Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp mạnh để ngăn ngừa Covid-19

ANTD.VN - Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu đẩy mạnh các biện pháp ứng ứng phó dịch bệnh Covid-19 sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố châu lục này hiện là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp mạnh để ngăn ngừa Covid-19 ảnh 1Quảng trường Plaza Mayor vốn đông đúc ở Thủ đô Madrid vắng bóng sau khi Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa trên toàn quốc

Tây Ban Nha phong tỏa toàn quốc

Tây Ban Nha đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai ở châu Âu khi ghi nhận tới 1.500 người nhiễm mới trong 24 giờ. Đến nay nước này đã có 6.391 ca mắc Covid-19, trong đó 195 ca tử vong.

Trước tình hình này, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với dịch bệnh trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.  Phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp nội các kéo dài hơn 7 tiếng ngày 14-3, Thủ tướng Pedro  Sanchez  thông báo việc cấm người dân ra khỏi nhà có hiệu lực ngay trong ngày. Cùng với đó, tất cả cửa hàng phải đóng cửa, ngoại trừ trạm xăng, hiệu thuốc, cửa hàng bán thực phẩm và nhu yếu phẩm cơ bản. Các khách hàng phải duy trì khoảng cách với nhau ít nhất một mét. Giao thông nội địa bị hạn chế. Các hãng hàng không, tàu hỏa và tàu thủy được yêu cầu cắt giảm ít nhất một nửa lưu lượng khách để đảm bảo khoảng cách giữa các hành khách.

Thủ tướng Pedro Sanchez thừa nhận các biện pháp mới có thể kéo theo những vấn đề, song cần phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông bày tỏ tin tưởng Tây Ban Nha sẽ chiến thắng trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 và điều quan trọng là “cái giá phải trả” sẽ nhỏ nhất có thể.

Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, các lực lượng vũ trang nước này đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo thống kê mới nhất, tại Thụy Sĩ đã có 1.355 người nhiễm Covid-19 và 11 người đã tử vong. Chính phủ nước này đã triển khai hàng loạt biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm đóng cửa các trường học trên cả nước, siết chặt kiểm soát biên giới và cam kết chi 10 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khủng hoảng. Các khu trượt tuyết nổi tiếng ở đất nước bên dãy núi Alpine này cũng tạm thời ngừng hoạt động. Chính phủ Thụy Sĩ cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với những thông tin giả mạo và việc các nhóm tội phạm mạng giả danh bộ y tế gửi đi các thư điện tử thông tin về dịch bệnh để người dân mở thư, tạo điều kiện cho chúng xâm nhập vào máy tính, đánh cắp dữ liệu cá nhân. 

Pháp, Đức đóng cửa tất cả địa điểm công cộng không thiết yếu cho cuộc sống

Ngay từ tối 14-3, Pháp chuyển sang giai đoạn 3 của dịch Covid-19, tương ứng với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này trên toàn lãnh thổ. Trong cuộc họp báo tối cùng ngày, Thủ tướng Edouard Philippe đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để đối phó với dịch bệnh. “Tôi đã ra quyết định đóng cửa tất cả địa điểm không thiết yếu, nhất là quán cà phê, nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và những cửa hàng khác, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15-3”, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói. “Chính phủ không có lựa chọn nào khác vì nhiều người dân vẫn ra ngoài dù đã được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người. Chúng ta phải hạn chế hoạt động đi lại”.

Thủ tướng Pháp nhấn mạnh điều bắt buộc là “phải hạn chế đi lại, họp hành và tiếp xúc”. Ông kêu gọi các doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện triệt để biện pháp làm việc từ xa, để cho phép mọi người ở nhà nhiều nhất có thể. Đến tối 14-3, Pháp xác nhận 830 trường hợp nhiễm virus mới đã được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân lên 4.500 kể từ khi bắt đầu dịch, trong đó có 91 ca tử vong.

Tại Đức, chính phủ nước này ngày 14-3 cũng đã tuyên bố lệnh cấm tương tự ở Pháp và cho học sinh nghỉ học kể từ đầu tuần tới. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đồng thời yêu cầu những người trở về từ Italia, Thụy Sĩ và Áo phải tự cách ly trong tối đa 2 tuần để giúp làm chậm sự lây lan của Covid-19. Đến nay, số ca nhiễm ở Đức tăng lên 4.585, với 9 người tử vong.

Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer tuyên bố quân đội có thể được triển khai để canh gác các siêu thị và đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm được cung cấp đầu đủ cho người dân. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mọi người giảm tiếp xúc xã hội, bao gồm cả việc không nên để trẻ em đến thăm ông bà.

WHO hoài nghi cách tiếp cận của Anh tạo “miễn dịch cộng đồng” 

Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp mạnh để ngăn ngừa Covid-19 ảnh 2Người dân Thủ đô London, Anh xếp hàng mua đồ tích trữ ngày 14-3 do lo ngại dịch bệnh bùng phát 

Trao đổi với báo giới, đề cập cách tiếp cận của Anh tạo “miễn dịch cộng đồng” để chống lại Covid-19, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) Margaret Harris tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận của Chính phủ Anh đối với công tác xử lý dịch bệnh. 

Theo bà Margaret Harris, cho rằng đến nay chưa có đủ nghiên cứu khoa học về virus SARS-CoV-2 gây Covid-19. Chủng virus này xuất hiện trong cộng đồng chưa đủ lâu để có thể biết được nó tác động thế nào đến hệ miễn dịch trong cơ thể người. “Mỗi virus hoạt động khác nhau trong cơ thể con người và kích thích miễn dịch khác nhau. Chúng ta có thể nói về các lý thuyết, song ở thời điểm hiện tại chúng ta đang thực sự đối mặt với tình huống cần phải đưa ra hành động”-  bà Margaret Harris nêu rõ. 

Nhận định của người phát ngôn WHO đưa ra sau khi ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh bày tỏ hy vọng cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong việc đối phó với virus sẽ tạo ra “miễn dịch cộng đồng”, theo đó, cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. “Miễn dịch cộng đồng” hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Anh đã lên tới hơn 1.140. Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đối mặt với chỉ trích không có hành động mạnh mẽ trong phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, trong khi các nước châu Âu khác đang đẩy mạnh các biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan.