có thủ lĩnh là một quý bà.

Noeleen Heyzer - người phụ nữ "số 1" châu Á 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa quyết định bổ nhiệm bà Noeleen Heyzer, người Singapore, làm Tổng thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP). Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của mình, ESCAP có thủ lĩnh là một quý bà.

Bà Noeleen Heyzer

Bà Noeleen Heyzer

Heyzer - người bạn đường của hàng triệu phụ nữ đau khổ

Bà Heyzer sẽ thay ông Kim Hak-su, người Hàn Quốc tại vị từ năm 2000, "làm chủ" tòa nhà hoành tráng trên đại lộ Ratchadamnoen Nok ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, vào tháng 8 này. LHQ chia địa bàn quản lý của mình thành 5 khu vực, đứng đầu mỗi khu vực là một vị Tổng thư ký điều hành, có vai trò như một Phó tổng thư ký LHQ. Với vai trò vừa được bổ nhiệm, bà Heyzer trở thành vị phó "to" nhất, bởi khu vực châu Á - TBD là lớn nhất xét về diện tích lẫn dân số, gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với tiềm năng kinh tế dồi dào nhất thế giới.

Nổi tiếng khắp thế giới là một người chiến đấu cho quyền phụ nữ và bình đẳng giới, trong gần 20 năm qua, bà Heyzer giữ nhiều vị trí quan trọng tại LHQ. Năm 1994, bà trở thành Giám đốc Quỹ Phát triển vì phụ nữ của LHQ (UNIFEM). Trong cương vị này, từ đó đến nay bà Heyzer đã làm thay đổi đáng kể vai trò và số phận của người phụ nữ trên toàn thế giới. Chính nhờ quá trình vận động của bà, những đạo luật chà đạp lên thân phận người phụ nữ ở Peru và Costa Rica đã được thay đổi.

"Chúng ta không thể chấp nhận một thực tế là có đến 70% phụ nữ trong số 1,3 tỉ người nghèo trên thế giới. Chúng ta cũng không chấp nhận một sự thật là phụ nữ đóng góp đến 2/3 tổng số giờ làm việc của cả thế giới nhưng chỉ nhận được 1/10 tổng thu nhập và sở hữu chưa đầy 10% tài sản của thế giới. Hàng loạt những thay đổi căn bản cần phải được thực hiện" - Noeleen Heyzer

Các đạo luật này cho phép những người đàn ông với tội danh hiếp dâm tránh được bản án hình sự nếu họ tuyên bố sẽ kết hôn với nạn nhân. Cũng chính UNIFEM đã vận động nhiều quốc gia như Ai Cập, Ghana, Bờ Biển Ngà... bãi bỏ hủ tục hủy hoại bộ phận sinh dục của những phụ nữ trót lầm lỡ.

Tại Campuchia, chính bà Heyzer đã làm thay đổi nhận thức của người dân nước này bằng cách đưa vào ngôn ngữ Khmer những khái niệm như hiếp dâm, bạo quyền gia đình, quấy rối tình dục... mà trước đây đất nước Chùa Tháp né tránh đề cập đến.

Ngay sau khi thảm họa sóng thần phá hủy nhiều vùng của đất nước Indonesia vào cuối năm 2004, UNIFEM đã lập tức hỗ trợ tài chính cho những phụ nữ lâm nạn, để họ đan mũ rộng vành cung cấp cho các nhân viên cứu trợ đổ về những địa bàn đổ nát trong cái nắng kinh người vùng xích đạo. Công việc đó đã giúp người dân sớm tìm được kế sinh nhai sau cơn hoạn nạn. Bà Heyzer cũng là người đóng vai trò quyết định trong việc phê chuẩn Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2000 về phụ nữ, hòa bình và an ninh, và quyết tâm thực thi nó trước hết tại những quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Trái tim của UNIFEM

Nhờ vai trò tích cực của mình, năm 2005, bà Heyzer đã được đề cử giải Nobel hòa bình. Nữ diễn viên tài hoa của Hollywood Nicole Kidman khi được chọn làm đại sứ thiện chí của UNIFEM vào ngày 26/1/2006 đã nói rằng: "Noeleen Heyzer không chỉ là một nhân vật xuất sắc, mà chính là trái tim của UNIFEM".

Ngay khi quyết định của Tổng thư ký LHQ được công bố, Ngoại trưởng Singapore đang tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Manila đã có thư chúc mừng, trong đó thể hiện niềm tự hào, niềm tin tưởng vào người phụ nữ Singapore đầu tiên đạt đến vị trí cao như vậy tại LHQ.

Tên bà Heyzer xưa nay được đặt ở vị trí số 1 trong số những cựu học sinh ưu tú của trường nữ tu Chij Katong Convent, nơi bà trải qua bậc tiểu học. 

Sinh năm 1948, bà Heyzer tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ về nghệ thuật tại Đại học Singapore và nhận bằng tiến sĩ khoa học xã hội tại Đại học Cambridge (Anh). Bà từng làm giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, làm trong ngân hàng và hàng loạt công việc khác; bà từng viết nhiều sách.

Heyzer từng nhận các danh hiệu "Giải thưởng Lãnh đạo" của LHQ và Đại học Harvard (Mỹ), "Người phụ nữ xuất chúng" của Ủy ban các Tổ chức phi chính phủ của LHQ, "Người phụ nữ tạo nên sự khác biệt" của Hội đồng quốc gia nghiên cứu về phụ nữ của Mỹ.

Theo SGGP