Nguy cơ trỗi dậy "bóng ma" chạy đua vũ trang mới giữa các siêu cường

ANTD.VN - “Bóng ma” của cuộc chạy đua vũ trang vũ khí hủy diệt hàng loạt từng phủ bóng đen u ám lên toàn cầu thời Chiến tranh Lạnh có nguy cơ trỗi dậy khi liên tiếp xuất hiện những động thái đáng lo ngại của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Nguy cơ trỗi dậy "bóng ma" chạy đua vũ trang mới giữa các siêu cường ảnh 1Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn theo đề nghị của Nga và Trung Quốc để thảo luận về việc Mỹ thử tên lửa Tomahawk tầm bắn hơn 500km mà 2 quốc gia này cho rằng Mỹ sẵn sàng cho cuộc đua vũ trang mới

Phát biểu trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22-8, Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy cáo buộc cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản phóng từ mặt đất của Mỹ ngày 18-8 vừa qua cho thấy Washington “sẵn sàng cho cuộc chạy đua vũ trang mới”. Cuộc họp khẩn này của cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về hòa bình và an ninh của Liên hiệp quốc diễn ra theo đề nghị của hai Chính phủ Nga và Trung Quốc nhằm thảo luận “những tuyên bố của giới chức Mỹ về kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa tầm trung có nguy cơ đe dọa an ninh, hòa bình thế giới”.

Yêu cầu của Nga và Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ tiến hành thử nghiệm biến thể mới của tên lửa hành trình khét tiếng Tomahawk, phiên bản đầu tiên bắn từ trên đất liền, sau các phiên bản bắn từ trên không hoặc trên biển. Tên lửa Tomahawk bắn từ mặt đất trên đảo San Nicolas thuộc bang California của Mỹ này đã bắn trúng mục tiêu ở cự ly cách xa hơn 500 km.

Việc phóng thử tên lửa Tomahawk phiên bản bắn từ mặt đất được Mỹ tiến hành không lâu sau khi cả Mỹ và Nga lần lượt rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà hai cường quốc quân sự này ký kết vào năm 1987. Với tầm bắn trên 500km, tên lửa Tomahawk phiên bản bắn từ mặt đất là sự vi phạm nếu chiểu theo Hiệp ước INF vốn quy định cấm thử tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500-5.500km.

Vì thế, việc Mỹ không lâu sau khi rút khỏi INF đã thử thành công tên lửa hành trình Tomahawk từng khét tiếng trong các cuộc chiến gần đây của Mỹ khiến cả Nga và Trung Quốc, những đối thủ quân sự chính hiện nay của Washington trên toàn cầu lo ngại. Việc này gợi nhớ lại nỗi ám ảnh trên toàn cầu về cuộc chạy đua vũ trang vũ khí có sức hủy diệt lớn thời Chiến tranh Lạnh trước đây.

Trong suốt hơn 30 năm kể từ khi Mỹ và Liên Xô trước đây (Nga kế thừa hiện nay) ký kết vào năm 1987, INF đã đóng vai trò hết sức quan trọng như là một “chốt hãm an toàn”, ngăn không để hai cường quốc quân sự mạnh nhất lao vào cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt. Tuy nhiên, câu hỏi liệu Nga và Mỹ có lại tiến hành chạy đua vũ trang hay không đã lập tức được đặt ra khi hai quốc gia này tuyên bố rồi rút khỏi INF. 

Không những chỉ lo tái phát chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga mà giới chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ cũng như tham vọng toàn cầu của mình đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự. Trung Quốc với sự đầu tư rất lớn cho quân sự nhiều năm qua, đến nay đã sở hữu trong tay những thứ vũ khí hiện đại có sức hủy diệt mạnh nhất của một cường quốc quân sự hàng đầu, từ tên lửa đạn đạo vượt đại châu (ICBM) cho tới tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến tàng hình, máy bay tàng hình… Trong đó, chỉ riêng tại Thái Bình Dương, Trung Quốc đã có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm xa và hàng trăm tên lửa hành trình trên bộ tầm xa…

Trong tuyên bố nhằm đáp trả cáo buộc của Nga và Trung Quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22-8, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen đã chỉ trích Nga và Trung Quốc khi muốn thấy Mỹ tự kiềm chế, trong khi bản thân họ lại phát triển vũ khí mà không bị kiểm soát. “Bóng ma” của một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới vì thế rất có thể lại trỗi dậy nếu cộng đồng quốc tế không chung sức, đồng lòng ngăn chặn sớm.