Những giao dịch "ma" để “tuồn” tiền bất hợp pháp ra nước ngoài

ANTĐ - Theo điều tra của Reuters, ngày càng có nhiều người Trung Quốc sử dụng thẻ ngân hàng Nhà nước để chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài bất hợp pháp. Thông qua những giao dịch “ma”, khách hàng có thể dùng thẻ UnionPay “mua” vàng thỏi trị giá 1,5 triệu USD rồi sau đó “bán” ngay để cầm tiền mặt. Tất cả các bên liên quan đều hưởng lợi từ hoạt động rút tiền này. Thương nhân địa phương kiếm tiền từ chênh lệch tỉ giá. Ngân hàng quản lý tài khoản của người này và ngân hàng phát thẻ UnionPay ở Trung Quốc thu 1-2% phí giao dịch.

Giả mua hàng để rút tiền

Trong ngõ chợ sâu hun hút, san sát nhau quanh các khu nghỉ dưỡng ở sòng bài Macau (Trung Quốc) có đến hàng trăm cửa hiệu trang sức và cầm đồ sẵn sàng chuyển tiền cho khách Trung Quốc. Trong hoạt động trao đổi ngầm này, khách hàng dùng thẻ UnionPay để giả việc thanh toán đã mua đồ, còn nhân viên cửa hàng trả tiền lại cho khách. Nhưng thực chất đây là một cách tránh né quy định ngặt nghèo kiểm soát dòng ngoại tệ của Chính phủ Trung Quốc: 1 ngày, người đại lục chỉ được phép mang 20.000 NDT (tức 3.200 USD) qua biên giới.

Tại cửa hiệu trang sức và đồng hồ Choi Seng, một phụ nữ trung niên đi thẳng tới quầy thanh toán mà không hề nhìn vào những đồ vật đắt tiền trong tủ kính. Bà đưa thẻ UnionPay cho nhân viên và nhận được 300.000 HKD (50.000 USD) tiền mặt. Sau khi ký một hóa đơn thanh toán thẻ tín dụng mô tả việc mua bán không hàng hóa, bà nhét tiền vào ví và rảo bước sang sòng bài Ponte 16 ngay cạnh.

Khi hỏi về tính hợp pháp của giao dịch kiểu như thế này, một nhân viên bán hàng trấn an: “Đừng lo lắng. Mọi người đều thực hiện điều này”. Đúng vậy, đây chỉ là chiêu thức giúp người sở hữu thẻ UnionPay có thể rút số tiền vượt quá mức quy định. “Bạn chẳng mua, bán gì cả. Chúng tôi chỉ giúp mọi người lấy tiền thôi”, nhân viên này cho biết thêm.

Tài liệu thảo luận nội bộ giữa UnionPay và các cơ quan tài chính tại Trung Quốc cho thấy, các vụ rút tiền bằng cách giả mua hàng trở nên phổ biến tại các cửa hàng bán lẻ. Chính quyền Trung Quốc lo ngại công cụ UnionPay đang được các quan chức tham nhũng và các doanh nhân sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài. 

Hiện, không ai có thể biết chắc lưu lượng tiền NDT được chuyển vào Macau. Dựa vào phân tích tài chính Macau (Trung Quốc) và phỏng vấn các thành phần của công nghiệp cờ bạc ở đây, Phó Giáo sư tại Đại học Khoa học Công nghệ Macau, Tam Chi Keong ước tính tổng số là 1.570 tỉ HKD (khoảng 202 tỉ USD) một năm. Lượng tiền “lậu” này được chuyển qua nhiều kênh khác nhau.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do các nhà chức trách không muốn làm tổn thương nền tài chính Macau với 80% doanh thu đến từ cờ bạc. Hơn nữa, sự tăng trưởng nhanh chóng của UnionPay, bao gồm việc phát triển các điểm rút tiền ở cửa hiệu bán lẻ trên toàn thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biến đồng NDT thành đồng tiền quốc tế của Bắc Kinh. Không ai biết chắc chắn bao nhiêu tiền Trung Quốc đang được chuyển bất hợp pháp vào Macau.

Thực chất là một kênh rửa tiền

UnionPay âm thầm phát triển trở thành một trong những thương hiệu và mạng lưới thanh toán thẻ lớn nhất trên thế giới, được chấp nhận tại 142 quốc gia. Số thẻ UnionPay đang lưu hành lớn hơn bất kỳ thương hiệu nào khác với 3.53 tỷ USD, hay gần 1/4 số thẻ của thế giới, và đứng thứ hai thế giới về giá trị giao dịch, với 2.500 tỷ USD (tính đến 6 tháng đầu năm 2013). 

