Nhận diện khả năng ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

ANTD.VN - Sau 3 năm lãnh đạo Nhà Trắng với cam kết làm thay đổi bộ mặt nền chính trị cũng như theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump không chỉ đang thay đổi nước Mỹ mà còn có những tác động nhất định đến thế giới với nhiều quyết định và chính sách bất ngờ, gây tranh cãi và mang đậm dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, trong cuộc đua tái tranh cử năm 2020, khả năng Tổng thống Trump có lập lại được “kỳ tích” hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Mục tiêu cao nhất của ông Donald Trump trong năm 2020 này là tiếp tục đại diện cho Đảng Cộng hòa giữ ghế ông chủ Nhà Trắng

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 59 dự kiến diễn ra vào ngày 3-11-2020. Đến nay, “cuộc đua” tới chiếc ghế quyền lực này vẫn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa 2 chính đảng Cộng hòa và Dân chủ, như người ta vẫn thường thấy trên chính trường nước Mỹ. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, mục tiêu cao nhất của ông Donald Trump trong năm 2020 này chính là giành chiến thắng để đại diện cho Đảng Cộng hòa tiếp tục giữ ghế ông chủ Nhà Trắng.

Thách thức ngáng trở

Trên chính trường Mỹ, chế độ lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền điều hành đất nước. Các nhà phân tích cho rằng, nhược điểm lớn nhất của chế độ lưỡng đảng này là “ngáng chân nhau” vì quan điểm và lợi ích của mỗi đảng chứ không phải hoàn toàn vì lợi ích của đa số người dân.

Không chỉ có thử thách từ tiến trình luận tội, ông Trump vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do tình trạng lưỡng viện chia rẽ. Ông và lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện luôn ở 2 bên chiến tuyến trong một loạt vấn đề liên quan đến chính sách như vấn đề người nhập cư, bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, ứng xử với các đối tác thương mại lớn hay sự thay đổi trong chính sách đối ngoại tại các khu vực “điểm nóng”. Đặc biệt hơn cả, bất kỳ dấu hiệu mất ổn định kinh tế nào cũng có thể đẩy Tổng thống Trump vào thế bất lợi, Đảng Dân chủ sẽ có một cơ hội lớn để “lật ngược thế cờ” và đánh bại ông trên đường đua tới.

Mặc dù vậy, nhìn vào cục diện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Trump được đánh giá là đối thủ “khó đánh bại” đối với bất kỳ ứng cử viên sáng giá nào của Đảng Dân chủ. Bài viết trên trang Atlantic phân tích, ông Trump được nhận xét là một người có tính cách “khó gần” do các phát biểu và hành động gây tranh cãi, nhưng lại được lòng rất nhiều cử tri bởi họ ấn tượng với cách ông thể hiện trong công việc là biến lời nói thành hành động, khác hẳn nhiều chính trị gia khác. Mặt khác, thế bế tắc ở Quốc hội khiến Tổng thống Trump hướng vào đối ngoại bằng những cách thức đi ngược truyền thống nhưng đem lại hiệu quả, bảo vệ tốt lợi ích cho nước Mỹ đồng thời ghi dấu ấn riêng của ông như bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay thỏa thuận thương mại với Trung Quốc...

5 lợi thế của đương kim Tổng thống

Thứ nhất, theo Business Insider, dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng GDP trong khoảng 2-3%. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% - mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp đang giảm, tiền lương và số lượng việc làm đang tăng lên. Tổng thể, trong vòng 3 năm qua, dấu ấn của Tổng thống Trump khá rõ nét, từ “hồi sinh” ngành công nghiệp, tạo ra nhiều việc làm, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp, thắt chặt chính sách di dân đến sửa đổi các hướng đi trong chính sách đối ngoại.

