Những đứa trẻ Nigeria bị mắc kẹt ở vùng hoạt động của quân khủng bố

ANTD.VN - Suốt 400 đêm, đêm nào Fatima cũng thao thức nằm trên sàn đất với đứa con nhỏ tuổi chen chúc giữa những người lạ trong căn phòng đầy muỗi và toàn hơi người ở Maiduguri, bang Borno phía Đông Bắc Nigeria. Fatima, hiện 18 tuổi, là một trong số hàng nghìn trẻ em bị lực lượng vũ trang Nigeria bắt giữ trong những năm gần đây, vì lý do bỏ trốn từ các doanh trại của phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram.

Fatima cho biết, cô đã bị quân đội giam giữ 15 tháng trước khi được thả vào một trại tị nạn ở Maiduguri vào mùa hè năm ngoái. Hồi năm 2014, khi cô đang đi bộ đến làng của chị gái thì những người đàn ông cầm súng máy ra chặn đường. Bọn họ đánh cô, gí nòng súng AK-47 làm bỏng mặt Fatima và sau đó buộc cô kết hôn với một phiến binh.

Lần cuối cùng Fatima thoát khỏi doanh trại của Boko Haram, chạy chân trần với đứa con trai quấn vải trên lưng, là khi cô mới 16 tuổi. Sau đó, cô gặp một nhóm binh sĩ Nigeria, rồi bị giam trong một loại nhà tù khác.

Những đứa trẻ Nigeria bị mắc kẹt ở vùng hoạt động của quân khủng bố ảnh 1Băng rôn kêu gọi đầu tư cho giáo dục để chống chủ nghĩa khủng bố trên đường phố Maiduguri, Nigeria 

Nạn nhân biến thành nghi phạm

Tương tự, Goggo, 14 tuổi, cho biết khoảng 4 năm trước, các chiến binh Boko Haram tấn công ngôi làng của em. Sau đó, quân đội Nigeria xuất hiện, phát hiện gia đình Goggo trốn trong bụi rậm. Họ cáo buộc cha và anh trai Goggo là thành viên Boko Haram và đánh đập họ. Đó  cũng là lần cuối cùng em nhìn thấy 2 người. 

Goggo mất 2 năm bị đưa vào khu trại dành cho phụ nữ ở Giwa. Ở đó, 200 người bị dồn vào một phòng lớn. Không khí ngột ngạt, khiến em cảm thấy mệt mỏi, không thể nuốt nổi. “Em còn bắt gặp giòi bò trong bát súp của mình”, Goggo nói. Một ngày nọ, một gã bảo vệ kéo Goggo vào một căn phòng và đòi cô phải “chiều” hắn. Cô bé hét lên, những người lính khác chạy vào và ngăn anh ta lại.

Một trường hợp khác, Gmarley, 15 tuổi, mất liên lạc với gia đình sau khi các tay súng xông vào làng 5 năm trước. Các chiến binh Boko Haram bắt được cậu bé 10 tuổi và cho Gmarley lựa chọn: Cùng đi với chúng hoặc là chết. Gmarley đã ở với những kẻ khủng bố trong 3 tháng, học cách chế tạo bom. Sau đó, quân đội Nigeria bao vây, triệt phá khu trại. Gmarley trốn thoát trong hỗn loạn. Em đi bộ suốt đêm trở về làng, rồi bị binh lính bắt lại.

Còn Mallam, 12 tuổi ra khỏi làng cùng vài người bạn để bắt cá ở một con sông gần đó. Nhưng thình lình đám quân nổi dậy xuất hiện và bao vây. Tất cả những cậu bé trông có vẻ khỏe mạnh bị các chiến binh Boko Haram dẫn vào sâu trong rừng. Trong nhiều tháng, họ đã bị nhồi nhét tư tưởng thánh chiến. 5 năm sau đó, Mallam tham gia các cuộc tấn công liên miên nhằm vào các tiền đồn quân sự, cho đến khi cùng một người bạn chớp cơ hội bỏ trốn. Gặp những người lính đầu tiên, Mallam bị bắt và trói lại. 

Chiến dịch kiểm soát quân sự

Trong các cuộc phỏng vấn với The Washington Post, các thanh, thiếu niên như các trường hợp kể trên từng ở trong doanh trại Giwa gần thành phố Maiduguri cũng như các cơ sở quân sự khác cho biết, họ không được phép tiếp xúc bên ngoài. Không ai trong số những người này được gặp luật sư. Tất cả, đều không dám nêu tên thật, kể rằng họ bị tách khỏi các thành viên trong gia đình và thấy mọi người chết vì bệnh.

Các quan chức quốc phòng Nigeria bác bỏ cáo buộc lạm dụng việc giam giữ, nói rằng họ phải kiểm tra tất cả những người xuất thân từ vùng nông thôn vì Boko Haram và các nhóm Hồi giáo khác ở phía Đông Bắc Nigeria được biết là chuyên sử dụng trẻ em trong các cuộc tấn công khủng bố. 

Trong một thông cáo, Đại tá Onyema Nwachukwu, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nigeria cho biết, trẻ em dạng xét lại được giữ ở nơi an toàn, cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc y tế cần thiết, được lập hồ sơ và giáo dục nhằm bài trừ tư tưởng cực đoan trước khi được thả ra. “Các lực lượng Nigeria từ năm 2013 đã thả ít nhất 2.200 trẻ em, gần như tất cả không bị buộc tội và được coi là nạn nhân của chiến tranh chứ không phải là nghi phạm”, Đại tá Nachachukwu nói. 

Trong 10 năm qua, Boko Haram, một trong một số nhóm cực đoan với ý định xây dựng một nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi, đã giết hại khoảng 27.000 người. Quân đội Nigeria và các đối tác quốc tế đã thu hẹp phạm vi hoạt động của bọn khủng bố trong những năm gần đây, nhưng nhóm này tiếp tục gây ra các vụ tấn công tàn khốc từ các tiền đồn xa xôi ở bang Borno phía Đông Bắc. Những kẻ khủng bố thường buộc chất nổ vào trẻ em rồi đẩy vào đám đông. Kể từ tháng 1-2019, 8 kẻ đánh bom liều chết đã tấn công Maiduguri, thủ phủ của bang này.

 Một số người ở Nigeria lo ngại chiến lược kiểm soát quân sự của quân đội có thể khiến những người chạy trốn khỏi bạo lực phải lẩn trốn lần nữa. Cuộc xung đột đã khiến hơn 2 triệu người dân phải dời bỏ nhà cửa và ít nhất 22.000 người vẫn mất tích, theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Trong số này, một nửa số người mất tích khi ở độ tuổi dưới 18.