Những "ngôi mộ" dưới đáy biển bỗng dưng biến mất

ANTD.VN - Cộng đồng quốc tế đang lên án nạn trộm cướp xác tàu ở khu vực biển Java và yêu cầu chính quyền Indonesia bảo vệ chúng trước những đội quân đạo chích ngày càng tinh vi.

Khoảng thời gian này 75 năm trước, Mỹ, Australia, Anh và Hà Lan đã phải đối mặt với một loạt thảm kịch hải quân khi chiến đấu với phát xít Nhật tại các eo biển và vùng biển quanh Indonesia.

Xác những con tàu chiến ở vùng biển Java và eo biển Sunda đã trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của hàng nghìn thủy thủ lực lượng Đồng minh.

Theo truyền thống của ngành hàng hải vốn tôn trọng hài cốt của người trên những xác tàu, những người sống sót và con cháu họ coi đó là những ngôi mộ trên biển. 

Những "ngôi mộ" dưới đáy biển bỗng dưng biến mất ảnh 1Tàu HMAS Perth năm 1942 và xác của nó hiện nay đã nằm dưới đáy biển Java 

Sốc và thất vọng

Do vậy, người ta cảm thấy sốc và thất vọng sau khi một đội thám hiểm quốc tế đi khảo sát những xác tàu ở vùng biển Java vào tháng 12-2016 thấy rằng ít nhất 4 xác tàu của Hà Lan và Anh, cùng với một tàu ngầm của Mỹ đã biến mất khỏi đáy biển sâu 70 mét. 

Những chiếc tàu này rất lớn, ví như tàu HMS Exeter là một tàu tuần dương hạng nặng dài 175 mét, hơn cả 3 bể bơi của các giải đấu Olympic gộp lại. Trong khi đó, một số tàu khác của quân Đồng minh ở vùng biển Indonesia cũng đều có dấu hiệu bị phá hoại. Bằng chứng cho thấy những con tàu bỗng dưng mất tích này đã bị ăn trộm, chủ yếu là để lấy những kim loại có giá trị.

Nạn trộm xác tàu hải quân không xa lạ gì với những người hiểu tình trạng các di sản văn hóa dưới nước ở Indonesia. Năm ngoái, tờ Inside Indonesia đã nói về các biện pháp cần thực thi để giảm thiểu thiệt hại đối với 2 xác tàu của quân đồng minh khác ở Indonesia là HMAS Perth và USS Houston tại eo biển Unda, phía tây Jakarta. Những chiếc  tàu này bị một hạm đội của Nhật Bản tấn công vào sáng sớm 1-3-1942 và bị chìm, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Bình luận về việc mất trộm hiện vật từ tàu USS Houston, Giám đốc điều hành của Hiệp hội USS Houston Survivor nói: “Chúng tôi không biết ai đã ăn cắp trên tàu của chúng tôi. Chỉ biết họ đã giữ những di vật ấy để sử dụng vì mục đích cá nhân, họ đã “ăn trộm” những thứ thực sự thuộc về những ký ức còn mãi về lòng dũng cảm và cống hiến của những con người phục vụ trên các con tàu đó”.

Tại sao lại đánh cắp ở xác tàu?

Những xác tàu lớn sở hữu một lượng lớn phế liệu kim loại và rất có giá trị khi bán lại. Trung bình, lượng phế liệu trên một xác tàu hải quân có thể mang lại giá trị tương đương 675.000 USD. Riêng chiếc chân vịt bằng đồng cũng có giá trị hàng nghìn USD.

Có vẻ như những chuyến ăn trộm được tiến hành bí mật bởi những xác tàu ở biển Java nằm gần với một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Indonesia và hoạt động khả nghi rất dễ bị những chiếc xuồng máy đi qua phát hiện. Hơn nữa, lấy một xác tàu ra khỏi đáy biển đòi hỏi  thời gian, trình độ và tiền bạc. Các hoạt động lấy cắp kiểu này ở Đông Nam Á dường như ngày càng trở nên tinh vi.  

Người ta cho rằng, các tốp thợ lặn sử dụng những thiết bị hiện đại, thậm chí họ còn được trang bị vũ khí. Dường như những vụ trộm cắp này không nhằm đến các vật thể mang ý nghĩa về lịch sử hay khảo cổ, nhưng việc xúc phạm tới những ngôi mộ chiến tranh dưới biển lại là vấn đề rắc rối nhất của câu chuyện này. Sự hiện diện của hài cốt con người trên các xác tàu không ngăn cản bọn trộm khỏi những hành động bất chính. 

Tuy nhiên, tình trạng pháp lý của những ngôi mộ chiến tranh dưới nước này đến giờ vẫn chưa rõ ràng. Hiện không có sự đồng thuận tầm quốc tế về những quy định liên quan đến hài cốt của quân nhân trên những xác tàu chìm.

Theo luật pháp Indonesia, những di vật lâu hơn 50 năm có thể xem là di sản văn hóa. Tuy nhiên, không có xác tàu hay khu vực đáy biển nào đề cập trong bài này được chính thức công nhận là di sản.

Tuy nhiên, từ năm 2015, Indonesia cũng đã khảo sát đánh giá điều kiện và mức độ dễ tổn thương của một số xác tàu đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người dân về các địa điểm có xác tàu, hành động mà họ cho là sẽ giảm đáng kể sự tàn phá…

Khi cộng đồng quốc tế lên án về việc biến mất của những xác tàu ở biển Java, Hà Lan đã lập tức mở cuộc điều tra còn Bộ Quốc phòng Anh thể hiện quan ngại sâu sắc và yêu cầu nhà chức trách Indonesia cần có “hành động phù hợp”. Phản ứng lại, Trung tâm khảo cổ học quốc gia Indonesia cho rằng Hà Lan không thể trách Indonesia vì trước đó chưa bao giờ lên tiếng yêu cầu Indonesia bảo vệ các con tàu, cũng không có thỏa thuận, tuyên bố nào nên việc xác tàu mất không phải trách nhiệm của họ.