Nỗ lực chung ngăn chặn yêu sách, chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Càng ngày, các nước càng nhận thức rõ thêm mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả mà những tham vọng phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây ra. Điều đó thúc đẩy họ phải có nỗ lực chung nhằm ngăn chặn mưu toan dùng sức mạnh phá vỡ trật tự dựa trên luật pháp.

Nỗ lực chung ngăn chặn yêu sách, chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Các tàu của nhóm Tứ giác kim cương tham gia tập trận ở Biển Đông

Tỏ rõ những quan điểm trực diện và mạnh mẽ hơn

Thời gian gần đây, khi Trung Quốc ngày càng hành động ngang ngược mang tính “bắt nạt”, coi thường pháp luật và các chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông, nhiều nước đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Nổi lên là cuộc đấu tranh ngoại giao qua các công hàm gửi lên Liên hợp quốc, bùng nổ sau khi Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía bắc Biển Đông mà Malaysia gửi lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (LHQ) bị Trung Quốc gửi công hàm phản bác.

Lập luận trong công hàm của Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo), có các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể, cũng như có “quyền lịch sử” ở Biển Đông ngay lập tức bị phản đối. Ngày 6-3-2020, Philippines gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối công hàm của Trung Quốc, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tiếp đó, Việt Nam cũng đồng thời gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ để phản bác các công hàm của Trung Quốc. 

Điểm đáng chú ý trong cuộc đấu tranh  qua con đường ngoại giao bằng những công hàm này là chuyển biến trong thái độ của Indonesia, nước từ trước tới nay giữ quan điểm không tham gia bất kỳ tranh chấp lãnh hải nào ở Biển Đông nên thường im lặng. Sau nhiều lần chứng kiến những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Indonesia đã lên tiếng nói về mối quan ngại trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ. Trong công hàm, Indonesia bác bỏ các yêu sách vô lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhận định về sự thay đổi này của Indonesia, hãng tin ABS-CBN của Philippines đã ví công hàm ngoại giao của Indonesia là một “bom tấn ngoại giao”.

Đặc biệt là tuyên bố của ông David R. Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á. Ông David R. Stilwell cho biết “Washington sẽ không tự nhận mình là trung lập trong vấn đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông” và tiếp đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14-7 khẳng định các yêu sách hàng hải về Biển Đông của Trung Quốc là “phi pháp và nguy hiểm”, đồng thời bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều bãi cạn, bãi ngầm khác trong khu vực.

Nhận thức chung về những thách thức ở Biển Đông còn được thể hiện tại Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF) với sự tham dự của đại biểu 27 nước/tổ chức, diễn ra ngày 21-7 vừa qua. Tại hội nghị, nhiều nước đã thể hiện quan ngại trước những diễn biến và vụ việc phức tạp, như gia tăng quân sự hóa, quấy rối, cản trợ hoạt động kinh tế bình thường của những nước ven biển, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, gây phương hại tới hòa bình, an ninh khu vực…

Trước đó, vấn đề Biển Đông cũng được đặc biệt quan tâm và dành một dung lượng khá lớn trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, diễn ra tại Hà Nội ngày 26-6-2020. Đánh giá về tuyên bố này, Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia viết: “Đây là một phản ứng mạnh mẽ trước những yêu sách của Trung Quốc. Nó cho thấy sự thay đổi đáng kể về quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”. Có thể thấy các quốc gia ASEAN đã nêu ra quan điểm trực diện và mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu duy trì Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Hành động vì lợi ích chung

Chính cách nhìn nhận, đánh giá chung về những thách thức ở Biển Đông đã thúc đẩy các nước có hành động chung nhằm chuyển tải thông điệp phản đối mạnh mẽ các hành vi cưỡng ép, bắt nạt và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc.

Dư luận đang chú ý tới động thái của nhóm “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Hải quân Mỹ ngày 21-7 xác nhận nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ đang tiến hành diễn tập trên cả Ấn Độ Dương và biển Philippines cùng các tàu chiến của các nước thuộc nhóm “Tứ giác kim cương”. Tại biển Philippines, nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan đã phối hợp hoạt động cùng với 5 tàu chiến Australia và tàu khu trục JS Teruzuki của Nhật Bản. Nhóm tàu sân bay USS Nimitz thì diễn tập di chuyển theo đội hình với 4 tàu chiến Ấn Độ trên Ấn Độ Dương, tại vùng biển nằm án ngữ tuyến đường tiến vào eo biển Malacca - cửa ngõ tiến vào Biển Đông từ phía Tây. 

Với Australia, gần đây nước này đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng trước các mối đe dọa tiềm tàng từ các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực. Theo chuyên gia Euan Graham thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Australia có thể sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia... để đối phó với Trung Quốc. Lần gần đây nhất Australia tham gia hoạt động tại Biển Đông là vào tháng 4-2020, khi tàu hộ vệ tên lửa HMAS Parramatta của nước này tập trận chung với nhóm tàu chiến Mỹ gần khu vực tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động đe dọa tàu thăm dò của Malaysia.

Về tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Nhật Bản là quốc gia không liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, Biển Đông có vai trò quan trọng trong tuyến hàng hải huyết mạch từ Trung Đông đến lãnh hải Nhật Bản. Do vậy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trên Biển Đông. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từng tham gia tập trận cùng Mỹ và Australia vào tháng 2-2016 ở vùng biển của Singapore và tháng 4-2016 ở vùng biển lân cận của Indonesia. Cảnh sát biển Nhật Bản và Cảnh sát biển của Philippines cũng từng diễn tập ở ngoài khơi vịnh Manila…

Với châu Âu, tháng 4 vừa rồi, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN cho biết một số đối tác châu Á muốn EU hiện diện nhiều hơn trong các vấn đề an ninh khu vực và đó cũng là mục tiêu mà khối này đang hướng tới. Trong quá khứ, hai nước thành viên của EU là Pháp và Anh đã tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FON) ở Biển Đông. Mới đây, tờ The Times tiết lộ Anh đang có kế hoạch đưa nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, một trong hai tàu sân bay đầu tiên của Anh, tới Biển Đông vào năm tới và cho biết có ít nhất 3 căn cứ gần Biển Đông có thể được sử dụng làm nơi tiếp nhiên liệu. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Anh cho rằng mình có lợi ích lâu dài tại khu vực và cam kết duy trì an ninh ở khu vực này.