Những thú vị quanh Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump

ANTD.VN - Người Mỹ đã 8 năm liền quen thuộc với hình ảnh Tổng thống Barack Obama đứng trước Quốc hội phát biểu Thông điệp Liên bang, vì thế, khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên có bài phát biểu này hôm 30-1, ít nhiều dư luận cũng có sự so sánh.

Tổng thống Donald Trump phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 30-1

Tờ New York Times dẫn số liệu thống kê số người theo dõi trên các kênh truyền hình cho hay, bài phát biểu kéo dài 80 phút của Tổng thống Donald Trump tối 30-1 đã thu hút 45,6 triệu khán giả, ít hơn 2 triệu lượt so với con số 48 triệu lượt người xem khi Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên đọc Thông điệp Liên bang năm 2010.

Vì ông Donald Trump nói chậm hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm, nên Thông điệp Liên bang đầu tiên của ông là bài phát biểu dài thứ ba trong lịch sử 50 năm qua. Thú vị là, trong bữa ăn trưa hôm đó, ông Donald Trump dự đoán bài phát biểu của ông sẽ có lượng người xem hơn cả khán giả theo dõi lễ trao giải Grammy hôm 28-1 (19,8 triệu lượt) và kết quả đúng như vậy.   

Cũng vẫn là con số thống kê, trong Thông điệp Liên bang của mình, ông Donald Trump đã 30 lần nhắc tới từ “nước Mỹ” và 23 lần nhắc tới từ “người Mỹ”. Chủ đề của bài phát biểu là: “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”, vì vậy không ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump sử dụng từ “nước Mỹ” và “người Mỹ” nhiều hơn bất kỳ từ nào khác. Điều đó cũng phù hợp với khẩu hiệu: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông đã nêu ra trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. 

Một điều dễ nhận thấy khác, trong các bài phát biểu Thông điệp Liên bang, cựu Tổng thống Obama không đưa con mình, con gái Malia và Sasha Obama đến dự một trong những sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của nước Mỹ mà chỉ có cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Ngược lại, Tổng thống Donald Trump đã xuất hiện cùng với Đệ nhất phu nhân Melania Trump và tất cả các con mình, trừ cậu út Barron.  

Theo phân tích của trang Elitedaily.com, sự khác biệt đó là hiển nhiên, bởi đây là sự kiện diễn ra trong ngày thường, các con của ông Obama còn đi học, trong khi hầu hết con của ông Donald Trump đã trưởng thành, trong đó có 3 người đã kết hôn và còn là những phụ tá đắc lực của ông trên chính trường. Thực tế đó không chỉ là sự tương phản giữa gia đình Trump và Obama, mà còn khác cả với gia đình 2 người tiền nhiệm của ông Obama.

Hai con gái sinh đôi của Tổng thống George W. Bush, Barbara và Jenna Bush, đang học đại học khi ông trình bày Thông điệp Liên bang đầu tiên, còn Chelsea Clinton - con gái của cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn là thiếu nữ ở thời điểm Tổng thống Clinton lần đầu tiên đọc Thông điệp Liên bang. 

Ngoài ra, điều mà công chúng không thể thấy được trong buổi lễ được rất nhiều kênh truyền hình trực tiếp này chính là tòa nhà Quốc hội Mỹ đã trở thành pháo đài với chế độ an ninh cao nhất. Vài giờ trước khi Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang, lực lượng an ninh đã lập rào chắn chặn đường xung quanh đồi Capitol.

Các tour du lịch trong tòa nhà bị cấm từ buổi trưa. Các đơn vị được phân công làm nhiệm vụ dò bom mìn đến từng centimet, soi đèn pin tới từng khe hay trục thang máy. Bên ngoài, lính bắn tỉa quan sát các tòa nhà xung quanh trong khi trung tâm chỉ huy lưu động, xe cứu hỏa, xe cứu thương và một số xe thiết giáp lăn vào vị trí.

Tới dự buổi lễ, hàng trăm khách buộc phải đi qua 4 máy quét trên tầng 3 mới vào được phòng họp chính ở tầng 2. Bên ngoài phòng họp chính có hàng chục túi màu đen chứa thiết bị thoát hiểm khẩn cấp nhằm bảo vệ quan khách trong trường hợp xảy ra tấn công sinh học hoặc hóa học. Ngoài ra, hàng chục thành viên của lực lượng phản ứng nhanh được bố trí với mặt nạ phòng hộ, vũ khí khi cần nhanh chóng hành động.