Những chủ đề sẽ "nóng" trên bàn nghị sự Thượng đỉnh G7

ANTD.VN - Các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 đang hoàn tất chuẩn bị nội dung cho cuộc gặp Thượng đỉnh thường niên của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới này tại Canada vào đầu tháng 6 tới.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 đang họp tại Toronto nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào đầu tháng 6 tới

Để lên chương trình nghị sự cho cuộc gặp Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra trong đầu tháng 6 tới tại thành phố Quebec của Canada, nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới tổ chức hàng loạt hội nghị cấp bộ trưởng về kinh tế, tài chính, an ninh… Song quan trọng nhất vẫn là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh với tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh các thành viên G7 diễn ra tại thành phố Toronto của Canada từ 22 đến 24-4 này.

Do đó, các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 dành trọn tới 3 ngày để thảo luận hàng loạt vấn đề an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống nóng bỏng trên thế giới hiện nay. Đó là cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ với Nga, vấn đề Trung Quốc và an ninh hàng hải ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, các điểm nóng tại Trung Đông cũng như vấn đề hạt nhân của Iran, cải cách Liên hợp quốc, các thách thức an ninh nội địa, an ninh mạng và ngăn chặn khủng bố bằng Internet…

Nhìn vào chủ đề mà các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 đang thảo luận nhằm đề xuất giải pháp hay cách thức ứng phó để các nhà lãnh đạo G7 quyết định vào đầu tháng 6 tới, có thể thấy đều là những “thực đơn khó nhằn”. Trong đó, khó khăn nhất, theo giới quan sát, là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cho dù Triều Tiên vừa bất ngờ tuyên bố sẽ tạm ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân, điều mà các thành viên G7 như Mỹ và Nhật Bản quan tâm bậc nhất bởi liên quan trực tiếp, song hiện chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho tuyên bố này, kể cả việc Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Liệu Triều Tiên sẽ thực sự từ bỏ mục tiêu theo đuổi hàng chục năm nay nhằm trở thành quốc gia hạt nhân bất chấp mọi sức ép quốc tế, bao gồm cả các lệnh trừng phạt hà khắc để đổi lấy lợi ích kinh tế cũng như hòa nhập vào đời sống quốc tế hay không là điều mà không ai có thể đoán định được.

Đây cũng là vấn đề hiện đang có sự chia rẽ lớn giữa các thành viên G7. Trong khi Đại sứ Mỹ tại Canada Kelly Craft ngày 22-4 tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “đảm nhận trách nhiệm chính” thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân thì một đại biểu của đoàn Đức lại hoài nghi khi cho biết, hầu hết các nước G7 đều tỏ ra nghi ngờ tuyên bố gần đây của Triều Tiên về việc ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Tương tự, các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 cũng không dễ tìm tiếng nói chung trong việc xử lý quan hệ với Nga và giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm qua. Một số thành viên như Anh, Mỹ… muốn gia tăng sức ép với Nga, coi đó như là giải pháp hữu hiệu nhất với Nga lúc này thì các nước Đức, Italia… lại muốn coi trọng đối thoại với Matcơva hơn là các biện pháp trừng phạt.

Các thành viên G7 cũng chưa thể tìm tiếng nói chung trong giải quyết các điểm nóng xung đột ở Trung Đông, nhất là tại Syria, thể hiện trong cuộc không kích mới đây. Bất đồng đáng lo ngại nhất trong nội bộ G7 về “hồ sơ” Trung Đông là quan điểm “xét lại” thỏa thuận hạt nhân với Iran của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang khiến các thành viên còn lại của nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất cùng phản đối.

Đưa “thực đơn” là các “món ăn” an ninh nóng bỏng trên thế giới, song lại khó tìm tiếng nói chung trong cách thức “chế biến” sẽ khiến G7 giảm thiểu sức mạnh hành động trong các vấn đề an ninh quốc tế mà dù có quyết tâm đoàn kết thì họ cũng khó mà giải quyết hay ứng phó được.