Nhóm bác sĩ nhập cư cứu sống cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan 37 năm trước

ANTD.VN - 37 năm trước, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bất ngờ trúng đạn. Người ta tin rằng, ông được cứu sống nhờ đội ngũ chuyên gia tại Bệnh viện Đại học George Washington. Nhưng đến bây giờ vẫn không nhiều người biết rằng nhóm bác sĩ gây mê trong ca phẫu thuật hôm ấy đều là những người nhập cư.

Nhóm bác sĩ nhập cư cứu sống cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan 37 năm trước ảnh 1Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bắt tay bác sĩ gây mê George Morales cùng đội ngũ các bác sĩ đã cứu sống mình năm 1981

Đó là ngày 30-3-1981. Khoảng 2h30 chiều, Tổng thống Ronald Reagan vừa rời khách sạn Hilton và giơ tay vẫy đám đông thì loạt tiếng súng vang lên. Cùng với Tổng thống, 3 người khác bị trúng loạt đạn này có Thư ký Báo chí Nhà Trắng James Brady, người bị liệt bên trái sau vụ nổ súng, một nhân viên mật vụ và một Cảnh sát quận Columbia. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Alexander Haig thông báo, tình hình đã được kiểm soát. Cảnh sát cũng đã bắt ngay thủ phạm John W. Hinckley Jr (25 tuổi) - kẻ tâm thần không ổn định. Hắn bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải sát hại một chính trị gia thì mới nổi tiếng và gây ấn tượng với nữ diễn viên thần tượng của hắn - Jodie Foster.

Ban đầu Tổng thống Ronald Reagan không nhận ra ông đã trúng đạn vào ngực trái. Được các nhân viên mật vụ hộ tống vào chiếc Limousine, ông sau đó bị ngất vì hạ huyết áp. Lực lượng an ninh vội đưa ông đến Bệnh viện Đại học George  Washington. Nhân viên mật vụ nhanh chóng triển khai phương án bảo vệ khu vực phòng cấp cứu. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, Tổng thống bị mất máu khá nhiều do viên đạn cỡ nòng 22 ly xuyên vào nách trái, chạm vào xương sườn thứ bảy, sượt nhẹ qua tim và gây nên vết thương ở phổi trái. Ê-kíp phẫu thuật nhanh chóng được thành lập nhưng trước tiên, số phận Tổng thống được đặt vào tay 3 bác sĩ gây mê là người nhập cư. Theo Washington Post, nhóm này gồm 3 người: ông George Morales đến từ Mexico (đã qua đời năm 2003); ông May Chin, sinh ở Malaysia còn ông Manfred Lichtmann, gốc Đức từ nhỏ đã phải đi tị nạn. 

Tờ New York Times cho biết, Tổng thống Reagan đã nằm trong phòng mổ 3 tiếng đồng hồ, sau đó các bác sĩ công bố ông không gặp nguy hiểm đến tính mạng. Trong phòng cấp cứu, Tổng thống Reagan khi đó vẫn hài hước: “Tôi hy vọng các vị đều là thành viên Đảng Cộng hòa”. Sau 2 tuần ở bệnh viện, ông Reagan trở về Nhà Trắng để tiếp tục nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sau đó tái trúng cử năm 1984 và sống thêm 23 năm nữa trước khi qua đời vì bệnh viêm phổi và bệnh Alzheimer vào ngày 5-6-2004. 

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngay sau vụ ám sát, ông Joseph Giordano, nguyên Giáo sư và Trưởng khoa Phẫu thuật của bệnh viện có nói rằng: “Chúng tôi không còn có thời gian để mà lo lắng”. Còn ông Manfred Lichtmann, 1 trong 3 bác sĩ gây mê đến giờ nhớ lại: “Chúng tôi đã nói đùa rằng nếu ca phẫu thuật cho “bệnh nhân Tổng thống” không thành công, chúng tôi có thể bị trục xuất. Chúng tôi tự hào là những người nhập cư và tự hào là người Mỹ”.

 Trong khi nước Mỹ đang thực hiện chính sách hạn chế người nhập cư bởi nhà chức trách cho rằng không thể nhận thêm những người nghèo khổ, không có tay nghề hay đến từ những quốc gia nằm trong “danh sách đen”, ông Manfred Lichtmann vẫn muốn nhiều người biết đến câu chuyện của mình hơn - về một bác sĩ đến từ Mexico đã góp phần cứu sống Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. 

Tổng thống Ronald Reagan được nhân viên mật vụ hộ tống vào xe Limousine sau khi bị bắn bên ngoài khách sạn Hilton ở Washington ngày 30-3-1981.