Những nữ thẩm phán Hồi giáo đầu tiên ở Ấn Độ

ANTD.VN - Một nhóm phụ nữ đang được đào tạo để trở thành nữ thẩm phán Hồi giáo cho rằng họ có thể mang lại công bằng cho những tín đồ đạo Hồi đang phải chịu bất công trong gia đình. 

Đòi lại công bằng cho phụ nữ

Cứ 3 lần một tuần, nhiều phụ nữ lại đến nhà bà Safia Akhtar ở Bohpal, Ấn Độ để than phiền về những người chồng lừa dối, xấu xa, bỏ rơi và lạm dụng họ. Theo lời dạy của kinh Quran, trong các vụ tranh cãi, nữ thẩm phán Akhtar đều nghe hai tai trước khi xét xử. Ở Ấn Độ có rất ít thẩm phán kiểu như vậy, tuy nhiên điều này đang thay đổi khi ngày càng nhiều phụ nữ nắm rõ các vấn đề về luật Hồi giáo.

Zakia Soman là một nhà hoạt động nổi tiếng. Tổ chức Bharatiya Muslim Mahila Andolan của bà, gọi tắt là BMMA, đã đấu tranh cho nữ quyền gần nửa thập kỷ và hiện đang đào tạo những nữ thẩm phán đầu tiên ở Ấn Độ.

Những thẩm phán này khi hành nghề sẽ giám sát các vấn đề kết hôn, ly hôn và những việc cá nhân khác trong các cộng đồng Hồi giáo. Akhtar là một trong số 30 phụ nữ đã được nhậm chức sau khi tham gia lớp học của BMMA. 

Mặc dù Ấn Độ là quốc gia dân chủ nhưng chính phủ cho phép mỗi nhóm tôn giáo được quản lý các vấn đề cá nhân trong cộng đồng của mình như kết hôn, ly hôn và thừa kế. Ấn Độ là nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn thứ hai thế giới (sau Indonesia), với gần 180 triệu tín đồ.

Các vấn đề xảy ra trong cộng đồng thường được một thẩm phán nam phán xét mà theo bà Soman thì điều này chỉ càng kéo dài “sự man rợ” và “trái với những lời dạy của kinh Quran” như chế độ đa thê và tảo hôn.

Soman và các đồng sự của mình đã chứng kiến hậu quả kinh khủng của những phong tục cổ hủ và kết luận rằng những vấn đề nhức nhối trong cộng đồng phụ nữ theo đạo Hồi ở Ấn Độ không liên quan gì đến Hồi giáo mà chính là do đàn ông gây ra.

Nhằm cân bằng lại, Soman và các đồng sự đã mở trung tâm Darul Uloom Niswaan nhằm đưa ra chương trình đào tạo cho phụ nữ từ năm ngoái. Chương trình kéo dài một năm này sẽ đi sâu vào luật pháp và hiến pháp quốc gia với sự nhấn mạnh vào việc bảo vệ hợp pháp cho các cộng đồng thiểu số và nữ giới. Sau đó là các nội dung về đạo Hồi và kinh Quran theo quan điểm “nhân văn và công bằng về giới”.

Đến cuối năm nay, một nhóm phụ nữ từ 10 bang (1/3 trong số đó đã hoàn thành giáo dục cơ bản và 4 người có bằng thạc sĩ) sẽ kết thúc khóa đào tạo và có thể bắt đầu xét xử các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Vượt khó để đứng vững

Akhtar đã rất dũng cảm khi đối mặt với những phản ứng về đội quân nữ thẩm phán. Hầu hết người Hồi giáo ở đây chưa bao giờ nhìn thấy nữ thẩm phán. Mọi người đã quen thấy một người đàn ông có râu, đội khăn xếp làm công việc này nên họ rất sốc.

Những lời chỉ trích không chỉ xuất phát từ những giáo sĩ cực đoan và các tín đồ của họ, mà còn từ những người ủng hộ hệ thống thế tục nghiêm khắc vốn mong muốn xóa bỏ “hệ thống tư pháp song song” của Ấn Độ.

Người ta cho rằng Ấn Độ có một hiến pháp và chỉ thẩm phán và tòa án làm việc theo hiến pháp này mới được hành nghề. Tuy nhiên, bà Soman cho rằng, gần 5.000 phụ nữ Hồi giáo mà tổ chức của bà khảo sát trong năm 2013 mong muốn duy trì vai trò thẩm phán trong các vấn đề gia đình.

Vừa qua, BBMA đã  kêu gọi bỏ phong tục mà người chồng chỉ cần nói 3 từ “ly hôn” liên tiếp là có thể ly dị được vợ. Lời kêu gọi này đã thu được 50.000 chữ ký ủng hộ của phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ cùng tuyên bố ủng hộ của nam giới mọi tầng lớp từ sinh viên đến các ngôi sao Bollywood.

Việc đào tạo thẩm phán cho cộng đồng người Hồi giáo Ấn Độ không theo tiêu chuẩn hay hệ thống cấp chứng chỉ nào, chỉ phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của người dân địa phương. Nhờ tính linh hoạt này mà Akhtar đã bắt đầu làm thẩm phán ngay cả trước khi bà tham gia khóa đào tạo và sau nhiều năm nghiên cứu Quran và hoạt động với BMMA, bà đã đủ tự tin dàn xếp các tranh chấp.