Nhùng nhằng thời hạn chót cuộc "ly hôn" Brexit

ANTD.VN - Thời hạn chót 29-3-2019 để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi là Brexit, đang trở thành nỗi đau đầu, chưa biết quyết định ra sao với cả Xứ sở sương mù và EU.

Nhùng nhằng thời hạn chót cuộc "ly hôn" Brexit ảnh 1Đến nay vẫn có rất nhiều người dân Anh ủng hộ việc ở lại Liên minh châu Âu

Thời hạn chót để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 29-3-2019 đã cận kề, song London và Brussels vẫn chưa thể chốt lại Brexit đúng thời hạn này hay không. Trong khi có những ý kiến chấp nhận hoãn Brexit trong một thời gian để hai bên đạt được thỏa thuận, cũng có các ý kiến tỏ ra cứng rắn không chấp nhận điều này và đòi nước Anh phải rời khỏi EU dù có thỏa thuận hay không có thỏa thuận về Brexit.

Để Anh rời EU theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016 của cử tri nước này, London và Brussels Anh và EU đã tiến hành không biết bao cuộc thương lượng để đạt được thỏa thuận cho cuộc “ly hôn” gây nhiều “phiền toái” cho cả hai phía này. Tuy nhiên, tới nay khi hạn chót chỉ còn hơn 3 tuần nữa tới thời hạn Anh phải ra khỏi “ngôi nhà chung” EU, song hai bên vẫn chưa nhất trí với nhau về thỏa thuận cuối cùng.

Thực ra, Anh và EU đã đạt được thỏa thuận về Brexit vào tháng 11-2018, tuy nhiên, bản thỏa thuận mà chính quyền Thủ tướng Theresa May mang về đã bị Quốc hội Anh bác bỏ với tỷ lệ được mô tả là “cao chưa từng thấy” tại Hạ viện Anh. Các nghị sĩ Xứ sở sương mù tuyên bố văn kiện này cần phải được sửa đổi mới chấp nhận thông qua.

Công đảng đối lập đưa ra 5 điều kiện để đổi lại sự ủng hộ thỏa thuận Brexit, trong đó then chốt là điều khoản “rào chắn” về một chính sách nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng chia cách CH Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit. Điều khoản này nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa Bắc Ireland và CH Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của EU cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Nếu những sửa đổi mà Thủ tướng May nỗ lực tìm kiếm không giúp thỏa thuận này được ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu lần hai tại Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 12-3 tới, Chính phủ Anh sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13-3 để các nhà lập pháp quyết định liệu có chấp thuận một kịch bản Brexit không thỏa thuận hay không. 

Thỏa thuận Brexit mà chính quyền của Thủ tướng May và EU đạt được hồi tháng 11-2018 hầu như không có cơ hội thông qua tại Hạ viện Anh nếu không sửa đổi. Vì thế, nhiều ý kiến đã ủng hộ trì hoãn thời hạn chót Brexit vì một “Brexit cứng” - tức không có thỏa thuận - là một thảm họa với cả hai phía khi mọi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.

Tổng thống Slovenia Borut Pahor trong phát biểu đưa ra ngày 2-3 khi đang có chuyến thăm Anh đã tuyên bố nước này và nhiều thành viên EU khác ủng hộ gia hạn thời điểm diễn ra Brexit. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng công khai ủng hộ ý tưởng kéo dài thời hạn chót Brexit nếu nước Anh cần thêm thời gian. 

Những ý kiến ủng hộ trì hoãn Brexit sau hạn chót ngày 29-3 tới viện dẫn Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon để tính tới phương án tìm kiếm sự “gia hạn ngắn và có giới hạn”. Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia, trong đó có cả “ông lớn” Pháp, cho rằng thỏa thuận đạt được hồi tháng 11-2018 là “công bằng và tốt nhất” để ngỏ ý không muốn thương lượng lại. 

Thời hạn chót 29-3-2019 cho cuộc “ly hôn” Brexit vì thế tới thời điểm này vẫn chưa thể chốt lại.