Những kẻ làm giàu từ cuộc khủng hoảng di cư

ANTĐ - Trong năm qua, châu Âu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Rất nhiều thảm kịch đã xảy ra đối với người di cư trên hành trình tới “miền đất hứa”. Nhưng đây cũng là năm làm ăn phát đạt của những kẻ buôn người với số tiền kiếm được lên tới 20.000USD một tuần.

Những kẻ làm giàu từ cuộc khủng hoảng di cư ảnh 1Người di cư được Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu trên biển Aegean hôm 7-12

Từ thợ điện thành kẻ buôn người

Mohamad, 25 tuổi, bắt đầu tìm công việc là một thợ điện trên thị trường “chợ đen” Thổ Nhĩ Kỳ. Là người di cư Syria, anh không được tham gia thị trường lao động hợp pháp nên không được trả lương phù hợp. Anh sống với bạn ở Izmir, thành phố nằm bên bờ biển phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ và phân vân về việc có nên lên thuyền tới đảo của Hy Lạp, sau đó xin tị nạn tại châu Âu như nhiều người Syria khác. 

12 tháng sau, mọi thứ thay đổi. Mohamad kết hôn và sống với vợ tại một căn hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng anh không làm thợ điện mà chuyển sang một công việc mới kiếm được nhiều tiền hơn. Nhờ đưa lậu người di cư đến châu Âu, Mohamad trở nên giàu có. Anh ta bắt đầu tham gia hoạt động này từ tháng 5-2015 khi một người thân nhờ anh giúp đỡ. Khi đó, không ai nghĩ tuyến đường nối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lại trở thành cửa ngõ chính để người di cư tới châu Âu. Năm 2014, chưa đầy 43.000 người được đưa lậu qua ngả Địa Trung Hải. Nhưng năm 2015, năm Mohamad tham gia đường dây buôn lậu người, hơn 800.000 người đã được đưa tới châu lục này. 

Hồi tháng 9, Mohamad dự đoán dòng người di cư sẽ ít đi vào tháng 10. Nhưng tháng 10 hóa ra lại là tháng tấp nập nhất. Sau đó, Mohamad ước tính số người di cư sẽ giảm vào tháng 11, nhưng tháng đó vẫn cao hơn gấp 3 lần so với cả năm 2014. 

Nghề kiếm bộn tiền

Trong mạng lưới của mình, Mohamad đóng vai trò là một kẻ dẫn mối, điều đó có nghĩa công việc của anh là tìm kiếm khách hàng cho ông chủ. Trong mùa cao điểm, mỗi khách hàng sẽ trả 1.000USD cho một chỗ ngồi trên những chiếc thuyền mỏng manh và trả phí 200USD cho những người môi giới như Mohamad. Mỗi chiếc thuyền chở được khoảng 40 khách, có lúc nhồi nhét tới 50 người, trong đó 1/4 khách có thể do Mohamad dẫn mối. Cho nên trong tuần bận rộn nhất, khi nhóm đưa được 10 chiếc thuyền đi, Mohamad kiếm được 20.000USD. Thậm chí trong tuần thấp điểm nhất của mùa đông - khi chỉ có một chuyến đi và phí môi giới thấp hơn - anh vẫn có thể kiếm được 1.000USD.  

Có người đánh giá cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 thông qua lượng người tìm đường tới Hy Lạp hoặc số lượng các vụ đắm tàu, nhưng với Mohamad, anh ta căn cứ trên tần suất các vụ trấn áp của cảnh sát. Theo tính toán của Mohamad, chỉ có 4 vụ tính từ đầu năm đến nay và chúng hầu hết diễn ra khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép phải làm như vậy. Lực lượng này thường bị cáo buộc “nhắm mắt làm ngơ” đối với hoạt động buôn lậu thương mại. “Những gì xảy ra với cậu bé di cư người Syria, Alan Kurdi (bị chết đuối và trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9) khiến họ thắt chặt thêm. Tất cả phụ thuộc vào sức ép mà họ phải chịu”, Mohamad nói.

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) ký thỏa thuận viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 12-2015, cảnh sát nước này bắt đầu thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ người di cư cũng như những kẻ buôn lậu. Đây là chiến dịch bắt giữ lớn nhất của họ trong năm qua.