Những chuyện chưa kể trong vụ khủng bố tại Mumbai 11 năm trước

ANTD.VN - Tối 26-11-2008, một nhóm khủng bố từ Pakistan đã tấn công đồng loạt các địa điểm công cộng ở Mumbai (thủ phủ thương mại của Ấn Độ) bao gồm nhà hàng, bệnh viện, nhà ga, trung tâm cộng đồng Do Thái và khách sạn Taj Mahal Palace. Ít nhất 166 người đã thiệt mạng, 300 người khác bị thương. Cho đến nay, 11 năm đã trôi qua, nhiều nhân chứng của vụ việc vẫn còn nhớ như in những ngày tháng kinh khủng đó.

Hiện trường vụ khủng bố ngày 26-11-2008 tại Mumbai

Khi những loạt đạn đầu tiên của nhóm khủng bố vang lên lúc 21h, khách sạn Taj Mahal Palace đang có một lượng lớn khách du lịch đến từ nhiều nước trên thế giới. Nghe thấy tiếng súng nổ, mọi người từ bên ngoài đã chạy vào trong khách sạn và tin rằng, nơi đây sẽ giữ an toàn cho họ. Thế nhưng các tay súng bất ngờ ập vào chiếm giữ khách sạn khiến hàng trăm người mắc kẹt lại. Họ đã bị chúng bắn, ném lựu đạn một cách vô tội vạ. Sự việc kéo dài 3 ngày, nhưng cảnh sát Mumbai đã không được trang bị đầy đủ để đối phó với cuộc tấn công quy mô lớn như vậy. Riêng tại khách sạn Taj Mahal Palace, 32 người đã bị giết. 

Câu chuyện của bếp trưởng

Bếp trưởng Hemant Oberoi, 65 tuổi, từng nghe tiếng bom nổ. Lớn lên ở Ấn Độ gần biên giới với Pakistan, ông quá hiểu về âm thanh của bom đạn. Vì vậy, khi nhận ra dấu hiệu khách sạn bị tấn công, ông ra lệnh: “Đóng cửa lại. Tắt hết đèn đi”. Khi đó, bếp trưởng bình tĩnh đến lạ. Mặc dù cánh cửa thoát hiểm 20 giây, nhưng Hemant Oberoi tự nhủ rằng, mình không thể rời đi lúc này.

Ông nói: “Bất cứ ai bước vào nhà bạn đều là khách. Vì thế, khi cuộc sống của các vị khách gặp hiểm nguy, trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo cho tất cả được an toàn. Tôi tự hào về đội ngũ nhân viên của mình. Trong số họ có 1 người bị bệnh thận và phải chạy thận 1 tuần/lần. Lúc đó tôi đã bảo anh ấy đi trốn, nhưng anh ấy từ chối và ở lại. Các đồng nghiệp của tôi có tinh thần đồng đội rất cao”.

11 năm trước, 12 địa điểm đã bị tấn công trên khắp Mumbai, bao gồm nhà hàng, bệnh viện, nhà ga, trung tâm cộng đồng Do Thái cũng như khách sạn Taj Mahal Palace. Ít nhất 166 người đã thiệt mạng trên toàn thành phố, cùng với 300 người khác bị thương. Nhân chứng có cả nghìn người thì cũng có cả nghìn câu chuyện khác nhau. Có một điểm chung là dù họ khác biệt về giai cấp, chủng tộc, sắc tộc… nhưng cuộc tấn công ở Mumbai đã không thể chia rẽ được họ mà trái lại chỉ làm cho họ mạnh mẽ hơn lên.

Tại khu bếp, bọn khủng bố đã giết 7 nhân viên cùng một số du khách. Khoảng 12 tiếng sau vụ tấn công, thấy tình hình yên ắng, bếp trưởng Hemant Oberoi và các đồng nghiệp dẫn những du khách mà họ bảo vệ thoát xuống cầu thang. Khi thấy cả nhóm đã ra được khỏi khách sạn thì ông mới quay về nhà. “Tôi sống cách đó chỉ vài phút đi bộ. Khi biết tin về vụ khủng bố, có khoảng 25-30 người thân đang chờ sẵn tôi ở nhà. Vì không thể liên lạc với vợ nên khi tôi xuất hiện, mọi người cứ tưởng là ma. Vợ tôi thở phào khi biết tôi an toàn, bà ấy đã rất sợ”.

Dù đã 11 năm trôi qua, nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, những sự kiện của đêm đó lại ùa về trong tâm trí Hemant Oberoi. Sau vụ tấn công, bếp trưởng quyết tâm chung tay khôi phục lại hoạt động của khách sạn và nhà hàng đã mở cửa chỉ 3 tuần sau đó. “Khi quay lại, chúng tôi đã rất tức giận vì vết đạn có ở khắp nơi. Chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi”. 

Hồi ức của một nữ du khách

Nhiếp ảnh gia Daniela Federici là người Australia, cô đến Ấn Độ để quay một bộ phim tài liệu. Khi cô vừa mới tới khách sạn Taj Mahal Palace cùng với người quay phim thì cuộc khủng bố bắt đầu. Đang đứng tại quầy lễ tân, Daniela bỗng nghe thấy tiếng súng nổ. “Lúc đầu tôi cứ nghĩ rằng, thật kỳ lạ khi nghe thấy pháo hoa đêm nay. Tôi rời khỏi quầy lễ tân và bắt đầu đi lên cầu thang thì có những phát súng bắn tới từ phía sau”.

