Nổ súng vào Iran là "bắn" vào chính lợi ích của nước Mỹ

ANTD.VN - Cảnh báo này của Iran được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã dừng cuộc tấn công quân sự vào Iran để đáp trả việc một chiếc máy bay do thám không người lái (UAV) của Mỹ bị bắn rơi hồi đầu tuần này, chỉ vài phút trước khi khởi sự vì biết rằng  có thể có khoảng 150 người sẽ chết trong vụ tấn công.

Lời cảnh báo

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn TASnim, một vị tướng của Iran đã cảnh báo, rằng bất kỳ hành động nào chống lại Tehran sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với lợi ích của nước Mỹ trong khu vực.

"Bắn một viên đạn về phía Iran chính là nổ súng vào chính lợi ích của nước Mỹ và các đồng minh. Tình hình trong khu vực đang có lợi thế cho Iran. Nếu kẻ thù - đặc biệt là Mỹ và các đồng minh trong khu vực phạm phải sai lầm khi châm ngòi thùng thuốc súng nhắm bắn vào vùng Vịnh, nơi nước Mỹ có rất nhiều lợi ích,  khu vực này sẽ bị đốt cháy ", phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Abolfazl Shekarchi cho biết.

Thiếu tướng Abolfazl Shekarchi

Cảnh báo nghiêm khắc này của tướng Shekarchi được đưa ra ngay sau tiết lộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, ông đã dừng một chiến dịch quân sự nhắm vào ba địa điểm ở Iran chỉ 10 phút trước khi nó được triển khai khi biết rằng sẽ có khoảng 150 người Iran sẽ chết trong vụ tấn công.

Quyết định này của ông chủ Nhà trắng được đưa ra ngay sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran tuyên bố họ đã hạ một máy bay do thám không người lái Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk của Mỹ khi nó bay qua tỉnh ven biển Hormozgan kèm lời cáo buộc Mỹ vi phạm không phận nước này. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ lại tuyên bố, chiếc UAV đã bị bắn hạ khi đang bay trên vùng biển quốc tế ở eo biển Hormuz.

Máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk

Vào thời điểm đó, Tổng tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Hossein Salami, đã mô tả  việc bắn hạ máy bay do thám không người lái là một "thông điệp rõ ràng" với Washington rằng Tehran sẽ "phản ứng mạnh mẽ" trước bất kỳ sự xâm lược nào.

Không phận Iran: “An toàn và tin cậy”

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran cho biết không phận của đất nước này "hoàn toàn an toàn và tin cậy" và mở cửa cho các chuyến bay của tất cả các hãng hàng không.

"Không phận do Iran kiểm soát trên Vịnh Ba Tư và các đường bay khác hoàn toàn an toàn", phát ngôn viên Reza Jafarzadeh tổ chức trên thông báo.

Tuy nhiên, ít nhất gần mười hãng hàng không xác nhận rằng họ sẽ hạn chế các chuyến bay qua không phận Iran, xung quanh eo biển Hormuz và Vịnh Ô-man trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang.

Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) đã cấm máy bay của Mỹ bay trong khu vực theo một lệnh khẩn cấp được ban hành vào hôm 20/6/2019, với lý do nguy cơ "tính toán và định vị sai".

Cơ quan quản lý hàng không Mỹ tuyên bố rằng, một chiếc máy bay dân sự  đã bay gần chiếc máy bay do thám không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ ở khoảng cách 45 hải lý, và còn nhiều máy bay chở khách khác đang bay trong khu vực  này cùng một lúc đó.

Tương tự như vậy, hãng hàng không United Airlines tuyên bố tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến Ấn Độ để thực hiện  việc "đánh giá an toàn và an ninh kỹ lưỡng".

Một số hãng hàng không lớn của châu Âu, bao gồm hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM, British Airways của Anh và Lufthansa của Đức tuyên bố rằng họ sẽ tuân theo cảnh báo, mặc dù người phát ngôn của Lufthansa xác nhận rằng các chuyến bay đến Tehran vẫn sẽ được tiến hành như dự kiến. Về phần mình, Air France của Pháp cho biết họ không thực hiện các chuyến bay ở khu vực eo biển Hormuz.

Trong khi đó, hãng hàng không Etihad có trụ sở tại Abu Dhabi cho biết họ đã đình chỉ hoạt động qua không phận Iran trên eo biển Hormuz và Vịnh Oman sau khi nghiên cứu lời khuyên của FAA.

Lần lượt, các hãng hàng không Qantas của Úc và Malaysia Airlines đều tuyên bố sẽ tránh khu vực  này và thay đổi đường bay.

Căng thẳng sôi sục

Việc máy bay không người lái bị bắn rơi trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong khu vực, bắt đầu từ việc quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên trầm trọng vào tháng 5 năm 2018, khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Và căng thẳng Mỹ - Iran đã có một diễn biến mang tính bước ngoạt vào tháng trước, khi Mỹ điều một hạm đội tàu sân bay và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đến Trung Đông như một "thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn" gửi tới Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Mỹ hoặc của các đồng minh sẽ bị đáp trả “tàn nhẫn”.

Về phần mình, Cộng hòa Hồi giáo Iran đã tuyên bố vào tháng trước - chính xác là một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân - rằng họ sẽ thu hẹp một số cam kết tự nguyện theo hiệp ước, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng Iran không “hứng thú” theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Iran trưng hình ảnh mảnh vỡ của chiếc máy bay do thám không người lái bị bắn rơi

Quan hệ vốn đã nghèo nàn nay càng trở nên xấu đi vào đầu tháng này sau các cuộc tấn công phá hoại vào các tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, Washington và một số đồng minh đã  ngay lập tức đổ lỗi  cho Tehran. Phía Iran đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc và kêu gọi Mỹ ngừng "hâm nóng" và “đi các nước cờ giả” trong khu vực.

Vài ngày sau vụ việc, Lầu Năm Góc đã bật đèn xanh cho việc điều động thêm 1000 binh sĩ tới Trung Đông, sau khi đã triển khai hạm đội tàu sân bay và lực lượng đặc nhiệm ném bom.