Những "chiến binh" trên tuyến đầu chống virus Corona ở Trung Quốc

ANTD.VN - Hiện tại, khi cả Trung Quốc đang gồng mình chiến đấu chống dịch virus Corona, hệ thống quản lý cộng đồng dân cư đang đóng một vai trò quan trọng và thiết yếu. Hàng ngày, lực lượng này đảm nhiệm rất nhiều phần việc như xác định các cư dân bị nghi ngờ nhiễm bệnh, tuyên truyền và giúp mọi người ngăn ngừa lây nhiễm, phân phát tài liệu y tế, nhu yếu phẩm hàng ngày và duy trì trật tự công cộng…

Những "chiến binh" trên tuyến đầu chống virus Corona ở Trung Quốc ảnh 1Cán bộ quản lý dân cư là lực lượng đắc lực trong công tác phòng chống dịch ở Trung Quốc, từ đo thân nhiệt, thu thập thông tin, khử trùng khu vực công cộng cho đến đi mua sắm hộ các gia đình…

Trước khi dịch do virus Corona mới bùng phát ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, công việc hàng ngày của cán bộ cộng đồng Liu Juan chủ yếu xoay quanh việc bảo trì nhà cũ và giải quyết tranh chấp giữa các cư dân, nhưng giờ đây, cô đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm.

Không lo thì ai lo cho người già trong khu phố?

Liu Juan, Phó Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng dân cư Weiqun cho biết: “Dịch bùng phát khiến chúng tôi lao đao, không kịp chuẩn bị. Trước đây, chúng tôi đã không được đào tạo về sức khỏe cộng đồng và ban đầu lúng túng không biết phải làm gì”.

Vụ dịch đã gây ra hơn 8.300 trường hợp nhiễm virus ở Vũ Hán. Tính đến ngày 5-2, trong cộng đồng Weiqun, nơi có dân số hơn 5.800 người, 4 người đã chết vì viêm phổi, 23 cư dân khác có các triệu chứng như sốt và 3 người đã được chuyển đến một khu vực cách ly gần đó.

Tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus ở Vũ Hán nên được chuyển đến các địa điểm được chỉ định, như bệnh viện hoặc khách sạn để cách ly thay vì tự cách ly tại nhà, chính quyền thành phố Vũ Hán cho biết trong một thông báo được đưa ra vào cuối tuần qua. Những người có triệu chứng nghiêm trọng hơn phải nhập viện để điều trị, những biện pháp này sẽ giúp giảm lây truyền virus.

Mặc dù, giờ làm việc chính thức của 9 người trong Ủy ban dân cư bắt đầu lúc 8h sáng, Liu thường đến sớm hơn 1 tiếng. Cô phải mặc một chiếc áo choàng cách ly để đưa bữa sáng cho một số người bị nghi ngờ nhiễm bệnh. Giữ liên lạc với tất cả các trường hợp nghi ngờ là một phần công việc hàng ngày của cán bộ Liu Juan kể từ cuối tháng 1 năm nay. “Tôi luôn gọi hỏi họ về việc bị ho hay cảm thấy mệt mỏi hay không và yêu cầu họ đo thân nhiệt. Trong nhiều trường hợp, tôi phải an ủi họ hoặc thành viên gia đình của họ”.

Mặc dù thừa nhận đôi khi lo lắng về khả năng lây nhiễm, người phụ nữ này khẳng định không sợ công việc của mình. “Tôi luôn tự nhủ mình không thể sợ. Chúng tôi chỉ hơn 40 tuổi và nếu sợ, ai sẽ chăm sóc những người lớn tuổi trong khu phố?”, cán bộ khu dân cư này nói.

Những "chiến binh" trên tuyến đầu chống virus Corona ở Trung Quốc ảnh 2

Cán bộ dân cư - lực lượng “chiến đấu” hàng đầu

Tiểu khu Daning Road rộng 6,24km2 có 93.100 cư dân, trong đó 23.400 người không phải dân bản địa của Thượng Hải. Chợ, trung tâm thương mại, nhà ga và gần 3.000 doanh nghiệp được đặt tại đây. Chính hệ thống quản lý cộng đồng dân cư đã hỗ trợ các cơ quan chính quyền địa phương trong việc phổ biến hướng dẫn, chính sách và quy định tới mọi cư dân trong khu vực. Thượng Hải quy định cư dân đăng ký với cộng đồng khu phố địa phương để mua khẩu trang y tế từ ngày 2-2. Với sự trợ giúp của cán bộ khu dân cư, tiểu khu Daning Road đã nhanhh chóng thu thập thông tin đăng ký trên tất cả 24 cộng đồng lân cận của mình.

Tại Fengcheng, một thị xã trực thuộc Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, kể từ ngày 26-1, mùng 2 Tết, tất cả các công chức đã làm việc suốt ngày đêm, đặc biệt là với những cán bộ làng xã, khu dân cư và cơ quan chính quyền cấp thị xã. Công việc hàng ngày của họ bao gồm phân phát tài liệu liên quan đến chống dịch tới mọi hộ gia đình, giải thích nếu có tin đồn về dịch bệnh, trực tại trạm kiểm soát để đo thân nhiệt người qua đường, thu thập thông tin kịp thời những người đã trở về từ tỉnh Hồ Bắc… Đến nay, Fengcheng chưa có trường hợp nào nhiễm virus Corona mới nhưng mọi người vẫn cảnh giác cao độ.

