Nỗ lực hồi sinh văn hóa đọc trở lại với cuộc sống ở Afghanistan

ANTD.VN - Trong căn phòng thiếu sáng ở phía Tây Kabul, một đám đông nhỏ tụ tập quanh lò sưởi, vui vẻ cùng nhau chia sẻ về những câu chuyện đã đọc được trong suốt tuần. Đây là một cảnh tượng rất hiếm gặp ở Afghanistan vài năm trước đây.

Nỗ lực hồi sinh văn hóa đọc trở lại với cuộc sống ở Afghanistan ảnh 1Aksos - cửa hàng sách lớn và đa dạng nhất của thành phố Kabul

Những điểm hẹn của người trẻ 

Họ là những thành viên của câu lạc bộ đọc sách trẻ nhất ở Afghanistan có tên là “Book Cottage”. Thành viên tham gia câu lạc bộ này có độ tuổi từ 4 đến 13. “Book Cottage” chỉ là một trong nhiều câu lạc bộ đọc sách đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Thủ đô Kabul. Nhiều người kỳ vọng rằng, những câu lạc bộ đọc sách sẽ làm sống lại một nền văn hóa sách của Afghanistan, từng rất rực rỡ trước đây. 

“Văn hóa đọc phải trở thành thói quen từ nhỏ. Đất nước vẫn còn chiến tranh, vì vậy trẻ em không có nhiều cơ hội để nói chuyện thoải mái và tìm lời giải đáp cho những thắc mắc, nhất là các bé gái. Chúng tôi phải đưa văn hóa sách trở lại với cuộc sống”, Mashing Mahjor (25 tuổi) - người sáng lập câu lạc bộ “Book Cottage” nói. Mashing Mahjor cho biết thêm, “Book Cottage” bắt đầu từ 6 năm trước và hiện có hơn 20 thành viên thường xuyên cùng hàng trăm người quyên góp sách từ khắp nơi trên thế giới.

Một không gian tương tự cũng xuất hiện trong thư viện trường Đại học Kabul. Đây là điểm hẹn để mọi ở mọi lứa tuổi, giới tính có thể gặp nhau, nói về những cuốn sách đã đọc hoặc thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề nhạy cảm, ít được đề cập trong xã hội Afghanistan.

“Chúng tôi nói về các chủ đề như niềm vui, thậm chí là tình dục và ham muốn. Trong một xã hội khá bảo thủ như Afghanistan, những cuộc thảo luận về chủ đề này ít khi xảy ra”, Syeda Quratulain Masood, người đã làm đề tài Tiến sĩ về văn hóa sách ở Kabul tại trường Đại học Brown (Mỹ) nói. 

Tiến sĩ Syeda Quratulain Masood cho biết thêm, khá nhiều thành viên tham gia câu lạc bộ đọc sách thuộc thế hệ trẻ sinh sau sự kiện ngày 11-9-2001. Nhiều người có thiên hướng tự do và tìm kiếm một không gian riêng để có thể nói chuyện một cách cởi mở. 

Tại Aksos, cửa hàng sách lớn và đa dạng nhất của thành phố Kabul, mọi người chen lấn để tìm kiếm các đầu sách mới xuất bản. Nhiều độc giả đứng ở góc xa đọc sách hoặc chụp ảnh “tự sướng” trên phông nền là các giá sách. Chụp ảnh với sách còn được coi là trào lưu mới rất “hot” trong giới trẻ Afghanitan. 

“Khi mệt mỏi với tất cả, tôi trốn vào thơ hoặc đọc sách”

Attash Mashal, một nhân viên Chính phủ nói rằng, đọc sách thực sự là hoạt động có ý nghĩa mang lại nhiều giá trị cho bản thân. “Hầu hết những cuốn sách chúng tôi đọc đều không thể tìm thấy ở Afghanistan. Chúng tôi tìm kiếm chúng trên mạng và in ra. Thể loại sách mà chúng tôi quan tâm là tiểu thuyết, thơ và triết học”, Attash Mashal nói.

Yalda Heideri, một sinh viên tích cực tham gia câu lạc bộ sách của một trường đại học nói rằng, khi tham gia câu lạc bộ sách hoặc làm thơ, anh có thể tự do chia sẻ ý tưởng và niềm tin của mình. “Văn học cũng là một cách để thoát khỏi cuộc sống hàng ngày ở một đất nước thời chiến, nơi có 3.804 dân thường thiệt mạng vào năm ngoái. Khi mệt mỏi với tất cả, tôi trốn vào thơ hoặc đọc sách. Đó là một thế giới hoàn toàn khác. Kabul đang dần trở nên cởi mở hơn và điều đó mang lại cho chúng tôi nhiều hy vọng”, Yalda Heideri nói. 

Qanbar Ali Zareh, người cha 43 tuổi đã đưa các con gái của mình đến “Book Cottage” nói rằng, những cuốn sách giúp anh hiểu cuộc sống của mình hơn. Trong khi đợi con, anh ngồi trong một góc và đọc cuốn sách mới nhất của Michelle Obama.

“Tôi thấy sự đồng cảm khi đọc cuốn sách này. Tôi đã phải đối mặt với sự cô lập và phân biệt đối xử trong suốt thời gian dài. Vì vậy, cuốn sách này rất có ý nghĩa với tôi. Cô ấy là một người phụ nữ đã rất nỗ lực để thành công. Tôi chỉ muốn nói với con gái rằng, hãy tự tin, mạnh mẽ nói lên tiếng nói của mình và luôn chăm chỉ đọc sách”, ông Qanbar Ali Zareh nói.

Được biết, Afghanistan có nền văn học cũng như văn hóa đọc lâu đời nhưng trong thời đại Taliban, toàn bộ thư viện đã bị cướp phá và phá hủy. Những cuốn sách được xuất bản phải tuân theo một quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Hiện nay, Afghanistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ biết chữ thấp nhất thế giới và tỷ lệ phụ nữ biết chữ còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.