Nguyên tắc "Đổi dầu mỏ lấy an ninh" không còn là tối thượng

ANTD.VN - Sức ép với chính quyền Saudi Arabia ngày càng tăng khi 6 thượng nghị sỹ lưỡng đảng đệ trình Quốc hội Mỹ một dự thảo nghị quyết yêu cầu Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
 

Một khu mỏ khai thác dầu lửa ở Saudi Arabia

Thông cáo báo chí do Thượng nghị sỹ Dân chủ Christopher Coons của bang Delaware, đại diện cho nhóm 6 thượng nghị sỹ, nêu rõ: “Thượng viện Mỹ cần có tiếng nói rõ ràng rằng chúng ta sẽ không dung thứ cho các hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chúng ta chứng kiến từ ban lãnh đạo Saudi Arabia và đặc biệt là từ Thái tử Mohammed bin Salman”. Nghị quyết cũng hối thúc Chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế buộc tất cả các bên liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi, trong đó có Thái tử bin Salman, phải chịu trách nhiệm.

Tháng trước, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã kết luận Thái tử bin Salman chính là người ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 10-2018. CIA đưa ra kết luận trên sau khi xác minh các bằng chứng, bao gồm cuộc điện thoại giữa nhà báo Khashoggi và em trai Thái tử bin Salman, Khalid, hiện là đại sứ Saudi Arabia ở Mỹ. 

Cho đến nay, bất chấp áp lực lớn từ các nghị sỹ kỳ cựu của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc phải có các biện pháp cứng rắn hơn đối với Saudi Arabia, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không có sự thay đổi cơ bản nào trong đường lối với người đồng minh Saudia Arabia. Ông Trump mới chỉ áp đặt trừng phạt kinh tế với 17 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ giết người này nhưng không trực tiếp nhằm vào chính quyền ở Riyadh.

Có nhiều lý do dẫn đến sự ngập ngừng trong hành động của Washington mà trước hết là sự ràng buộc hai lợi ích cốt lõi đã chi phối quan hệ giữa Mỹ và Saudia Arabia kể từ khi được xây dựng vào năm 1945, đó là an ninh và dầu mỏ. Với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, cùng vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Trung Đông, Riyadh là một đồng minh mà Washington cần phải có. Trong khi Saudi Arabia từ lâu dựa vào Mỹ như một nhà bảo trợ chính về an ninh, hưởng nhiều lợi ích từ chương trình đào tạo quân sự, giao dịch mua bán vũ khí, hợp tác tình báo với Mỹ, thì Washington cần đến nguồn dầu khổng lồ của Riyadh.

Tuy nhiên, thời thế hiện giờ có nhiều đổi thay, khiến nguyên tắc “đổi dầu mỏ lấy an ninh” đã không còn đóng vai trò chủ đạo trong mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Washington và Riyadh. Chuyển sang ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo, Mỹ ngày càng bớt sự phụ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu mỏ như Saudi Arabia. Trong khi đó, Riyadh thì đang nỗ lực “đi theo cách riêng” để đảm bảo an ninh của chính mình.

Kể từ khi Thái tử bin Salman Mohammed thực hiện một loạt bước đi củng cố quyền lực, sự bất đồng về lợi ích và quan điểm giữa Mỹ và Saudi Arabia ngày càng gia tăng. Bất chấp sự không hài lòng của Mỹ, Saudi Arabia vẫn can sự vào cuộc xung đột tại Yemen, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử, gây rạn nứt giữa các đồng minh trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, “bịt miệng” những người đối lập như nhà báo Khashoggi.

Trong nội bộ nước Mỹ, chính quyền của ông Trump vẫn bày tỏ sự ủng hộ với Thái tử bin Salman. Tuy nhiên, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu mối quan hệ chặt chẽ Washington - Riyadh có thực sự phục vụ cho các lợi ích của Mỹ hay không. Với việc 6 thượng nghị sỹ Mỹ yêu cầu có riêng một nghị quyết quy trách nhiệm của Thái tử bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, sức ép của dư luận Mỹ lên ông Trump ngày càng lớn hơn.

Washington chưa thể chấm dứt sự hỗ trợ với người đồng minh vùng Vịnh lâu năm nhưng nguyên tắc “đổi dầu mỏ lấy an ninh” đã không còn giữ vai trò tối thượng trong quan hệ Mỹ - Arabia.