
Chiếc Reaper được vận hành từ phi trường Kandahar ở Afghanistan
Tiêu diệt mục tiêu cách 11.265km
Ngày 31-10-2011, 3 người đang đi trên chiếc xe ô tô rời Miranshah, một thị trấn nhỏ ở phía Bắc Pakistan thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, chiếc xe văng vào lề đường. Cả ba người đều thiệt mạng, còn chiếc xe cháy rụi. Nhà chức trách Mỹ và Pakistan sau đó cho biết, đó là những phiến quân tình nghi. Số phận của họ bị định đoạt từ khoảng cách xa hơn 7.000 dặm 11.265km khi 2 viên phi công ngồi trong buồng lái giả định tại một căn cứ không quân ở Nevada (Mỹ) phát hiện chiếc ô tô trên màn hình. Chỉ bằng động tác nhấn nút, tên lửa Hellfire từ những chiếc máy bay không người lái đã bắn trúng mục tiêu. Máy bay không người lái đang ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Máy bay không người lái là một hệ thống hoàn chỉnh với thiết bị liên lạc vệ tinh, hệ thống camera và cảm biến, laser, thiết bị định vị mục tiêu di động… Việc phát triển sản phẩm này do các nhà thầu như Lockheed Martin, Boeing hay General Dynamics đảm nhiệm, chiếm khoảng 80% thị trường UAV ở Mỹ. Tuy nhiên, việc chế tạo UAV chỉ là bước đầu, việc thử nghiệm nó khó khăn hơn so với một chiến đấu cơ có người lái. Khi UAV cất cánh, các phi công trên mặt đất quan sát hình ảnh chuyển động trên màn hình truyền về từ chiếc camera gắn trên mũi máy bay. Nhờ được điều khiển từ xa, với các trang thiết bị do thám nhạy bén và vũ khí tối tân có độ chính xác cao, máy bay không người lái có thể thực hiện những chức năng quân sự cực kỳ quan trọng như được dùng làm mục tiêu di động để thử nghiệm các hệ thống đánh chặn bằng tên lửa hay hệ thống phòng thủ, đóng vai trò là một máy bay tấn công tiêu diệt các mục tiêu, chống khủng bố, mà không gây tổn hao tính mạng của phi công.
Do khó phát hiện, hiệu quả và giá thành rẻ hơn so với việc chế tạo các chiến đấu cơ, UAV được quân đội Mỹ ưa thích sử dụng, nhằm truy lùng và tiêu diệt các phần tử Taliban ẩn náu ở Pakistan dọc biên giới với Afghanistan, mặc dù tính hợp pháp của hành động này vẫn còn tranh cãi. Trong số hơn 2.300 đối tượng bị tiêu diệt nhờ máy bay không người lái có Anwar al-Awlaki, một chỉ huy hàng đầu của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Đa dạng chủng loại
Dẫn đầu trong lĩnh vực UAV với những cái tên quen thuộc như MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk, nhưng Mỹ vẫn không ngừng nghiên cứu, cải tiến để tiếp tục cho ra đời những thế hệ máy bay không người lái mạnh mẽ và hiện đại hơn. Các UAV Predator và Reaper được nước này sử dụng rộng rãi nhất và hiệu quả của chúng đã được kiểm chứng ở Pakistan, Somalia, Afghanistan, Libya và Yemen. Đứng đầu trong số những máy bay không người lái của Mỹ hiện vẫn là Predator, được triển khai tại các vùng núi của Afghanistan và Pakistan, có khả năng bay trong 36 giờ và tấn công các mục tiêu bằng tên lửa chính xác Hellfire. Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đang nghiên cứu chế tạo phiên bản mới mang tên Avenger có khả năng mang nhiều tên lửa hơn. Cùng với các máy bay không người lái tấn công, Mỹ còn sản xuất các máy bay do thám như RQ-170-Sentinel, từng được sử dụng để truy tìm nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Không lực Hoa Kỳ hiện đào tạo phi công sử dụng máy bay không người lái nhiều hơn cho chiến đấu cơ, với các căn cứ bí mật ở Ethiopia, Seychelles và Djibouti.
Ngoài Mỹ, Israel là nước xuất khẩu máy bay không người lái lớn thứ hai thế giới và có số lượng UAV trên bầu trời nhiều nhất thế giới. Trong khi những nước khác mới chỉ đang bắt đầu thử nghiệm máy bay được điều khiển từ xa, thì Không quân Israel mới đây đã kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt chiếc UAV đầu tiên. Israel sản xuất đủ loại UAV, từ các máy bay không người lái rất nhỏ như Mosquito, chỉ nặng 250gram, đến Bird-Eye mà binh sĩ có thể mang trong ba lô, hay Panther được vận chuyển bằng xe tăng, có khả năng bay tới 60km và truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm điều khiển. Trong số những máy bay không người lái của Israel phải kể đến Heron-TP, phiên bản mới nhất của UAV Heron, nặng 5,5 tấn và có thể mang vũ khí. Khi ra mắt phi đội Heron-TP mới hồi năm ngoái, người đứng đầu Không quân Israel nói rằng, những chiếc máy bay này cũng có thể được sử dụng cho “những nhiệm vụ mới”. Người ta cho rằng, điều này ám chỉ, Heron-TP được phát triển một phần để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Thị trường 94 tỷ USD
Thống kê ngân sách quốc phòng của Lầu Năm góc cho thấy, năm 2002, quân đội Mỹ chi khoảng 550 triệu USD vào máy bay không người lái, nhưng đến năm 2011, con số đã tăng lên gần 5 tỷ USD. Trong khi đó, nhu cầu UAV trên thế giới cũng đang tăng. “Trung Đông sẽ trở thành một thị trường quan trọng cho máy bay không người lái”, chuyên gia Steven Zaloga, làm việc cho hãng tư vấn quốc phòng nổi tiếng Teal Group ở Fairfax, bang Virginia (Mỹ) tin tưởng. Chuyên gia này dự đoán chi tiêu đổ vào máy bay không người lái được cho là sẽ tăng gấp đôi, lên con số 94 tỷ USD trong thập kỷ tới. Thậm chí, tờ Thời báo New York còn đưa ra nhận định rằng, “cuộc chạy đua vũ trang máy bay không người lái” đang tới. UAV đang được xem như là một lựa chọn thay thế hiệu quả, rẻ tiền cho những chiếc chiến đấu cơ có người lái. Predator B hay MQ9-Reaper của Mỹ có giá chỉ khoảng 10,5 triệu USD, ít hơn rất nhiều so với giá 150 triệu USD của một chiếc chiến đấu cơ F-22.