Nhật đã tạo “Thế ỷ giốc” cho biển Đông và biển Hoa Đông như thế nào?

ANTĐ - Trong bài viết của mình mang tựa đề: “Japan and Philippines align strategic interests” (Tạm dịch: Nhật và Philippines kết đồng minh vì lợi ích), tờ “Thời báo Á châu” của Hồng Kông đã đi sâu phân tích nguyên nhân cơ bản thúc đẩy Nhật và Phi đẩy mạnh hợp tác quân sự, giao dịch thương mại, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. 

Gần đây, sau 70 năm, Nhật Bản và Philippines bắt đầu triển khai hợp tác quân sự, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Nhật đã hứa sẽ cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines 10 tàu tuần tiễu, mỗi chiếc trị giá 11 triệu USD. Có thể nói, quan hệ giữa 2 nước chưa bao giờ nồng ấm như lúc này.

Cuối tháng 2 vừa qua, các nhà ngoại giao và quan chức quân sự cao cấp 2 nước đã tổ chức hội nghị tại Manila, tiến hành thảo luận hợp tác trong những lĩnh vực nghiên cứu khoa học hải dương, chống cướp biển, phát triển nghề cá và bảo đảm anh ninh trên biển Đông.

Yếu tố chiến lược khiến hai nước nhanh chóng đạt thành hiệp định là do cả 2 nước đều đang có tranh chấp về lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, hơn nữa cũng xuất phát từ việc Chính phủ Philippines muốn nhanh chóng thu được những lợi ích về kinh tế và ổn định chính trị trong nước.

Philippines đang nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân

Sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tái đắc cử, Nhật đang hy vọng vào chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đúng lúc Manila cũng đang mưu cầu xây dựng một liên minh khu vực để tăng cường thực lực quốc phòng. Vì vậy không khó để lí giải nguyên nhân Manila có một chỗ đứng vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu chiến lược của Tokyo.

Liên minh Nhật – Phi là một phản ứng đầy tự tin đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông. Hiện tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư  trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành một điểm nóng trong khu vực, Nhật Bản đã từng có lần lên án tàu chiến Trung Quốc đã hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu của họ. Còn trên biển Đông, chỉ sau 1 vài tuần tranh chấp Trung Quốc đã kiểm soát được đảo Hoàng Nham mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của họ với tên gọi Bãi cạn Scabrough.

Tháng 1/2013, trong một cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và người đồng cấp bên phía Philippines đã tuyên bố Trung Quốc là “mối quan tâm chung” của cả 2 nước. Chính phủ Philippines còn biểu thị, để cân bằng cán cân lực lượng với Trung Quốc tại khu vực này, họ sẽ kiên quyết ủng hộ Nhật Bản sửa đổi hiến pháp hòa bình. Tổng thống Philippines Aquino cho biết, chỉ có Nhật Bản mới đủ khả năng thách thức sự đe dọa của Trung Quốc trong khu vực.

Các chuyên gia quân sự quốc tế cho biết, số tàu tuần tiễu mà Nhật Bản viện trợ cho Philippines được bàn giao trong vòng 18 tháng nữa sẽ nâng cấp lớn lực lượng hải quân vốn khá mỏng yếu của nước này.

Tuy số tàu này không đủ để cải thiện cán cân lực lượng trên biển Đông, nhưng nó sẽ góp phần thức tỉnh nhận thức của Philippines về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển, giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu chiến lược riêng trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tiễu, tổng trị giá 110 triệu USD

Không nghi ngờ gì nữa, trang bị mạnh cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines sẽ giúp Nhật giám sát hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, phương thức xử lý của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp “Bãi cạn Scabrough” cũng sẽ biểu đạt thái độ và phương thức tiến hành của họ về vấn đề quần đảo Senkaku, qua đó giúp Nhật chuẩn bị trước những đối sách hợp lý và kịp thời.

Đồng thời Nhật còn lạc quan trước viễn cảnh, Philippines sẽ triển khai tối đa tàu chiến có thể huy động dẫn đến phân tán lực lượng tàu hải giám Trung Quốc. Tăng cường thực lực cho hải quân yếu kém của Philippines cũng chính là bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, góp phần trợ giúp tàu bè Nhật Bản giao thông trên biển được thuận lợi.

Gần đây, Manila đã khởi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển nhưng Trung Quốc kiên quyết từ chối “ra hầu tòa” và chỉ chấp nhận đàm phán song phương, trong giải quyết các vấn đề trên và lên án mạnh mẽ hành vi mà họ cho là “khinh suất” của Philippines.

Nhật thừa biết, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và giúp Philippines quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên biển Đông cũng là giúp chính họ trong vấn đề đối phó với Trung Quốc. Dù Philippines thắng hay thua kiện cũng tạo được tiền lệ là bắt buộc Trung Quốc phải ra tòa, lúc đó họ sẽ có cơ hội thắng nhiều hơn, có thể nói “Thế ỷ giốc” (nương tựa vào nhau) giữa Nhật Bản – Philippines là sự lựa chọn sáng suốt đối với cả 2 bên.

Trung Quốc cũng nhận thấy sự uy hiếp rất lớn từ mối quan hệ Nhật - Philippines, Nhật là cường quốc thứ 3 thế giới về kinh tế, trong tương lai sẽ có ảnh hưởng cực lớn đến phát triển kinh tế của chính phủ Aquino. Tuy Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, nhưng Nhật Bản mới là bạn hàng lớn nhất của Philippines.

Năm 2012, kim ngạch mậu dịch song phương giữa 2 nước đã lên tới 13 tỷ USD; đồng thời Nhật cũng là nước đầu tư chủ yếu vào Philippines và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Manila. Năm 2012, vốn đầu tư của Nhật vào thị trường Philippines đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Tàu tuần duyên của Philippines

Không giống như người tiền nhiệm Arroyo, Tổng thống đương nhiệm Aquino không bị cuốn theo ảnh hưởng của Bắc Kinh, thậm chí còn hủy bỏ một số hạng mục hợp tác đã ký với Trung Quốc từ thời Tổng thống Arroyo. Đồng thời với việc Philippines nhanh chóng trả dứt điểm các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc thì Nhật Bản cũng triển khai các gói viện trợ ODA cho chính phủ nước này, giúp đỡ chính phủ của bà Aquino xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng như: sân bay và hệ thống đường sắt ở thủ đô Manila.

Nhật Bản còn đầu tư vốn ODA vào khu vực đảo Mindanao ở phía nam Philippines, giúp đỡ quân chính phủ đối phó với các phần tử khủng bố thuộc Tổ chức chống Chính phủ lớn nhất là “mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro” (MILF). Đồng thời Nhật cũng là thành viên của cả 2 tổ chức lớn là “Nhóm liên lạc quốc tế” và “Nhóm giám sát quốc tế” trong quá trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và phe nổi dậy Philippines.

Có thể nói, chính thái độ của Trung Quốc đối với mối quan hệ hợp tác chiến lược Nhật – Philippines sẽ quyết định sự bền chặt của nó, đồng thời các nhân tố bản thân Philippines cũng quyết định “quyền lực mềm” của Nhật Bản có ảnh hưởng lớn đến đâu. Đối với Philippines mà nói, quan hệ song phương Nhật - Philippines là một bước ngoặt quan trọng có lợi ích to lớn và lâu dài, nó thực sự là những viện trợ về quân sự và kinh tế thiết thực chứ không chỉ là những cam kết trên giấy và những tuyên ngôn sáo rỗng.