Những tập tục rợn người dưới tán rừng Yumbra

ANTĐ - “Đã bao đời nay lịch sử về tộc người S’tiêng vẫn được phủ bởi một màn sương mờ ảo, bí mật giống như di tích thành đất cổ, những thanh đàn đá và những câu chuyện kể đã thành hư thực trong ký ức dân gian. Truyền thuyết kể rằng Thần Djiêng là vị Tổ của người S’tiêng ngự trên núi Yumbra (Bà Rá), từng dạy bà con biết rèn con dao, làm cái chà gạc, biết chặt cây làm nhà để ở, đan cái chiếu để ngủ, chẻ nan đan cái gùi đi rừng, và dạy con gái, con trai biết yêu thương trọn đời” - bên ánh lửa khuya bập bùng, già làng Điêu Griêm rung rung chòm râu bạc kể cho chúng tôi nghe về lịch sử và những tập tục của buôn làng. Những ngày ở sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, chúng tôi không chỉ nghe thấy những tiếng chày giã gạo mà còn biết thêm về những tục lệ lạ kỳ vẫn được đồng bào S’tiêng gìn giữ giữa những cánh rừng bạt ngàn... 
Những tập tục rợn người dưới tán rừng Yumbra  ảnh 1

Sản phụ phải “nằm ổ” giữa rừng

Nhúng nước trẻ sơ sinh là một tục lệ kỳ lạ của người S’tiêng. Cũng như các tộc người Mạ, Chơro, người S’tiêng xem sự ra đời của đứa trẻ là sự kiện quan trọng của làng. Thế nên khi sản phụ sinh nở, việc thực thi những nghi lễ, điều cấm kị từ nghìn đời không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là việc chung của cả buôn. Điều cấm kị lớn nhất là người phụ nữ không được hạ sinh trong nhà. Để chuẩn bị cho sản phụ “nằm ổ”, trước đó, người chồng ra bìa rừng đẵn cây làm chòi cho vợ. Khi vợ chuyển dạ, anh ta mời bà mụ trong buôn đến giúp đỡ. Già Điểu Griêm kể: “Sau khi sinh con, người mẹ chỉ được uống các loại lá, cây thuốc truyền thống. Được vài ngày, mờ sáng, người mẹ phải đem đứa trẻ ra suối tắm...”. Khi vầng dương còn tù mù, trong gió thổi rin rít và trong cái lạnh cắt da của vùng cao buổi ban mai, người mẹ lẳng lặng mang đứa con bé bỏng đi và nhúng vào dòng suối buốt giá. Đang hồng hào, đứa bé trở nên tím ngắt. “Tắm như vậy có nhiều cái ý nghĩa lắm! Nếu vượt qua được, đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh, cha mẹ sẽ nuôi nó dễ hơn. Nếu không qua được, nó sẽ về với Yàng thôi. Không có cái sức, nó không thể sống được giữa rừng già”, chị Điểu Thị Lênh, một phụ nữ trong buôn bộc bạch. Còn cô giáo Điểu Thị Hương ở trường Tiểu học Thiện Hưng B (huyện Bù Đốp) trăn trở: “Hủ tục này vẫn diễn ra tại các buôn làng sâu xa. Đã có nhiều đứa trẻ chết do không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời tiết. Trước đây, không chỉ giới hạn trong cộng đồng người S’tiêng, thực trạng này là hiểm họa kéo dài ở các tộc người”.

Qua “cửa ải” nhúng nước, sau 2 - 3 tháng tuổi đứa trẻ sẽ được làm lễ đặt tên. Để hoàn tất nghi lễ này, gia chủ chuẩn bị 1 con lợn, 1 con gà trống, 1 chén rượu cần, 1 kỷ vật cho bé, sau đó gia chủ mời già làng đến làm chủ lễ. Như kế hoạch đã định, khi công việc chuẩn bị đã tươm tất, gia chủ bày rượu cần và các con vật hiến tế ra giữa nhà, chủ lễ cắt tiết vật hiến tế lấy máu và rượu cần dâng lên thần linh. Chủ lễ mời thần linh về chứng giám, sau đó khấn với thần linh nhận mặt và tên đứa bé, phù hộ cho nó ăn nhiều nhanh lớn, có sức mạnh như nước, như lửa, sớm lên rừng bẻ măng, lên rẫy trỉa lúa. Sau nghi lễ trên, chủ lễ chính thức tuyên bố tên đứa bé trước sự chứng kiến của các thành viên trong bon (làng). Từ đây mọi người trong gia đình và xã hội phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ cho đến lúc bé trưởng thành. Tiếp đó, chủ lễ dùng trái bầu khô múc nước gội đầu, tắm cho bé. Đây là một việc làm có ý nghĩa chúc phước lành, theo quan niệm sau này bé sẽ có sức mạnh và trí tuệ như già làng (chủ lễ).

Tục đưa ma bằng tắm huyết gà và lá ngải

Người già ở các bản S’tiêng còn kể lại rằng, khi một gia đình có người giã từ cuộc sống, làng sẽ cử những chàng trai khỏe mạnh vào rừng đẵn cổ thụ làm “áo ma”. Không như người Kinh làm quan tài từ những tấm ván ghép lại, những chiếc áo quan của người S’tiêng được khoét từ cây rừng cao to. Người chết được đặt vào lõi cây rồi đậy nắp lại. 

Hơn chục thanh niên cường tráng liên tục chặt, băm, đục, khoét trong một buổi đã biến thân cây trở thành “mái nhà” cho người chết. Khi đã hoàn chỉnh, người ta sẽ đưa chiếc áo tang về nhà người chết. Anh Điểu Hà Điệp, Trưởng buôn Sơn Hòa nói: “Ngày trước, để tỏ lòng thương tiếc người chết, thường các gia đình để xác chết trong nhà từ 7 - 8 ngày cho con cháu, họ hàng, người thân khóc than hay nhắn gửi tình thương, những điều chưa thể chuyện trò với người chết khi họ còn sống. Nhưng hiện nay tục này đã được thay đổi...”.

Thực tế ngoài thế giới của những người sống, đồng bào còn có niềm tin về thế giới của các thần linh. Trong đó, con người, cỏ cây, đồ vật đều có linh hồn và có nhiều thần linh ngự trị như thần sông, thần núi, thần cây, thần nước. Các thần linh này được gọi chung là Yàng. Ngoài ra còn có thế giới của ma quỷ là người hay vật đã chết biến thành. Phần nhiều ma quỷ gây ốm đau, tai họa cho con người. Một người khi chết sẽ có cuộc sống mới ở thế giới ma nên cũng cần những vật dụng hàng ngày để duy trì cuộc sống. Với niềm tin đó nên khi hạ thổ quan tài, người S’tiêng có tục chia của cho người chết, gồm những vật dụng mà lúc sinh thời họ thường sử dụng như cái lao, cái xà gạc, bầu rượu, ché rượu, chăn mền...

“Những vật dụng này được để tại nhà mồ, dù vẫn còn nguyên vẹn nhưng tuyệt nhiên không ai dám lấy về sử dụng, vì người S’tiêng cho đó là đồ ma, nếu mang về sẽ bị ma rừng bắt hại, gây dịch bệnh và những cái chết đau đớn” - anh Điêu Tuấn, cán bộ dân số huyện Bù Đăng chia sẻ. Sau khi tiễn đưa người chết vào rừng sâu, về đến buôn làng, đồng bào tin, nếu không tắm lá ngải và máu gà, người chết vẫn chưa cắt đứt sợi dây kết nối với người sống.

Già làng Điểu Griêm nghiêm giọng: “Không tắm bằng nước máu gà và lá ngải thì con ma rừng sẽ vào nhà mình, làm hại mình đấy. Muốn không dính líu đến nó, mình phải bắt con gà trống cắt lấy máu, bôi lên tay. Sau đó dùng lá ngải nhúng vào nước pha máu gà vẩy lên người. Con ma nó kỵ mùi này lắm!”. Sau màn tắm máu gà và lá ngải, tùy giới tính, chức sắc, độ tuổi mà những người tham dự đám tang không được ra khỏi làng, không làm bất kỳ việc gì. Thời gian kiêng cữ kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Sau đó cuộc sống mới trở lại bình thường. Giống như già làng Điểu Griêm, Điểu Len, già làng Điểu Túc vẫn nhớ những cuộc di dân bất thường khi làng có nhiều người chết vì bệnh dịch. Già giải thích nguyên nhân do họ không kiêng cữ, không tắm máu gà, lá ngải... nên bị con ma lai hại. 

Theo thời gian, trong sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa và sự tiến bộ của dân trí, những gì thuộc về hủ tục đã được đồng bào S’tiêng dần loại bỏ khỏi đời sống. Dù vậy, đâu đó dưới những tán rừng rậm của ngọn núi Yumbra kia, bóng dáng của luật tục năm nào vẫn còn hiện hữu ở những buôn làng sâu thẳm.