Những “cái nhất” nguy hiểm ở Trung Quốc

ANTĐ - Viện Gallup, cơ quan thăm dò dư luận nổi tiếng của Mỹ mới đây đã công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy năm 2014, Trung Quốc đã trở thành “kẻ thù số một” trong con mắt của người dân Mỹ.

20 triệu cây tre, gỗ bị đốn hạ mỗi năm để làm ra 80 tỷ đôi đũa dùng 1 lần

Những “cái nhất” nguy hiểm ở Trung Quốc ảnh 1

Trung Quốc hiện là nước sản xuất đũa dùng 1 lần lớn nhất trên thế giới, với tổng cộng hơn 300 nhà máy và khoảng 60.000 nhân công. Theo ước tính, mỗi năm, người dân Trung Quốc sử dụng tới 45 triệu đôi đũa dùng 1 lần, tương đương với 1,7 triệu m3 ván cây, tương đương với 25 triệu cây to. Nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng ván gỗ với mức độ hiện nay, diện tích rừng còn lại của nước này sẽ biến mất trong vòng khoảng 10 năm nữa.

Nguy hiểm trước mắt là đũa dùng một lần ẩn chứa nhiều nguy cơ về sức khỏe, ảnh hưởng tới chức năng hô hấp, hệ tiêu hóa và dễ bị nhiễm khuẩn. Loại đũa sản xuất từ Trung Quốc này phần lớn sử dụng các chất độc hại, bị cấm sử dụng như: Sulphur, Hydrogen peroxide, Sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc. Mới đây, một nhà máy sản xuất đũa ở tỉnh Chiết Giang đã bị phát hiện khi đang luộc sôi đũa trong một bồn ngâm hóa chất hydro peroxit dùng trong công nghiệp, sau đó đánh bóng đũa bằng sáp paraffin. Sau khi được đóng gói qua loa, số đũa này được phân phối trong các khu chợ tại Thượng Hải trước được đưa lên bàn ăn trong các nhà hàng.

Tiêu thụ lượng thịt lợn khổng lồ và nỗi lo “thịt bẩn”

Những “cái nhất” nguy hiểm ở Trung Quốc ảnh 2

Lượng thịt lợn mà người Trung Quốc ăn hàng năm nặng bằng 5.200 tháp Eiffel (nặng 10.000 tấn) cộng lại. Năm 2012 tiêu thụ 52 triệu tấn thịt lợn. Bởi vậy, không có gì là ngạc nhiên khi có 475 triệu con lợn, tương đương một nửa số đầu lợn của thế giới, tập trung ở nước này.

Nhưng hiện nay, người dân Trung Quốc đang vô cùng hoang mang, lo sợ khi tình trạng lạm dụng thuốc trong thức ăn gia súc để tăng hiệu quả kinh tế đã đến mức báo động. Clenbuterol, thường được người dân Trung Quốc quen gọi là “bột thịt nạc”, có thể làm tăng việc đốt cháy mỡ và phát triển cơ, giúp thịt nhiều nạc hơn. Chất này có thể uống để giảm cân hoặc như một chất doping trong giới vận động viên. Tuy nhiên, nếu quá liều có thể gây bệnh, thậm chí tử vong. Chất này thường lưu lại nhiều ở các nội tạng như gan, phổi.

Clenbuterol bị cấm ở Trung Quốc vì nó có thể khiến những người ăn phải thịt tiêm chất này bị hoa mắt, chóng mặt và tim đập nhanh.

Đến người Trung Quốc cũng sợ hàng... nội địa

Chị Liu, năm nay 31 tuổi, là một trong rất nhiều bậc phụ huynh thuộc thế hệ trẻ tại các thành phố lớn ở Trung Quốc (như Bắc Kinh và Thượng Hải) chỉ dùng hàng ngoại nhập thay vì dùng hàng trong nước sản xuất. Bởi họ nhận thấy: hàng ngoại tốt và an toàn hơn. Tại trang web Taobao.com, trang mua bán trực tuyến nổi tiếng Trung Quốc, sản phẩm “xách tay” luôn trong tình trạng cháy hàng. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc chỉ ra rằng, giá trị các thỏa thuận “dai gou” - mua thay mặt cho người khác hay mua hộ năm 2013 đạt 7.670 triệu NDT , tăng 58,8% so với năm 2012. Sản phẩm dành cho trẻ em là một trong những hạng mục chính của hàng hóa mua qua kênh “dai gou”. Bên cạnh các trang web trong nước, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đặt hàng trực tiếp qua các trang web nước ngoài, có chất lượng tốt hơn mà giá cả đôi khi còn thấp hơn.

Tỷ lệ tự tử cao gấp đôi của Mỹ

Những “cái nhất” nguy hiểm ở Trung Quốc ảnh 3

Tỷ lệ tự tử của Trung Quốc vào khoảng 22,2/100.000 người, so với 10,3/100.000 người của Mỹ. Theo số liệu thống kê đăng tải trên website của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Trung Quốc (CDC), 75% số ca tự tử diễn ra ở các vùng nông thôn, nhiều hơn gấp ba lần con số này ở các thành phố.

Một cuộc khảo sát do CDC và Bệnh viện Huilongguan có trụ sở ở Bắc Kinh phối hợp thực hiện cho thấy tự tử là nguyên nhân thứ năm của các vụ chết người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chết chóc ở những người thuộc lứa tuổi từ 15 đến 34 tại Trung Quốc. Theo dữ liệu từ CDC, trong 50 năm qua, tỷ lệ tự tử ở nước này tăng đến 60%. Trung bình, mỗi năm có đến 287.000 người tự sát.

Những ý kiến tiêu cực về Trung Quốc

Viện Gallup, cơ quan thăm dò dư luận nổi tiếng của Mỹ mới đây đã công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy năm 2014, Trung Quốc đã trở thành “kẻ thù số một” trong con mắt của người dân Mỹ.

Liên tiếp những hành động leo thang ngang ngược, nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông; sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng với những loại tên lửa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ, cho đến sự bành trướng của các tập đoàn kinh tế Trung Quốc khắp thế giới, kể cả nước Mỹ đã khiến không chỉ giới chức Mỹ quan ngại, mà người dân nước này cũng rất lo lắng.

Thực tế, không riêng gì nước Mỹ đang lo lắng về việc Trung Quốc trở thành mối nguy hiểm to lớn nhất mà còn nhiều quốc gia khác, từ cường quốc cho đến tiểu quốc đều chung mối quan tâm này. Cuộc thăm dò chung mới đây do tổ chức Genron Nhật Bản tiến hành đã cho thấy 93% công dân Nhật có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc. Kết quả của cuộc khảo sát toàn cầu do tổ chức Pew Research Center (Philippines) công bố ngày 18-7-2013 cho biết, 39% dân số của Philippines không ưa Trung Quốc, 35% ở thế trung lập và chỉ có 22% cho rằng Trung Quốc là đối tác.