Nhật-Trung đàm phán an ninh cấp cao đầu tiên sau 4 năm

ANTĐ - Sáng 19-3, các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc hội đàm an ninh cấp cao đầu tiên trong 4 năm, sau những căng thẳng gần đây có liên quan về vấn đề lãnh thổ. 

Cuộc họp tại Tokyo giữa các quan chức hai nước được đưa ra trước cuộc hội đàm ba bên với Hàn Quốc, vào hôm 21-3 tới. Vòng đàm phán cuối cùng của Tokyo và Bắc kinh kết thúc năm 2011, trước khi mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng vì tranh chấp các đảo trên biển Hoa Đông và phía Trung Quốc cũng tuyên bố Nhật Bản không chuộc lỗi đầy đủ cho sự xâm lược trong Thế chiến thứ 2.

Các căng thẳng đó đã làm xuất hiện những lo ngại về các cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa các tàu bán quân sự của Trung Quốc và Nhật, khi tuần tra xung quanh hoàn đảo đang tranh chấp là Điếu Ngư/ Senkaku.

Tuy nhiên, theo BBC, mối quan hệ giữa hai bên đang dần được cải thiện và sự ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự hôm 19-3 là việc thành lập một đường dây nóng thông tin liên lạc hàng hải.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị APEC năm 2014

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nói với các phóng viên rằng, cả hai bên hy vọng sẽ "thảo luận đặc biệt về ý kiến và kế hoạch đằng sau chính sách quốc phòng của nhau". Trong khi đó, đối tác của ông, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Liu Jianchao cho biết, Bắc kinh hy vọng “cả hai nước sẽ có một tâm trí vững vàng để đối mặt với lịch sử và nhìn thẳng về tương lai”.

Cuộc họp sáng 19-3 được coi là một sự tiếp nối trong việc cải thiện quan hệ hai bên những tháng gần đây.
Trong tháng 11-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh. Sau đó, hai bên đã nhất trí thiết lập một cơ chế xử lý khủng hoảng hàng hải trên biển.

Bên cạnh mối quan tâm lãnh thổ, Trung Quốc cũng đã có ý kiến với những thay đổi chính sách quốc phòng của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Trung Quốc cùng với Hàn Quốc, cũng cáo buộc Nhật Bản đã “tẩy sạch” các tội ác chiến tranh trong sách giáo khoa đất nước và phản đối các bộ trưởng Nhật, trong đó có ông Abe, đã đến thăm đền Yasukuni, nơi hương khói cho người Nhật chết trong chiến tranh cũng như các tội phạm chiến tranh.