Daniela chạy vào một quán bar ở tầng 2. Các tay súng đi theo cầu thang nhưng rẽ sang hướng khác để vào một nhà hàng. “Chúng tôi chạy vào phòng và hét lên: Có kẻ mang theo súng, hãy đóng cửa lại! Cửa ra vào bằng kính, chúng tôi đã cố gắng chèn đồ đạc vào đó để chặn. Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ thủ phạm chỉ có 1 tên mà thôi. Nhưng thực tế thì có trời mới biết chuyện gì đang xảy ra”. 

Vì cửa đã bị đồ đạc chặn lại, các tay súng khủng bố không thể vào được nên những người bên trong có thêm thời gian để tìm lối thoát khác. Một đám cưới đang diễn ra ở phòng bên cạnh, mọi người ở đó không hề biết về điều đang xảy ra khi các tay súng lang thang trên các hành lang bên ngoài. Nhóm của Daniela tìm đường đến một phòng tiệc ở tầng 1 và tự làm rào chắn để ngăn chặn các tay súng đột nhập theo hướng này.

“Chỉ khi đứng trước lằn ranh sinh tử, bản năng sinh tồn của bạn mới trỗi dậy. Trong phòng tiệc có khoảng 75-80 người, chúng tôi định mở cửa sổ để thoát ra nhưng không thể mở được. Chúng tôi nhận ra mình bị mắc kẹt, không lối thoát. Mọi người gọi bạn bè và gia đình, nhưng tôi bảo họ dừng lại. Đừng để tiếng chuông điện thoại reo, chúng ta không thể để bọn chúng nghe thấy tiếng và biết có nhiều người đang ở trong đó” - Daniela nhớ lại. 

Cả buổi tối, nhóm của Daniela nghe tiếng súng nổ và ai cũng cầu mong mọi chuyện sẽ ổn. Rồi bỗng nhiên một tiếng nổ vang lên, cả tòa nhà rung chuyển, chiếc đèn chùm rơi xuống giữa phòng. Giống như bếp trưởng Oberoi, Daniela nói rằng cô đã giữ bình tĩnh trong hầu hết quãng thời gian thử thách đó. Cô hài hước nói: “Tôi nghĩ có thể là do máu của người Australia trỗi dậy trong tôi”. Nhưng khi khói dày bắt đầu tràn ngập căn phòng, Daniela phải chấp nhận một thực tế là sẽ không có ai đến giúp. Cô nằm xuống sàn và nghĩ rằng mình sắp chết. “Tất cả những gì tôi nghĩ đến chỉ là không muốn con trai mình mất mẹ. Điều đó khiến tôi rất xúc động. Ngay cả đến bây giờ, khi con trai đã 14 tuổi, mỗi khi nhớ lại tình huống đó tôi vẫn cảm thấy rưng rưng”.

Đúng lúc nhóm của Daniela tưởng chừng không còn hy vọng thì những kẻ khủng bố ném 1 quả lựu đạn vào. Nhưng hóa ra, với những người bị mắc kẹt bên trong phòng tiệc, đó lại là nguồn sống. “Vụ nổ đã khiến một cửa sổ không chịu nổi sức ép và bật tung ra. Chúng tôi nhanh chóng kéo rèm cửa xuống, buộc chúng lại với nhau làm thang dây để đưa mọi người ra ngoài”. Sau đó, khi đi qua đường phố Mumbai, Daniela chứng kiến hậu quả khủng khiếp của vụ khủng bố. “Xung quanh dường như không có một ai. Tất cả vắng tanh, lặng ngắt. Nó giống như ngày tận thế”.

Khách sạn Taj Mahal Palace - nơi xảy ra vụ khủng bố

Âm mưu từ bên kia biên giới

Tay súng duy nhất sống sót sau vụ khủng bố là Mohammed Ajmal Kasab. Năm 2012 hắn đã bị xử treo cổ vì một số tội danh như: gây chiến chống lại Nhà nước Ấn Độ, giết người, khủng bố. Nhưng nhiều người cho rằng, điều quan trọng là làm sao hiểu được lý do bọn khủng bố làm việc này, điều gì thúc đẩy chúng hay chúng được tuyển dụng và huấn luyện như thế nào? 

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng Ấn Độ làm rõ rằng, đội quân khủng bố được tuyển lựa khá khắt khe. Ban đầu có hơn 100 tên được đưa vào các trại huấn huyện, dần dần đến cuối cùng chỉ còn trụ lại 10 đối tượng. Những tên này được chọn không chỉ vì có tài bắn súng hay chạy nhanh, mà còn vì biết tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh và giữ vững tinh thần. Tình báo Ấn Độ còn chặn được nội dung nhiều cuộc điện thoại của các tay súng và những kẻ chỉ huy ở Pakistan. Trong phiên xử tên khủng bố duy nhất còn sống sót, nội dung các cuộc gọi đó đã được công khai.

“Thực tế là nhà chức trách đã không huy động lực lượng tới hiện trường kịp thời. Tôi nghĩ rằng, nếu họ đến sớm hơn thì sẽ có nhiều người còn sống hơn. Và những kẻ tấn công, đó là những cậu bé được huấn luyện để giết người, tuy rằng một số trong đó đã không muốn làm việc này. Tôi nghĩ, họ cũng là nạn nhân. Tôi không trách họ, mà trách những kẻ đứng đằng sau vụ việc, những kẻ đã đẩy tất cả vào vụ tàn sát” - nhiếp ảnh gia Daniela Federici nhận định.