Những vụ bê bối gây chấn động của Formosa

ANTĐ - Vụ cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đang khiến người dân địa phương hoang mang, lo lắng khi nguyên nhân của tình trạng này chưa được làm rõ. Mọi con mắt hiện đang đổ dồn về nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh, bị nghi xả thải gây ô nhiễm nước biển ở vùng này. Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là một nghi vấn và phải chờ kết luận chính xác của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc) từng vướng phải bê bối rác thải ở một số nơi trên thế giới.

Những vụ bê bối gây chấn động của Formosa ảnh 1

Các chất thải được đụng trong thùng lớn tại Campuchia

Sau Campuchia, Mỹ cũng không cho phép

Vụ việc xảy ra vào cuối năm 1998 khi Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan vận chuyển 3.000 tấn rác thải chứa đầy thủy ngân sang Campuchia. Chất thải này được trộn với xi măng, sau đó chuyển qua nhân viên hải quan dán nhãn là “khối bê tông” và không hề đề cập đến thủy ngân.

Khối chất thải được đổ trên một khu đất trống gần cảng biển Sihanoukville của Campuchia để tiết kiệm chi phí. Một công nhân bến tàu đã chết một cách bí ẩn, một ngày sau khi làm sạch khoang tàu chở chất thải. Một số người dân đến đây nhặt các bao tải mang về đựng rác, thậm chí đựng gạo. Vài ngày sau, họ gặp các triệu chứng bất thường về sức khỏe. Nhiều người hoảng sợ rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do tin đồn rằng họ có thể đã tiếp xúc với rác thải hạt nhân. Bốn người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông khi trên đường đi sơ tán. Nhiều người cũng bị thương trong những vụ biểu tình bạo lực của người dân Sihanoukville để phản đối việc chính quyền sở tại cho phép Formosa đưa rác thải độc hại đến đây.

Theo báo Phnom Penh Post, quá trình điều tra cho thấy khối chất thải mà Formosa để ở Sihanoukville có hàm lượng thủy ngân rất cao. Cuối cùng, dưới sức ép của dư luận, chính quyền Campuchia đã kỷ luật hàng chục quan chức và gửi trả hàng nghìn tấn rác thải độc hại mà Formosa Plastics đã tống sang cảng Sihanoukville.

Theo BBC News, Formosa Plastics sau đó thu lại rác thải để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, bang California (Mỹ). Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã rút quyết định trước đó cho phép Formosa Plastics nhập chất độc vào Mỹ với lý do hàm lượng độc tố cao hơn chuẩn mà luật pháp Mỹ cho phép. Đến tháng 4-1999, khoảng 4.000 tấn chất thải và cả đất nhiễm độc đã bị gửi trả lại Đài Loan. Chính quyền thành phố Cao Hùng ở hòn đảo này đã phạt công ty Formosa 48.000 USD vì vận chuyển trái phép chất thải ra nước ngoài. Mặc dù vậy, Formosa chỉ xin lỗi Campuchia chứ không chịu bồi thường thiệt hại cho nước này hay gia đình của những người bị bệnh hoặc tử vong do tiếp xúc với chất thải.

Những vụ bê bối gây chấn động của Formosa ảnh 2

Người biểu tình nằm la liệt ở trụ sở Formosa tại Đài Bắc vào năm 2012

Hủy hoại môi trường tại chính Đài Loan

“Hồ sơ đen” hủy hoại môi trường của Formosa còn tồn tại ngay tại vùng lãnh thổ mà công ty này được thành lập - Đài Loan.
Hồi năm 2010, hơn 300 người dân ở Nhân Vũ (thành phố Cao Hùng, Đài Loan) đã biểu tình bên ngoài nhà máy của Formosa để phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của họ. Cuộc biểu tình biến thành xung đột giữa người dân và cảnh sát. Người dân yêu cầu Formosa dừng các hoạt động của nhà máy ở Nhân Vũ và cung cấp cho họ sự thật về mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người.