Thương hiệu thẻ này được coi là một “cánh tay” của chính sách Nhà nước Trung Quốc. UnionPay được thành lập năm 2002 theo lệnh của Quốc Vụ Viện và PBOC. Các cổ đông sáng lập của nó là 85 ngân hàng Trung Quốc với 5 ngân hàng quốc doanh đứng đầu. 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra sắc lệnh yêu cầu tất cả các nhà cấp thẻ, kể cả công ty nước ngoài, phải xử lý giao dịch đồng NDT qua hệ thống chi trả điện tử của UnionPay. Tất cả các thương nhân và máy thanh toán tự động được yêu cầu phải thực hiện thanh toán đồng NDT qua UnionPay. 

Macau (Trung Quốc) là cửa ngõ chính cho hoạt động này nhưng vì sao vẫn chưa bị “sờ gáy”. Thứ nhất, 80% doanh thu ở Macau đến từ kinh doanh sòng bạc. Macau hiện là trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, với doanh thu gấp 7 lần Las Vegas. Năm 2013, doanh thu từ hoạt động này đã tăng 19% lên 45,2 tỷ USD. Gần 40% con số đó thuộc về Chính phủ thông qua thuế. Nếu Chính phủ siết chặt các giao dịch “ma” tại Macau thì có thể làm tổn thương đến kinh tế của Macau nói riêng và của cả đất nước. 

Thứ hai, việc UnionPay phát triển mạnh như hiện nay lại đang góp phần giúp ích cho chiến lược tiền tệ của Bắc Kinh. Tăng cường sử dụng thẻ UnionPay ở nước ngoài giúp mở các tài khoản vốn bằng đồng NDT và qua đó giúp Bắc Kinh thực hiện mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT. Với những nỗ lực này, theo thống kê của Tổ chức Dịch vụ giao dịch toàn cầu SWIFT, NDT đã vượt qua đồng Euro trở thành đồng tiền thứ hai thường xuyên được sử dụng trong các giao dịch thương mại.

Tuy nhiên, không ít nhà chức trách tại Trung Quốc hiện đã bày tỏ sự quan ngại về việc sử dụng thẻ UnionPay có thể giúp quan tham hay thương nhân lách luật, tuồn tiền ra nước ngoài. Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), từ giữa những năm 1990 đến nay, khoảng 16.000 - 18.000 người là thương nhân, giám đốc điều hành, các cá nhân và quan chức Trung Quốc đã “biến mất” khỏi Trung Quốc và đem theo số tài sản trị giá 800 tỉ NDT (133 tỷ USD).

Đáng lo ngại hơn, hoạt động rút tiền đang lan rộng ra khỏi Macau tới cả Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc, do khách du lịch Trung Quốc đem tới. Năm 2012, tại Đài Loan, giao dịch rút tiền UnionPay đạt 9,78 tỉ NDT (1,59 tỉ USD), gần gấp đôi năm 2011.

Rất khó kiểm soát

Đến lúc này, Chính phủ Trung Quốc rất lo ngại. Họ đã và đang cố gắng kiểm soát hoạt động rửa tiền bằng cách sửa lại các điều Luật Hình sự, đồng thời củng cố Luật Ngân hàng thương mại.

Từ tháng 6-2012, các ngân hàng phát thẻ UnionPay phải đặt giới hạn rút tiền hàng ngày là 1 triệu NDT (166.000 USD) ở Macau, giảm hẳn so với mức từ 800.000 USD/ngày đến 1,6 triệu USD/ngày trước đây. UnionPay cho biết cũng đã cấm rút tiền mặt từ thẻ mà không có hoạt động mua bán thật và phối hợp với nhiều bên để tăng cường kiểm tra.

Tuy nhiên, theo điều tra của Hãng thông tấn Reuters, sau đó, hoạt động rút tiền vẫn diễn ra bình thường. Biên lai khách hàng ký có thực hiện giao dịch mua bán hàng nhưng thực chất là chẳng có hàng hóa nào được bán hay mua cả. Thậm chí, khách hàng còn không bị giới hạn về số tiền muốn rút. Một nhân viên cửa hàng trang sức thuộc thương hiệu Chow Tai Fook ở Hồng Kông (Trung Quốc)đặt tại sòng bạc Grand Lisboa, cho hay khách hàng có thể dùng thẻ UnionPay “mua” vàng thỏi trị giá 1,5 triệu USD rồi sau đó “bán” ngay để cầm tiền mặt. Một quản lý ở cửa hàng trang sức trong sòng bạc Las Vegas Sands ở Macau cho biết, việc rút tiền không giới hạn, diễn ra rất thuận lợi khi máy rút tiền của UnionPay có mặt tại khắp nơi cả ở trong và ngoài sòng bạc.