Những hệ lụy tức thì sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

ANTD.VN - Sau nhiều lần cảnh báo và bất chấp nỗ lực ngoại giao từ các đồng minh phương Tây, cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. 

Những hệ lụy tức thì sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tại Nhà Trắng ngày 9-5

Cộng đồng quốc tế ngay lập tức cảnh báo về những hệ lụy tức thì sau động thái của ông chủ Nhà Trắng, đó là làm dấy lên nguy cơ xung đột tại Trung Đông, khiến các đồng minh châu Âu lo ngại và làm nảy sinh những bất ổn với nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. 

Thỏa thuận JCPOA được Mỹ cùng 5 cường quốc thế giới là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức ký kết năm 2015, đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng thỏa thuận không giải quyết được chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân sau năm 2025 hay vai trò của nước này trong các cuộc xung đột tại Yemen và Syria mà chỉ làm cho vấn đề đi chệch hướng. 

Iran nhiều lần khẳng định chương trình tên lửa đạn đạo của họ chỉ đơn thuần vì mục đích dân sự và sẽ không được sử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, chương trình tên lửa là một yếu tố quan trọng đối với quốc phòng, do đó, Iran coi vấn đề này là không thể thương lượng. Đối với Mỹ và đồng minh thân cận Israel ở khu vực Trung Đông, ảnh hưởng của Iran trong khu vực là mối quan ngại hàng đầu.

Washington tuyên bố rằng những tham vọng “bá chủ” của Iran tại Trung Đông vi phạm tinh thần của thỏa thuận 2015 và lên án Tehran là một thế lực gây bất ổn. Mỹ cáo buộc Iran “hỗ trợ vật chất và tài chính” cho “chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, viện dẫn sự hậu thuẫn của họ đối với tổ chức quân sự và chính trị Hezbollah của Liban. 

Sau quyết định của Tổng thống Mỹ, các quan chức Iran đã cảnh báo về một nguy cơ bất ổn mới. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ đạo Ngoại trưởng Javad Zarif đàm phán với các nước châu Âu về cách thức tiếp tục thỏa thuận. Song nếu các cuộc đàm phán đó thất bại, ông Rouhani tuyên bố rằng Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran nên sẵn sàng bắt đầu tăng mức độ làm giàu urani.

Còn Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nhấn mạnh trong bối cảnh ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân thì Iran không có nghĩa vụ phải tôn trọng các cam kết của mình. Đây là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh.  Và nếu xu hướng này diễn ra, sẽ là một hệ lụy khôn lường. Nó làm bùng phát cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đẩy Trung Đông vốn đang chìm trong xung đột vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn mới.

Mặt khác, quyết định áp đặt lại lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-11 tới và kéo theo đó là nguy cơ giá dầu leo thang. Sản lượng khai thác dầu của Iran đứng ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% nguồn cung của thế giới. Trong đó, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn so với mức 1 triệu thùng dầu/ngày vào thời điểm trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết.

Các chuyên gia dầu mỏ dự đoán xuất khẩu dầu của Iran sang thị trường châu Á và châu Âu chắc chắn sẽ giảm vào cuối năm nay và sang năm 2019 trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm các lựa chọn khác nhằm tránh gặp “rắc rối” với Mỹ khi Washington bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt. Với việc Iran xuất khẩu gần 2,5 triệu thùng/ngày, mức giảm sẽ là khoảng 500.000 thùng/ngày. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã để ngỏ về khả năng đàm phán một thỏa thuận khác với các đồng minh, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các nước châu Âu có đi theo định hướng đó và liệu họ có thể thuyết phục Iran chấp nhận điều này hay không. Trước mắt, theo các nhà ngoại giao phương Tây, việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran cũng chính là đánh vào các doanh nghiệp phương Tây đang làm ăn với Tehran. Lo ngại nguy cơ bị Mỹ trừng phạt sẽ buộc nhiều công ty châu Âu phải tuân thủ một số lệnh trừng phạt nhất định của Washington, mặc dù đã được Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ pháp lý trong hoạt động giao thương với Iran.