Năm 2012, một nghiên cứu được Giáo sư Chan Chang-chuan thuộc Đại học Đài Loan tiến hành đã cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư của người dân sống cách nhà máy của Formosa khoảng 10km từ năm 2008-2010 cao hơn 4,07 lần so với khoảng thời gian từ năm 1999-2001.
Cùng năm này, một số nhóm hoạt động vì môi trường đã tập trung trước trụ sở Formosa ở thành phố Đài Bắc để biểu tình việc tập đoàn này mua lại 4 công ty truyền thông Đài Loan thuộc tập đoàn Next Media có trụ sở ở Hồng Kông. Những người tham gia biểu tình nằm la liệt dưới đất, giả vờ bị nhiễm độc để thể hiện rằng, những chỉ trích về Formosa có thể rơi vào thinh không, nếu tập đoàn này kiểm soát một số phương tiện truyền thông.

3 năm sau sự kiện này, năm 2015, người dân ở xã Đài Tây, huyện Vân Lâm (phía tây Đài Loan) đã đâm đơn kiện Formosa, yêu cầu đền bù 70 triệu Tân Đài Tệ (khoảng 2,16 triệu USD) với cáo buộc khu phức hợp sản xuất hóa dầu của tập đoàn này tại xã Mạch Liêu gây ra các mối đe dọa đối với sức khỏe. 
74 người dân bị ung thư đã tìm tới một nhóm chuyên gia pháp lý dẫn đầu là luật sư Thomas Chan đại diện cho họ đi đòi công lý.
Trong khi đó, Liên minh bảo vệ môi trường huyện Chương Hóa cho biết, mối đe dọa sức khỏe do nhà máy hóa dầu của Formosa không chỉ giới hạn ở Vân Lâm. Cư dân tại xã Đại Thành thuộc huyện này cũng đang có hàm lượng kim loại nặng cao có thể dẫn tới ung thư trong nước tiểu.
Thư ký của Liên minh bảo vệ môi trường huyện Chương Hóa đã đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền huyện Vân Lâm và Chương Hóa có chính sách di dời dân đang ở gần nhà máy của Formosa hay không. Luật sư Thomas Chan đã kêu gọi chính quyền Đài Loan thiết lập một chương trình kiểm soát ô nhiễm chéo tại các vùng miền ở hòn đảo này.

“Xuất khẩu” ra nước ngoài vì dân địa phương phản đối

Formosa Plastics từng thừa nhận rằng công ty này “xuất khẩu” chất thải ra nước ngoài bởi vì cư dân sống gần nhà máy phản đối việc xử lý chất thải gần nơi ở của họ. Báo cáo của chính quyền Đài Loan vào năm 1999 cho thấy, khoảng 1 tấn chất thải độc hại được tạo ra bởi các công ty Đài Loan năm 1997 đã “không cánh mà bay”.
Ting San-lung, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường ở Cao Hùng, nói rằng ông không thể nói bao nhiêu chất thải đã được xuất khẩu, nhưng thừa nhận lỗ hổng trong luật pháp Đài Loan.
“Trong khi theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng, chúng tôi không đưa ra các biện pháp hiệu quả để xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi đó là chúng tôi không thể tìm ra nơi chứa chất thải công nghiệp”, ông Ting nói.

Theo ông, kế hoạch xây dựng lò đốt hoặc chôn lấp đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của người dân một phần vì họ thiếu tin tưởng vào những tiêu chuẩn của các dự án công, vốn bị cho là tham nhũng và công trình kém chất lượng. Sự phản đối của người dân cũng khiến công ty điện lực Đài Loan không có chỗ để xử lý rác thải ở cấp độ thấp từ ba nhà máy điện hạt nhân. Công ty này lúc đầu tìm cách đưa chất thải sang Nga nhưng không thành công, sau đó thỏa thuận chuyển chất thải tới Triều Tiên cũng bị hủy bỏ do gặp phải sự phản đối từ Hàn Quốc.

Trở lại vụ việc của Formosa tại Campuchia, đây không phải là vụ đầu tiên khi tập đoàn này gặp phải vấn đề pháp lý ở nước ngoài vì gây hại cho môi trường. Hồi tháng 9-2009, chính quyền bang Texas và Lousiana của Mỹ đã buộc Formosa Plastics chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm chất thải độc hại ra không khí và nguồn nước. Doanh nghiệp này cũng đồng ý trả tiền phạt dân sự 2,8 triệu USD do các vi phạm luật về nước sạch, không khí sạch… của Mỹ.