Những chuyện ít biết về các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng

ANTD.VN - Làm nên các bức ảnh để đời của các vị Tổng thống Mỹ trong lịch sử chính là các nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng - những người lặng lẽ tạo ra những bức ảnh không thể xóa nhòa trong tâm trí của công chúng về lãnh đạo của họ. Nhưng chụp ảnh người giữ vị trí quyền lực nhất nước Mỹ phải đảm bảo tiêu chí nào và có khó khăn gì?

Những chuyện ít biết về các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng ảnh 1

Khi nhắc đến những Tổng thống Mỹ trong quá khứ, người ta có thể hình dung ra một John F. Kennedy là một người cha mẫu mực, chơi với những đứa con của mình ở tòa West Wing, một Richard Nixon mỉm cười tay trong tay với ca sỹ Elvis Presley trong Phòng Bầu dục.

Với ông Barack Obama, người ta nhớ đến vị Tổng Tư lệnh có khuôn mặt nghiêm nghị khi theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden trong Phòng Tình huống, vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên từng cúi thật thấp để cậu bé da màu 5 tuổi có thể so sánh kiểu tóc của họ. Đằng sau những khung hình đó chính là các nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng.

Khoảnh khắc lịch sử

Trước nhiệm kỳ Tổng thống của ông John F. Kennedy năm 1961, Nhà Trắng chưa có vị trí nhiếp ảnh gia chính thức. Thay vào đó, các nhiếp ảnh gia quân đội đảm nhiệm việc chụp các sự kiện. Như nhà báo Kenneth T. Walsh đã viết trong cuốn sách “Người trong cuộc hàng đầu: Nhiếp ảnh gia Nhà Trắng và lịch sử hình thành của họ”, ông Kennedy nhận ra tầm quan trọng của hình ảnh và chọn Cecil Stoughton, một nhiếp ảnh gia của Binh chủng Thông tin làm người ghi lại hình ảnh cho mình.

Khi đó, thông qua tiếp xúc trực tiếp với ông Kennedy, nhà nhiếp ảnh Stoughton đã đem đến cho công chúng cái nhìn mới về cuộc sống của một vị Tổng thống đương nhiệm. Nhưng Stoughton đã tuân thủ nghiêm nguyên tắc báo cáo, vì ông chủ Nhà Trắng Kennedy có quy định trường hợp nào được chụp, mức độ hạn chế đến đâu cũng như hình ảnh nào có thể được công khai.

“Tổng thống và phu nhân ra quy định hạn chế để bảo vệ hình ảnh của họ sao cho trong mắt công chúng, họ luôn là một cặp đôi thanh lịch, duyên dáng”, nhà báo Walsh viết. Ví dụ, nếu chụp ảnh Tổng thống trong hồ bơi, giới hạn là khi nước đã ngập đến cổ, tuyệt đối không để lộ phần lưng. Tiêu chí mà nhiếp ảnh gia Stoughton hướng tới là thể hiện sự trẻ trung, quyến rũ và hạnh phúc của gia đình Tổng thống. 

“Tôi thấy vai trò của mình là người cố gắng tạo ra một kho lưu trữ các bức ảnh cho lịch sử, đó là điều số 1 trong tâm trí của tôi. Quan trọng là tôi đang thực hiện công việc cho tương lai, để kho lưu trữ này sẽ tồn tại vĩnh viễn”.

Pete Souza (nhiếp ảnh gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama)

Một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong đời nhiếp ảnh gia Stoughton là tấm ảnh diễn ra chỉ vài giờ sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy vào ngày 22-11-1963, khi Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhậm chức trên chiếc Air Force One vừa  rời bệnh viện nơi ông Kennedy được tuyên bố là đã qua đời.

Khoảnh khắc có một không hai đó nhìn qua có thể cảm nhận được: Ông Johnson giơ tay tuyên thệ, bên trái là bà Jacqueline Kennedy (dù không rõ vết máu còn vương trên trang phục của bà sau vụ ám sát) và bên phải là phu nhân Bird Johnson. Nhiếp ảnh gia Stoughton đã ghi lại được sự chuyển đổi quyền lực ôn hòa và nhanh chóng trong một khoảnh khắc bi kịch không thể quên trong lịch sử nước Mỹ.

Những chuyện ít biết về các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng ảnh 3

Nhiếp ảnh gia được Barack Obama ưu ái

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Johnson đã thay đổi quy trình chụp ảnh của Nhà Trắng bằng cách cho phép tay máy Yoichi Okamoto thoải mái hơn. Okamoto đã bắt được khoảnh khắc ông Johnson vui vẻ với chú chó cưng của mình; tham gia cuộc họp lịch sử với các nhà lãnh đạo dân quyền; hồi phục sau ca phẫu thuật… “Tôi đã luôn nhìn vào Yoichi Okamoto như hình mẫu về mức độ tiếp cận mà mình muốn đạt tới”, Pete Souza, nhiếp ảnh gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.

Souza, người trước đây làm phóng viên ảnh cho tờ Chicago Tribune, đã ghi lại hình ảnh của ông Obama từ tân Thượng nghị sĩ năm 2005 lên Tổng thống Mỹ năm 2009. Ông Obama đã được khắc họa chân dung là “một người hiểu giá trị lịch sử của chính quyền mà ông điều hành”. Và tới lượt mình, tay máy Souza đã được trao quyền tiếp cận rộng rãi, bao gồm cả miễn trừ an ninh để theo ông chủ Nhà Trắng suốt nhiệm kỳ.

Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ lưu giữ gần 2 triệu hình ảnh mà ông Souza chụp trong những năm theo Tổng thống Obama, cùng với tác phẩm của tất cả các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng chính thức trước đây. Mặc dù vậy, thư viện Tổng thống của mỗi nhà lãnh đạo cũng quản lý kho dữ liệu ảnh và không phải tất cả các hình ảnh đều được công khai.

Đáng chú ý, chính quyền Tổng thống Obama đi tiên phong trong việc sử dụng trang web và nền tảng truyền thông xã hội của riêng mình (như Flickr và Instagram) để liên tục phát hành những bức ảnh đó. Ngay trước đó, người tiền nhiệm của ông, Tổng thống George W. Bush thường chỉ phát 1-2 bức ảnh Tổng thống cho báo chí mỗi tuần, không kể các yêu cầu đặc biệt. 

Trong trong nhiều thập kỷ, quan điểm về hình ảnh nhà lãnh đạo Mỹ khi công bố trước công chúng đã thay đổi đáng kể. Ông Souza lần đầu tiên phục vụ như một nhiếp ảnh gia Nhà Trắng từ thời Tổng thống Ronald Reagan giai đoạn 1983-1989, khi đó việc xuất bản hình ảnh thận trọng hơn. “Đó là giai đoạn không có internet hay mạng xã hội. Nếu một bức ảnh sắp được phát hành, họ biết rằng nó có thể sẽ được các hãng truyền thông lớn ABC, CBS, NBC sử dụng nên phải thực sự cẩn thận. Tôi nghĩ rằng họ đã kiểm soát hình ảnh nhiều hơn một chút”, Souza nói.

Dưới thời chính quyền Obama, Souza là người cuối cùng được phép lựa chọn hình ảnh nào được công khai, miễn là chúng không có chi tiết nhạy cảm. Tuy nhiên, việc nhiếp ảnh gia riêng của Tổng thống được ưu tiên chụp dẫn đến những lời chỉ trích: Chính quyền Obama hạn chế quyền truy cập của phóng viên ảnh vào một số sự kiện. Thay vào đó, họ đã phát hành những hình ảnh của Souza trong một “thông cáo báo chí trực quan”.

Vào tháng 11-2013, Josh Earnest, Phát ngôn viên của Nhà Trắng lúc đó đã trả lời: “Chúng tôi đã tận dụng công nghệ mới để cung cấp cho công chúng Mỹ quyền truy cập nhiều hơn vào các cảnh quay hậu trường hoặc các bức ảnh Tổng thống đang làm việc”. David Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia chính thức của Tổng thống Gerald Ford bình luận trên tờ New York Times cũng cho rằng: “Mọi người đang cố gắng cân bằng với tác động của truyền thông xã hội, nhưng tôi hiểu vai trò của Souza về mặt hồ sơ lịch sử”. 

Những chuyện ít biết về các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng ảnh 4

Ảnh của Tổng thống Trump bị chê 

Thực tế hình ảnh được chụp trong các sự kiện chính thức hay mang tính chất riêng tư bên trong Nhà Trắng đều giúp khắc họa kỹ hơn chân dung của Tổng thống. Với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump thì sao? Nhiều người nhận thấy rằng, vài tháng sau khi nhậm chức, các bức ảnh của Tổng thống Trump chủ yếu là tiếp xúc với công chúng, và việc sử dụng hình ảnh của ông đã bị hạn chế hơn nhiều so với người tiền nhiệm.

So với chính quyền Obama, nhóm của ông Trump phát hành ít ảnh hơn, những bức ảnh ít thân mật hơn. Những tác phẩm của Shealah Craighead, người hiện đang giữ vai trò nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng, thường cứng nhắc và ít tính riêng tư. Craighead, trả lời phỏng vấn PBS News vào tháng 8-2017 có chia sẻ: “Chúng tôi cần phải thiết lập một mức độ tin cậy, sau đó theo thời gian việc tiếp cận sẽ thoải mái hơn”.

Tổng thống Nixon nổi tiếng về hạn chế quyền truy cập của nhiếp ảnh gia Nhà Trắng Ollie Atkins, còn Jimmy Carter là Tổng thống Mỹ duy nhất không thuê một nhiếp ảnh gia Nhà Trắng chính thức kể từ khi nhậm chức. Trong cả 2 trường hợp này, công chúng đã mất một cơ hội để hiểu rõ hơn về nhà lãnh đạo của mình ngoài những bức ảnh sáo rỗng như “bắt tay và cười”.

Còn hiện nay, chỉ khi nhiếp ảnh gia Craighead ít bị kiểm soát hơn thì công chúng mới có thể thấy những hình ảnh cận cảnh về vị nguyên thủ đầy cá tính như ông Trump. Ông Souza từng nói rằng, thời ở Nhà Trắng, hoạt động như một cái bóng của Tổng thống cho phép ông ghi lại “những khoảnh khắc nhỏ nhất” về Tổng thống Obama. “Đối với tôi, điều đó rõ ràng hơn và quan trọng hơn, đặc biệt khi bạn xem lại ảnh trong 50 hoặc 100 năm nữa, có thể thấy ngay người trong ảnh này thuộc tuýp người nào”.