Nhật Bản xôn xao vụ nữ ca sĩ thần tượng bị tấn công

ANTD.VN - Dư luận lên án động thái lạnh lùng và vô trách nhiệm từ Công ty quản lý AKS vì ép ca sĩ Maho Yamaguchi phải xin lỗi sau khi cô bị tấn công.
 

Ca sĩ Yamaguchi và một buổi biểu diễn của nhóm nhạc NGT48

Bị tấn công, nạn nhân phải… xin lỗi

Cuộc tiếp xúc giữa một thần tượng nhạc pop Nhật Bản và những người hâm mộ lẽ ra là một dịp vui để khởi đầu một năm mới thuận lợi. Nhưng nữ ca sĩ Maho Yamaguchi, thành viên của nhóm nhạc NGT48, không xuất hiện trong sự kiện vào ngày 6-1 vừa qua. Nhóm nhạc NGT48 hoạt động chủ yếu tại Niigata, đây là một nhánh của nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng AKB48. 

Vài ngày sau, cô lên tiếng xin lỗi về sự vắng mặt của mình với lý do: cô bị 2 người hâm mộ nam giới tấn công tại nhà riêng hôm 8-12 năm ngoái. “Tôi xin lỗi vì khiến các bạn bị sốc. Một số người có thể lo sợ khi nghe được những gì đã xảy ra với tôi. Tôi thực sự xin lỗi”, cô đăng dòng tweet trên tài khoản Twitter cá nhân vào ngày 8-1. 

Sau khi Yamaguchi chia sẻ về việc bị tấn công, Công ty quản lý AKS đã yêu cầu nữ ca sĩ này phải xin lỗi khán giả, vì cho rằng cô mang lại những rắc rối không cần thiết cho công chúng. 

Hôm 10-1, trong chương trình kỷ niệm 3 năm của nhóm, Yamaguchi cúi đầu xin lỗi khán giả ngay trên sân khấu vì đã “gây rắc rối” cho người hâm mộ. Trong khi đó, những kẻ tình nghi tấn công cô đã bị bắt nhưng sau đó được thả.

Dư luận phản ứng giận dữ

Lời xin lỗi của Yamaguchi được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản ngày càng chú ý đến vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Những ngày sau bài đăng trên Twitter của cô, những lời chỉ trích gay gắt đã nhắm vào công ty quản lý của Yamaguchi, AKS. Việc một nạn nhân bị ép phải xin lỗi gây ra dư luận bất bình ở Nhật Bản. Dư luận lên án động thái lạnh lùng và vô trách nhiệm từ AKS. Hơn 53.000 người đã ký vào bản kiến nghị bày tỏ sự ủng hộ đối với Yamaguchi và yêu cầu quản lý nhóm nhạc phải xin lỗi công khai và từ chức. 

Chiều 14-1, đại diện AKS, ông Takumi Matsumura đã lên tiếng xin lỗi khán giả và các thành viên nhóm nhạc NGT48. Cùng với đó, công ty tuyên bố sa thải quản lý hiện nay của nhóm nhạc và thay thế bằng nhân sự khác. Công ty cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa như cung cấp chuông báo động khẩn cấp cho tất cả các thành viên và tuần tra xung quanh nhà của họ. Trong một tuyên bố, công ty nói rằng “quyết tâm xây dựng niềm tin với từng thành viên và chăm sóc tinh thần cho Maho Yamaguchi và tất cả các thành viên khác”.

Kukhee Choo, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa tại Đại học Sophia ở Tokyo, nói rằng lời xin lỗi của Yamaguchi cũng đã giúp cô có được nhiều thiện cảm hơn từ công chúng Nhật Bản. “Có nhiều mối quan hệ ở Nhật Bản với các nhân vật thần tượng vì các công ty quản lý chọn những cô gái trẻ trung, dễ thương, vui vẻ. Họ muốn mọi người cảm thấy như đây có thể là con gái hoặc hàng xóm của bạn”, Choo cho biết.  

Kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của các ngôi sao

Ngành công nghiệp nhạc pop Nhật Bản thường được biết đến với cái tên J-pop, có giá trị hàng tỷ đô la. Các công ty thu âm lớn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ cuộc sống các ngôi sao của họ, hình ảnh và hành vi của các “sao” cả trong và ngoài sân khấu. Các cuộc gặp gỡ sau buổi biểu diễn và cơ hội chụp ảnh thường xuyên được sử dụng để thúc đẩy cảm giác gần gũi giữa những người biểu diễn và khán giả J-pop. 

Nhưng chính sự thân mật giả tạo này đã làm mờ đi ranh giới giữa sự tưởng tượng và thực tế đối với một số người hâm mộ. Vào năm 2014, một người đàn ông cầm cưa đã tấn công 2 thành viên của AKB48, và vào năm 2017, một người hâm mộ bị ám ảnh đã theo dõi rồi đâm nhiều nhát thần tượng nhạc pop Mayu Tomita. 

Sự thất bại của ngành công nghiệp thu âm trong việc bảo vệ tốt hơn các ngôi sao của mình khỏi bạo lực đã được khuếch đại trong thời đại truyền thông xã hội. “Nhân viên (công ty thu âm) trước tiên nên bảo vệ các cô gái”, Kemta Otsubo, một người trong trong ngành công nghiệp thần tượng, nói với CNN, “Không thể tránh khỏi những lời chỉ trích từ dư luận trên toàn thế giới (trong trường hợp của Yamaguchi), mọi người đều rất tức giận với đội ngũ quản lý của công ty vì đã không bảo vệ cô ấy sau khi chính Yamaguchi xin lỗi”.

Trên thực tế, Nhật Bản xếp thứ 110 trong số 149 quốc gia trong chỉ số đo lường mức độ bình đẳng giới của Diễn đàn kinh tế thế giới. Nước này cũng đứng cuối trong Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) về bình đẳng giới, bất chấp cam kết của Thủ tướng Shinzo Abe về việc trao quyền cho phụ nữ làm việc thông qua chính sách “womenomics”.