Nhức nhối nạn rửa tiền tại Hồng Kông

ANTĐ - Các chuyên gia ước tính hàng chục tỷ đô la được “rửa” ở Hồng Kông (Trung Quốc) mỗi năm, trong đó phần lớn là tiền liên quan đến giới buôn bán ma túy và tội phạm từ Trung Quốc đại lục hoặc “thiên đường” cờ bạc Macau. 

Hồng Kông thu hút số lượng lớn tội phạm rửa tiền đến từ Trung Quốc đại lục

“Rửa” 50 triệu đô la mỗi ngày

Luo Juncheng, đến từ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, bỏ học sớm và làm nhân viên giao hàng. Vào giữa năm 2009, khi đó mới 19 tuổi, Luo mở tài khoản tại ở Hồng Kông. Nhưng chỉ trong vòng 8 tháng sau đó, Luo đã chuyển hơn 13 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 1,7 tỷ USD) thông qua tài khoản trên và thực hiện hơn 3.500 lượt giao dịch rút tiền từ tài khoản. Những phi vụ đáng ngờ của Luo sau đó bị nhà chức trách đặc khu hành chính này phát hiện. Các công tố viên cáo buộc Luo đã “rửa” khoảng 50 triệu đô la Hồng Kông mỗi ngày trong thời gian từ tháng 8-2009 đến tháng 4-2010.

Theo lời khai của Luo, anh ta làm nhân viên giao hàng cho các nhà máy tại thành phố Thâm Quyến cho đến khi bỏ việc để ở nhà chăm sóc mẹ đau ốm. Sau khi mẹ qua đời, Luo được một người bạn của gia đình mà anh ta hay gọi là chú Pang, đưa tới Hồng Kông thành lập công ty và mở tài khoản ngân hàng. Khi bị đưa ra xét xử, Luo nói rằng anh ta chỉ đứng tên mở tài khoản chứ không hề hay biết về các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp thông qua tài khoản trên. Mặc dù bằng chứng tại tòa cho thấy, Luo không hành động một mình, nhưng chỉ có Luo bị bắt giữ và đưa ra xét xử. Hiện anh ta đang phải thụ án 10 năm rưỡi tù giam vì liên quan đến vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông. 

Không chỉ Luo Juncheng, một người khác tên là Lam  Mei-Ling, 61 tuổi, cũng bị kết án 10 năm tù giam vì tham gia một vụ rửa tiền khác. Tại tòa, bà Lam nói rằng, bà chuyển tiền cho một phụ nữ đồng hương không rõ danh tính đến từ thành phố Đông Quan, miền Nam Trung Quốc. Các công tố viên cáo buộc bà Lam đã “rửa” hơn 6,8 triệu đô la Hồng Kông thông qua tài khoản tại 9 ngân hàng trong khoảng thời gian từ 2002-2005, trung bình mỗi ngày bà này thực hiện khoảng 30 giao dịch. Nhờ vai trò này, bà Lam nhận được số tiền là 4.500 đô la hàng tháng. 

“Cả Luo Juncheng và Lam Mei-Ling chỉ là những bánh xe trong cỗ máy rửa tiền khổng lồ. Việc truy tố thành công hai người này cũng giống như “giết gà dọa khỉ”, Steve Vickers, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn và giảm thiểu rủi ro Steve Vickers & Associates nhận định. 

Phần lớn từ buôn bán ma túy và cờ bạc

Hồng Kông nổi tiếng là trung tâm chuyển tiền, cả bất hợp pháp và hợp pháp, hoạt động giao dịch được thực hiện bởi người Trung Quốc giàu có. Các chuyên gia ước tính hàng chục tỷ đô la được “rửa” ở Hồng Kông mỗi năm, trong đó phần lớn là tiền liên quan đến giới buôn bán ma túy và tội phạm từ Trung Quốc đại lục hoặc thiên đường cờ bạc Macau. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông, số vụ chuyển tiền đáng ngờ mà các cơ quan thi hành pháp luật nắm được đã tăng lên 29% trong nửa đầu năm 2012. Cảnh sát cho biết số tiền do lừa đảo hoặc gian lận ở nước ngoài gửi vào các tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông có xu hướng tăng lên và sau đó được chuyển cho bên thứ ba hoặc lĩnh tiền mặt. Như trường hợp một người đàn ông châu Phi sử dụng nhiều hộ chiếu và tên khác nhau đã bị bắt giữ tại một cửa hàng trang sức do bị tình nghi dùng thẻ tín dụng giả. Đối tượng này sau đó bị kết án 38 tháng tù giam vì “rửa” 10 triệu đô la Hồng Kông thông qua 4 tài khoản ngân hàng. 

Dữ liệu về số lượng tiền được “rửa” tại Hồng Kông mỗi năm là khá hiếm, nhưng Tổ chức Minh bạch tài chính toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ) ước tính khoảng 2,83 nghìn tỷ USD được chuyển bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2011, trong đó Hồng Kông là nơi nhận nhiều nhất. Theo tổ chức này, trong năm 2011, tổng số tiền được chuyển bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc là 602,9 tỷ USD, trong đó 60 tỷ USD là tiền mặt. Ngoài tiền mặt, các quỹ này cũng rửa tiền thông qua việc nhờ các thành viên trong gia đình hay người quen biết đứng tên như trường hợp của Luo Juncheng và Lam Mei-Ling, khiến các cơ quan thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra. 

Chỉ có những “con cá nhỏ”

Bọn tội phạm có thể thực hiện hoạt động rửa tiền thông qua việc chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để hợp pháp hóa số tiền “bẩn”, tuy nhiên, hành vi này dễ dàng bị theo dõi. Vì vậy, chúng thường sử dụng thứ tiền đã được “rửa” để mua tài sản như bất động sản, ô tô hoặc các vật dụng xa xỉ khác. Theo luật chống rửa tiền được thông qua cách đây 1 năm, các ngân hàng và nhân viên ngân hàng làm ngơ hoặc hỗ trợ hoạt động rửa tiền có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể là 1 triệu đô la tiền phạt và 7 năm tù giam. 

Thế nhưng, trên thực tế, chính quyền Hồng Kông chú trọng việc chống cá nhân tham gia rửa tiền hơn là các tổ chức tài chính. Cho đến nay, chỉ có những “con cá nhỏ” như Luo Juncheng và Lam Mei-Ling - những người thuộc tầng thấp nhất trong chuỗi rửa tiền - là bị kết án, và không có ngân hàng nào bị trừng phạt.