Nhức nhối nạn di cư

ANTĐ - Nạn di cư lại vừa trỗi dậy trở thành vấn đề nhức nhối trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Địa Trung Hải và Đông Nam Á – nơi đang bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt mới.

Nhức nhối nạn di cư ảnh 1Người di cư kiệt sức được cứu trên một con thuyền ọp ẹp gần tỉnh Aceh của Indonesia ngày 20-5

Trong thông cáo ngày 3-6, Bộ Ngoại giao của Ecuador - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) - đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng nhân đạo khẩn cấp của hàng nghìn người di cư đang lênh đênh trên biển tại Đông Nam Á và Địa Trung Hải. Tổ chức tập hợp của 33 quốc gia Mỹ Latinh này đồng thời  kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trên.

Trong tuyên bố bày tỏ quan điểm về vấn đề đang nóng bỏng trên thế giới hiện nay, CELAC đã lên án mạnh mẽ mọi hình thức buôn người hay tội phạm hóa người nhập cư. Tổ chức này cũng nhấn mạnh việc cần thiết sử dụng các cơ chế quốc tế, nhất là qua hệ thống của LHQ, trong việc cứu trợ người di cư, đặc biệt là những người đang gặp nguy hiểm tính mạng trong quá trình rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” đi tìm “miền đất hứa”.

Việc một tổ chức khu vực như  CELAC lên tiếng về vấn đề người di cư cho thấy sự cấp bách phải giải quyết  thực trạng đang ngày càng trở lên nhức nhối khi có hàng nghìn người đang phải đối mặt với sự nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình di cư, đặc biệt là tại hai “điểm nóng” di cư trên thế giới hiện nay là Địa Trung Hải và Đông Nam Á.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay đã có tới hơn 40.400 người di cư bằng đường biển trên Địa Trung Hải, trong đó rất nhiều người trốn chạy khỏi xung đột và đói nghèo tại các nước như Syria, Iraq... Do phải vượt biển đầy mạo hiểm trên những con thuyền ọp ẹp tới châu Âu nên đã có khoảng 1.770 người phải bỏ mạng trên Địa Trung Hải, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính trong vòng 18 tháng qua, số người di cư bỏ mạng trên biển đã vượt con số 5.000 người.

Trong khi đó, các quốc gia châu Á cũng đang phải vật lộn tìm cách giải quyết tình trạng người di cư lênh đênh trên các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Chỉ vài tuần qua, ước tính ít nhất 3.000 người mà phần lớn những người di cư này thuộc tộc người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar và những người Bangladesh muốn thoát khỏi nghèo đói đã dạt vào bờ hoặc được ngư dân giải cứu trên khu vực biển Đông Nam Á.

Căn nguyên của sự bùng phát làn sóng di cư hiện nay trên biển Địa Trung Hải cũng như Đông Nam Á là do tình trạng xung đột, nghèo đói đã biến người dân thành nạn nhân của bọn tội phạm buôn bán người. Tuy nhiên, giải quyết căn nguyên này đòi hỏi những giải pháp lâu dài của mỗi quốc gia cũng như cả cộng đồng quốc tế, vấn đề cấp bách hiện nay là đảm bảo các quyền của người di cư, đặc biệt là cứu mạng sống của họ.

Chính vì thế, CELAC cũng ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước xuất phát, trung chuyển và tiếp nhận trong việc quản lý dòng người di cư một cách trật tự, có tổ chức và an toàn. Tổ chức này cũng nhấn mạnh việc cần thiết sử dụng các cơ chế quốc tế, nhất là qua hệ thống của LHQ, trong việc cứu trợ người di cư, đặc biệt là những người đang gặp nguy hiểm tính mạng.