Những điều ít biết về người giàu nhất nước Nga bị giết hại 100 năm trước

ANTD.VN - Nikolai Vtorov đi vào lịch sử như một trong những nhà tài phiệt cuối cùng của Đế chế Nga Sa hoàng. Vì sự nhạy bén trong kinh doanh và khả năng giải quyết các cuộc xung đột phức tạp, N.Vtorov được gọi là “J.P.Morgan của Nga”. Tuy bị giết hại 100 năm trước, cái chết của ông cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ… 

Những điều ít biết về người giàu nhất nước Nga bị giết hại 100 năm trước ảnh 1Nikolai Vtorov, người giàu nhất nước Nga Sa hoàng 

Thương gia thành công

N.Vtorov, người giàu nhất nước Nga Sa hoàng sinh năm 1866 trong gia đình tiểu tư sản ở tỉnh Kostroma. Ban đầu, ông Alexander Vtorov - bố của N.Vtorov kiếm tiền bằng cách bán rượu để đổi lấy vàng trong mỏ vàng. Năm 1862, ông chuyển đến vùng Siberia sinh sống và mở cửa hàng bán vải, lông thú, vàng… tại Irkutsk và 13 thành phố khác.  

Năm 12 tuổi, N.Vtorov bắt đầu học cách mặc cả với những người giao hàng, làm người bán hàng trong các cửa hàng của bố. 15 năm tuổi, N.Vtorov khéo léo xin được con dấu, chữ ký của chính quyền và bán cho thương gia Bartholomeyev quyền sở hữu con đường không tồn tại 

Tomsk-Novosibirsk với giá 135.000 rúp. Cuộc phiêu lưu thất bại. Bố của N.Vtorov phải giao một doanh nghiệp cho thương gia bị lừa như khoản bồi thường thiệt hại. Sau đó, N.Vtorov được đưa đến tỉnh Tomsk tham gia khai thác vàng, dầu.  

Năm 1900, Công ty Alexander Vtorov & Synovya được thành lập với vốn điều lệ là 3 triệu rúp. Trước đó, N.Vtorov kết hôn với Sophia Makarova, con gái gia đình giàu có. Họ sinh con trai Boris và con gái Olga. Năm 1907, gia tộc Vtorov mua lại nhiều doanh nghiệp của các đối thủ và được coi là đã “chinh phục” được vùng Siberia. 

N.Vtorov được gọi là “J.P.Morgan của Nga”, doanh nhân người Mỹ nổi tiếng, chủ ngân hàng, người tham gia thành lập Công ty thép lớn nhất US Steel. Năm 1911, sau khi bố qua đời, N.Vtorov đã được hưởng gần 150 cửa hàng bán lẻ, nhiều cổ phần trong các nhà máy lớn, xí nghiệp dệt may và hóa chất, khách sạn...  Ngoài ra, ông còn nắm trong tay số vốn gần 8 triệu rúp.  

N.Vtorov không định sống bằng tiền của bố để lại. Ông sản xuất chè và vải, thành lập công ty thương mại nội địa và xuất khẩu, tham gia hội đồng quản trị của nhiều ngân hàng lớn, mua lại Yunkers Bank (sau này trở thành Ngân hàng công nghiệp Matxcơva với số vốn 30 triệu rúp). Ông cung cấp tín dụng cho các nhà máy, công ty vận tải đường thủy, đường sắt, trở thành một trong những người đầu tiên ở Nga dẫn đầu thị trường bất động sản…

Cái chết bí ẩn  

Đầu thế kỷ 20, N.Vtorov đã mua lại 2 công ty khai thác vàng lớn, các nhà máy luyện kim... và được coi là một trong những người sáng lập ngành công nghiệp hóa chất ở Nga. Tại Matxcơva, năm 1913, ông xây dựng khu tổ hợp Delovoi Dvor với nhiều văn phòng, khách sạn, cửa hàng. N.Vtorov còn xây dựng tòa biệt thự gần quảng trường Spasopeskovskaya. Năm 1933, tòa biệt thự này trở thành Đại sứ quán Mỹ, thường được gọi là Spaso House và đã được đề cập trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nghệ nhân và Margarita của nhà văn Nga Mikhail Bulgakov. 

Năm 1915, tại Luzhniki, N.Vtorov xây dựng 2 nhà máy sản xuất lựu đạn và nhà máy thứ 3 có công suất 30.000 quả lựu đạn/ngày ở Noginsk. Các xí nghiệp dệt của N.Vtorov cũng may trang phục cho quân đội, trong đó có chiếc mũ Budenovka. Hồng quân Liên Xô đã sử dụng Budenovka với biểu tượng đặc trưng là ngôi sao trên mũ… 

Ngày 20-5-1918, N.Vtorov bị bắn chết ở tuổi 52 trong văn phòng tại Delovoi Dvor. Cái chết của ông vẫn còn là điều bí ẩn. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, kể cả việc ông giả vờ bị giết rồi chạy ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo giả thuyết đăng trên tờ báo Zarya Rossia, kẻ giết người là Gudkov, đứa con ngoài giá thú của ông ở tỉnh Tomsk. Gudkov yêu cầu bố cho tiền để đi học và trợ cấp cho mẹ.

Cũng có giả thuyết cho rằng, do nợ tiền cờ bạc, Gudkov đã yêu cầu bố cho 20.000 rúp để trả nợ. Khi ông từ chối, hắn liền rút súng ngắn ra và trong lúc giằng co, làm bố bị thương rồi tử vong, còn Gudkov tự sát tại chỗ. 3 năm sau, bà Sophia đã đưa các con sang Pháp định cư…