"Nhà giàu" Thụy Sĩ có thể "ly khai" Schengen

ANTD.VN - Viễn cảnh quốc gia được xem là giàu có nhất thế giới Thụy Sĩ rời bỏ Hiệp ước Schengen không phải là điều xa xôi khi nước này bắt đầu tiến trình pháp lý cho việc hủy bỏ Thỏa thuận tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU).

"Nhà giàu" Thụy Sĩ có thể "ly khai" Schengen ảnh 1Thụy Sĩ bắt đầu thu thập chữ ký, mở ra tiến trình có thể rút khỏi Hiệp ước Schengen nhằm siết chặt người nhập cư vào đất nước giàu có này

Truyền thông Thụy Sĩ ngày 7-1 đồng loạt đưa tin, chính quyền liên bang nước này cho phép đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SPP) theo đường lối cánh hữu bảo thủ bắt đầu thu thập chữ ký cho sáng kiến hủy bỏ Hiệp ước Schengen, thỏa thuận tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU).

Tiến trình thu thập chữ ký này sẽ được bắt đầu vào ngày 16-1 tới và theo luật, nếu SPP có được đủ 100.000 chữ ký trong vòng 18 tháng, quốc gia giàu có nằm ở trung tâm châu Âu này sẽ phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

Việc bắt đầu thu thập chữ ký được xem là động thái mới nhất của SPP nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ EU vào Thụy Sĩ, sau khi Thụy Sĩ đã thành công trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 2-2014 về việc áp đặt hạn ngạch nhập cư với EU.

Đảng SPP có xu hướng bài ngoại cho rằng, những biện pháp mà chính quyền liên bang áp dụng mới đây nhằm dành ưu tiên cho người lao động Thụy Sĩ trong tìm kiếm việc làm so với công dân EU là chưa đủ để ngăn dòng người nhập cư đổ vào nước này.

Nhập cư từ trước tới nay luôn là một vấn đề gây tranh cãi tại Thụy Sĩ khi mỗi năm nước này có tới khoảng 80.000 người nước ngoài, hầu hết đến từ các nước EU, tới định cư ở Thụy Sĩ và gần 1/4 trong 8,3 triệu dân của Thụy Sĩ hiện nay là người nước ngoài. Theo Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter, hiện đất nước này có tỷ lệ nhập cư cao hơn 4 lần so với Vương quốc Anh.

Việc người nước ngoài tìm cách nhập cư vào Thụy Sĩ, dù nước này có chính sách nhập cư hết sức khắt khe, cũng dễ hiểu bởi đất nước này hiện là quốc gia giàu có nhất thế giới với giá trị tài sản trung bình của mỗi người dân trưởng thành là khoảng 528.000 francs Thụy Sĩ (530.000 USD).

Tiền lương trung bình tại Thụy Sĩ cũng cao nhất châu Âu, đơn cử nhân viên văn phòng Thụy Sĩ bắt đầu đi làm kiếm được khoảng 58.000 USD/năm sau khi trừ thuế và chi phí sinh hoạt, nhiều hơn của các vị trí tương đương ở Đan Mạch, với mức trung bình là 52.000 USD/năm hay những người có trình độ cấp trung bình, mức lương cơ bản là 163.000 USD/năm, vượt xa so với nước đứng thứ hai là Luxembourg với gần 110.000 USD/năm. 

Tuy nhiên, số người nước ngoài muốn tới Thụy Sĩ để định cư không chỉ là những người nghèo khổ đi tìm “miền đất hứa” mà còn có rất nhiều người giàu có, thậm chí siêu giàu, bởi mong muốn có môi trường sống thượng lưu tại nước này. Trong đó, có một phần những triệu phú, tỷ phú mới nổi tại quốc gia Đông Âu trước đây, khu vực đang có dòng người nhập cư đông nhất vào Thụy Sĩ hiện nay.

Việc dòng người nhập cư vào Thụy Sĩ quá nhiều đang gây ra nhiều thách thức, làm đảo lộn không ít đời sống ở quốc gia nhỏ bé song thịnh vượng bậc nhất thế giới. Đó là những vấn đề về công ăn việc làm, xã hội… và nhiều vấn đề về an ninh như trật tự, an toàn, đặc biệt là nguy cơ khủng bố. 

Chính vì thế, ngày càng có nhiều người dân Thụy Sĩ mong muốn kiểm soát ngặt nghèo hơn chính sách di cư. Muốn vậy thì phải hủy bỏ Hiệp ước Schengen, thỏa thuận tự do đi lại trong EU mà Thụy Sĩ đã tham gia cùng 25 quốc gia châu Âu, gồm 22 trong số 28 quốc gia thành viên EU, cộng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Song Thụy Sĩ cũng không dễ dàng rời khỏi khối Schengen bởi việc chấm dứt các thỏa thuận song phương với EU có thể coi là hành động được ví như “tự sát” đối với một quốc gia nhỏ bé vốn phụ thuộc lớn vào thị trường chung châu Âu như nước này.