Thứ hai, hệ thống bầu cử của Mỹ theo hình thức đại cử tri, tức là người dân bầu đại cử tri và các đại cử tri này bầu Tổng thống. Bởi vậy, người giành chiến thắng là người nắm được sự ủng hộ của các đại cử tri ở các bang quan trọng. Đơn cử, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton dù nhiều hơn đối thủ Donald Trump gần 2,9 triệu phiếu bầu nhưng vẫn thua do ông Trump có được 304 đại cử tri ủng hộ, trong khi bà Clinton chỉ có 227. Nhà tỉ phú địa ốc đã thuyết phục được tiểu bang Winsconsin, Florida, Iowa, Michigan, Ohio và Pennsylvania ngả theo phe Cộng hòa.

Thứ ba, ông Donald Trump có lượng cử tri trung thành ổn định. Theo các cuộc thăm dò, vào thời điểm còn khoảng 1 năm rưỡi trước kỳ bầu cử Tổng thống 2016, tỉ lệ được lòng dân của Barack Obama là 47,5%. Tuy nhiên, ông Donald Trump lại được tới 87% cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ, theo điều tra của viện Gallup và con số này thường xuyên dao động ở mức 90%. Sự trung thành này có thể giúp Donald Trump vượt lên trên đối thủ nếu được tất cả các cử tri vốn trung thành với ông ủng hộ và thuyết phục được một bộ phận cử tri còn lưỡng lự.

Thứ tư, bộ máy vận động tranh cử hùng hậu và hiệu quả. Sau cuộc “thử lửa” năm 2016, “bộ máy tranh cử” của ông Trump năm 2020 chắc chắn sẽ hùng hậu hơn, quy tụ các chuyên gia lão luyện, với ngân sách hàng chục triệu đô la và áp dụng chiến lược vận động sắc bén, hiệu quả trên mạng xã hội. Bên cạnh đó phải kể đến lực lượng ủng hộ viên sẵn sàng gõ cửa nhà từng cử tri để tuyên truyền thuyết phục bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Trong 3 năm nhiệm kỳ của ông Trump, chiến dịch vận động của Tổng thống vẫn tiếp diễn với hàng trăm nghìn người tham dự các cuộc mít tinh trên toàn nước Mỹ. Đó cũng là cơ hội giúp cho nhóm cộng sự của ông Trump thu thập thêm thông tin và kinh nghiệm điều hành, phối hợp để sẵn sàng lao vào “vòng đấu cuối cùng”.

Cuối cùng, đối thủ bên Đảng Dân chủ còn chưa rõ, đồng nghĩa với việc chưa có đối thủ nặng ký mang tính đối trọng thực sự. Hiện có tới 23 ứng viên trong vòng bầu sơ bộ của Đảng Dân chủ. Trong lúc phe Dân chủ còn mải cạnh tranh nhau trong cuộc bầu cử sơ bộ, ông Trump có thể tiếp tục vận động tranh cử, “kích động” tinh thần đội ngũ ủng hộ viên và gia tăng quyên góp tài chính.

Tăng tốc và cán đích

Để giành chiến thắng, chiến dịch tranh cử của ông Trump cần tạo ra sự hào hứng cho những cử tri ủng hộ chủ chốt của mình, một nhiệm vụ không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với một vị Tổng thống đương nhiệm chịu nhiều gánh nặng trong nhiệm kỳ 4 năm đầu. Một yêu cầu đặt ra là chiến dịch của ông Trump cần xác định những nhân vật hâm mộ ông vốn không xuất hiện trong cuộc bầu cử năm 2016 và huy động họ đi bỏ phiếu cho mình.

Khả năng tái đắc cử của Tổng thống Trump có thể xoay quanh câu chuyện về tình hình kinh tế Mỹ, vốn tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần thấp nhất trong vòng 50 năm qua và thị trường chứng khoán vẫn khởi sắc. Tờ Fox News trích lời ông Jason Chaffetz, cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa, khuyến nghị: “Rốt cục, người dân sẽ quan tâm tình hình tài chính của mình và họ sẽ làm gì. Vì vậy, ông ấy có thể chỉ rõ lợi ích của một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Cho đến thời điểm này, Tổng thống Donald Trump không mất đi ưu thế của mình. Chặng đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 vẫn đang mở rộng. Tuy nhiên, ông cần tính toán để tránh sơ hở và bị mất điểm vào tay Đảng Dân chủ khi các hoạt động tranh cử bắt đầu nóng lên.