Một nhân viên cộng đồng họ Trương ở Bắc Kinh nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng bà đã trở lại làm việc vào đêm Giao thừa và không nghỉ ngày nào kể từ đó. Bà Trương và các đồng nghiệp đầu tiên được giao nhiệm vụ liên lạc với những người gần đây đã trở về từ Vũ Hán hoặc có liên hệ chặt chẽ với những người như vậy. Chỉ trong vài ngày, họ đã gọi điện thoại đến khoảng 600 gia đình để thu thập thông tin.

Bắt đầu từ 31-1, các nhân viên cộng đồng niêm phong lối vào cộng đồng dân cư, rà soát thân nhiệt từng người đi qua và ghi lại người đến, người đi. Đôi khi có những người không sẵn sàng hợp tác và nhân viên cộng đồng đã phải đưa ra những lời giải thích. “Công việc này rất mệt mỏi, cả về thể chất và tinh thần, đặc biệt là trong gió lạnh. Nhưng tôi chịu trách nhiệm về khu vực của mình và tôi không thể để mọi người tiếp xúc với mối đe dọa virus”, bà Trương nói.

Chống dịch thời công nghệ 

Có thể nói, hệ thống quản lý cộng đồng dân cư trở nên đặc biệt quan trọng ở Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi phát và tình hình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng nhất so với cả nước.

Chính quyền địa phương đứng ra tổ chức các đội tình nguyện lớn làm việc trên các nền tảng kỹ thuật số trực tuyến để xác định người nhiễm bệnh và tiến hành kiểm dịch ngay lập tức kể từ ngày 25-1.

Trước đây, khi mọi người báo sốt, họ sẽ đến bệnh viện bằng ô tô hoặc phương tiện giao thông công cộng. Hiện giờ, chính quyền đã cấm xe tư nhân và cắt đứt kết nối giữa các cá nhân và bệnh viện để giảm nguy cơ lây truyền chéo, nhưng khó khăn này đã được khắc phục bằng một cơ chế an toàn và hiệu quả hơn.

Theo đó, khi mọi người phát hiện ra rằng họ có các triệu chứng sốt, họ có thể ở nhà và báo lên một ứng dụng điện thoại di động có tên “Hàng xóm trực tuyến ở Vũ Hán” do chính quyền phổ biến, sau đó ứng dụng sẽ cung cấp một chẩn đoán trực tuyến ngay lập tức.

Khi ứng dụng cho thấy dấu hiệu nghi ngờ người nhiễm bệnh, các tình nguyện viên gần nhất sẽ nhận được hướng dẫn và thông tin liên quan, sau đó họ sẽ sắp xếp phương tiện vận chuyển để đưa bệnh nhân đến bệnh viện tiếp tục xét nghiệm, điều trị hoặc cách ly.

Tiếp theo, ứng dụng “Người hàng xóm trực tuyến ở Vũ Hán” đó còn cập nhật thông tin về tình hình của bệnh nhân, thông báo cho những người sống trong cùng cộng đồng về các trường hợp nghi ngờ. Các tình nguyện viên sẽ sắp xếp nhân viên chuyên nghiệp tiến hành công việc khử trùng tại nơi cư trú của bệnh nhân bị nhiễm virus và cũng cách ly những người liên hệ gần nhất.

Hệ thống cộng đồng dân cư ở Trung Quốc được khởi xướng năm 2013 nhằm xây dựng một nền tảng tốt hơn, hiệu quả hơn và hiện đại hơn về mặt quản lý và dịch vụ xã hội. 

“Ở yên trong nhà là thể hiện trách nhiệm chống dịch”

Ngày càng nhiều cộng đồng dân cư trên khắp Trung Quốc thực hiện quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để hạn chế sự lây lan của virus Corona mới. “Thời điểm đặc biệt đòi hỏi một cơ chế ứng phó đặc biệt. Ở nhà là trách nhiệm của mọi người để chống lại virus Corona”, một người mang họ Quốc ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam cho biết.

Đầu tuần này, chính quyền Trú Mã Điếm ở tỉnh Hà Nam, láng giềng của Vũ Hán đã ban hành biện pháp “mạnh tay nhất” để ngăn cư dân ra ngoài một cách ngẫu nhiên: Cứ 5 ngày 1 lần, mỗi hộ gia đình được phép cử 1 người ra ngoài để mua nhu yếu phẩm. Hà Nam hiện có gần 800 người mắc virus. Trước đó, cư dân các thành phố Hàng Châu, Nam Kinh, Ôn Châu, Phúc Châu và Cáp Nhĩ Tân được phổ biến quy định mỗi nhà chỉ có 1 người được ra ngoài mua hàng 2 ngày một lần. Cư dân ra vào phải xuất trình thẻ căn cước và đo thân nhiệt. Nhiều nơi cũng cấp thẻ đi lại, thậm chí còn in phiếu giảm giá cho cư dân để hỗ trợ người dân mua thực phẩm và khẩu trang.