Những cô gái Campuchia bị mắc kẹt ở Trung Quốc làm nô lệ tình dục

ANTĐ - Gần đây, Việt Nam thắt chặt các quy định về hôn nhân xuyên biên giới, đưa ra nhiều chiến dịch tuyên truyền, đã khiến bọn buôn người chuyển hướng từ Việt Nam qua Campuchia. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện, có ít nhất 150 vụ buôn bán phụ nữ từ Campuchia sang Trung Quốc và các chuyên gia cho hay, con số sẽ còn tăng lên nhanh chóng.

Những cô gái Campuchia bị mắc kẹt ở Trung Quốc làm nô lệ tình dục ảnh 1Nhiều cô gái Campuchia bị lừa bán sang Trung Quốc phục vụ xác thịt cho các gia đình

Làm nô lệ tình dục

Thất vọng về cuộc sống tại quê hương, Khai Sochoeun, 29 tuổi, sẵn sàng sang Trung Quốc bởi cô cần một việc làm. Hai phụ nữ môi giới lo thủ tục giấy tờ, mua vé máy bay và sắp xếp người đón cô ở sân bay bên Trung Quốc. Trong khi đề cập chuyện hôn nhân, những người môi giới quảng cáo rằng, chồng Trung Quốc giàu có và là món hời cho một gia đình Campuchia nghèo như nhà cô. “Khi xem phim Trung Quốc, tôi không thấy nông dân. Trên phim toàn đàn ông làm kinh doanh lớn, điều hành công ty” - Khai nói.

Nhưng sau khi trải qua một đêm đi xe từ sân bay Bạch Vân, Quảng Châu, cô đã bị sốc vì xung quanh toàn đồng ruộng. “Mọi thứ cũng nghèo nàn như ở quê tôi, thậm chí có vẻ là vùng sâu, vùng xa hơn nhà tôi, vốn chỉ cách Thủ đô Phnom Penh vài giờ đi xe” - Khai nói. Khai là một trong số phụ nữ Campuchia, đa phần còn trẻ, bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu những năm gần đây. 

Tại sân bay Trung Quốc, Khai và 2 cô gái Campuchia, đều trẻ hơn cô được 4 người đàn ông Trung Quốc và một phụ nữ Campuchia, người Khai gọi là bà trùm đón. Sau một đêm ở nơi Khai không biết là đâu, cô được đưa đến nhà bà trùm. Ngay sau đó, có 2 người đàn ông Trung Quốc cùng họ hàng đến “chọn vợ”. Hai cô kia trẻ và xinh hơn nên họ được chọn ngay. Khi những người đàn ông khác đến, Khai cưỡng lại. Cô muốn một công việc, không phải một cuộc hôn nhân. Nhưng cô bị đe dọa rằng phải lấy một trong những người đàn ông đến “xem hàng” bởi nếu không sẽ bị quăng ra ngoài đường. Nếu muốn về, Khai phải trả 3.000 USD cho bà trùm mà cô không biết lấy tiền ở đâu ra. Cô buộc phải đồng ý. 

Khi về nhà chồng, Khai không hiểu bất cứ từ gì chồng cô nói, cô cũng không biết anh ta bao nhiêu tuổi. Họ đăng ký kết hôn. Không có đám cưới. Khai trở thành nô lệ trong nhà chồng. Thỉnh thoảng anh ta lại đánh cô. Đêm đêm, anh chồng buộc cô quan hệ tình dục dù cô không hề muốn. Nhiều lần, Khai cưỡng lại và anh chồng liền phàn nàn với bà trùm. Trước tình cảnh cay đắng, Khai phải nhượng bộ. Cô đồng ý chiều chồng với điều kiện bà trùm cung cấp một điện thoại di động với sim Trung Quốc. Nhờ chiếc điện thoại, Khai liên lạc được với lãnh sự quán Campuchia sau nhiều lần nỗ lực kết nối. Và cô được cứu thoát. 

Bị bán như lợn, vịt

Khai biết, cô còn may mắn hơn so với nhiều phụ nữ Campuchia khác đang mắc kẹt ở Trung Quốc. Không ít người còn phải phục vụ xác thịt cho cả chồng, cả anh em chồng, chú bác, thậm chí là bố chồng hay bạn của chồng, theo tiết lộ của các tổ chức nhân quyền Campuchia. 

 Tại Trung Quốc, giá một cô dâu Campuchia có thể xê dịch từ 10.000-15.000 USD, tùy vào nhan sắc. “Nếu cô gái trẻ, đẹp, da trắng, họ (bọn buôn người) có thể thu của người đàn ông Trung Quốc 20.000 USD” - Chhan Sokunthea, người lãnh đạo một tổ chức về quyền con người ở Campuchia nói. “Còn nếu người phụ nữ không đẹp thì sẽ được bán ít tiền hơn, thậm chí như bán lợn, vịt”. Tính đến năm 2014, đã có hàng trăm cô gái Campuchia kêu cứu từ “nhà chồng” ở Trung Quốc. 

Một số phụ nữ Campuchia tố cáo rằng, người chồng Trung Quốc ép họ bán dâm ở nhà thổ, đặc biệt là khi người vợ không có khả năng sinh sản. Năm 2013, chính quyền Campuchia nói đã hỗ trợ 21 phụ nữ hồi hương từ Trung Quốc. Trong năm 2014, họ hồi hương 58 người. Bộ Ngoại giao Campuchia thông báo, họ đang có những bước đi nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người qua biên giới. Campuchia đã gây sức ép buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh hạn chế cấp visa cho các cô gái trẻ, độc thân, cụ thể là buộc họ đóng tiền ký quỹ 10.000 USD trong một ngân hàng Trung Quốc.

Một quan chức Campuchia nói, số tiền có thể chi cho vé máy bay trong trường hợp cô gái muốn quay về nước. Nhưng Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo nói, đây là biện pháp mang tính phân biệt giới tính, coi thường nhân phẩm phụ nữ và nghi ngờ về tác dụng của nó...