Những nguyên nhân bùng phát xung đột Israel-Palestine

ANTĐ - Các cuộc xô xát giữa người Israel định cư ở Bờ Tây và người Palestine luôn thường trực và chưa có dấu hiệu dịu bớt. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-10, mức độ và tần suất xung đột tăng mạnh và câu hỏi đặt ra là tại sao xung đột lại bùng phát vào thời điểm này? 

Những nguyên nhân bùng phát xung đột Israel-Palestine ảnh 1Người Palestine tấn công lực lượng an ninh Israel

Những người đổ lỗi cho phía Israel khiến bạo lực bùng phát viện dẫn nhiều nguyên nhân, như sự thất vọng của người Palestine trước thất bại của tiến trình công nhận Nhà nước Palestine và chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ở khu Bờ Tây; Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư; Israel dừng trao trả nhóm tù nhân Palestine thứ tư theo thoả thuận; hành động quá khích của người định cư Israel với người Palestine, điển hình là cuộc công kích và thảm sát một gia đình Palestine hồi tháng 7 vừa qua. 

Trong khi đó, những người đổ lỗi cho Palestine - bên phải chịu trách nhiệm chính về các xung đột leo thang hiện nay - lại cho rằng nguyên nhân chính là ở chỗ giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo Palestine kích động giết hại người Do Thái. Ví dụ điển hình là Giáo sĩ Palestine Muhammad Salah kêu gọi người Palestine vũ trang thông qua việc thành lập “đội quân dùng dao” ngay trong buổi giảng đạo tại một nhà thờ Hồi giáo ở Gaza khi phát biểu: “Chúng tôi không muốn hoạt động đơn lẻ, thay vào đó là các nhóm 3 đến 4 người. Một số sẽ khống chế nạn nhân trong khi những người khác sẽ hành quyết bằng rìu và dao đồ tể, sau đó phanh thây thân xác”. Giáo sĩ Salah đặt Afula, Tel Aviv và Jerusalem làm mục tiêu tấn công. Chỉ sau vài giờ thuyết giáo của nhân vật này, các vụ giết người bằng dao đã xảy ra ở cả 3 thành phố nói trên. 

Theo ông Lenne Piggott - chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Sydney (Australia), bất kể lý lẽ của hai bên là gì thì cũng không phản ánh hết toàn bộ câu chuyện. Nếu Israel và Palestine tiến tới việc ký kết một thoả thuận chấm dứt xung đột thì giới lãnh đạo của cả hai bên sẽ phải thỏa hiệp - điều chắc chắn sẽ bị người dân hai bên phản đối. Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu sẽ đánh mất sự ủng hộ về chính trị và tôn giáo, nếu công nhận Nhà nước Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng sẽ bị giới lãnh đạo phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Dải Gaza và những thành phần cấp tiến trong chính quyền Palestine do phong trào Fatah của ông đứng đầu ở Bờ Tây phản đối. 

Để gây áp lực lên các cuộc đàm phán trực tiếp với chính quyền của Thủ tướng Netanyahu, ông Abbas và chính quyền Palestine sử dụng chiến lược theo đuổi sự công nhận rộng rãi của các nước thông qua Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) và các tổ chức quốc tế khác. Bài phát biểu của ông Abbas trước ĐHĐ LHQ ngày 30-9 vừa qua đã không được như mong đợi mặc dù ông Abbas trực tiếp nhắc đến “Hiệp định Oslo” nhưng lại kết thúc bài phát biểu mà không công bố rõ ràng việc Palestine rút khỏi hiệp định và huỷ bỏ hợp tác an ninh với Israel. Bài diễn văn thiếu sức ảnh hưởng và sự thuyết phục của ông Abbas khi trình bày chiến lược đưa Palestine trở thành quốc gia độc lập đã làm tăng cảm giác thất bại và sự thất vọng cố hữu của người dân Palestine. 

Người dân Palestine đã phản ứng theo hướng chống đối tự phát. Sau bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ của ông Abbas, các tay súng Palestine đã phục kích một cặp vợ chồng người Israel đang lái xe ở khu vực Bờ Tây và bắn chết họ trước sự chứng kiến của 4 đứa con nhỏ ngồi sau. Vụ việc này đã khơi mào cho tình trạng bạo lực leo thang chống người Israel hiện nay. Các vụ tấn công kiểu này dường như không được lên kế hoạch trước, diễn ra đơn lẻ và mang tính tự phát và truyền thông xã hội là “mồi lửa”, tạo cơ sở cho giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo Palestine tăng cường kích động. 

Xung đột tôn giáo Israel- Palestine chỉ là một phần của những gì đang xảy ra trong khu vực ở quy mô rộng hơn. Cuộc xung đột ở Syria và Iraq không còn xoay quanh tính hợp pháp của các Chính phủ như trước. Các cuộc tranh đấu hiện nay liên quan đến tính hợp pháp của các quốc gia gồm: Syria, Iraq, Lybia và Yemen cũng như câu hỏi: liệu người Palestine có thắng được Israel không?