Nguy cơ cuộc “khủng hoảng rác”

(ANTĐ) - Rác thải là một trong những bài toán nan giải của hầu hết đô thị các nước đang phát triển. Vấn đề nổi lên gần đây là khi không còn quỹ đất cho khu chôn lấp rác, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng lò đốt rác - nhưng tác hại về môi trường thật khó lường. Đó cũng là bài học cho nhiều nước châu Á đang loay hoay tìm giải pháp cho cuộc “khủng hoảng rác”.

Xử lý rác thải đô thị tại châu Á:

Nguy cơ cuộc “khủng hoảng rác”

(ANTĐ) - Rác thải là một trong những bài toán nan giải của hầu hết đô thị các nước đang phát triển. Vấn đề nổi lên gần đây là khi không còn quỹ đất cho khu chôn lấp rác, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng lò đốt rác - nhưng tác hại về môi trường thật khó lường. Đó cũng là bài học cho nhiều nước châu Á đang loay hoay tìm giải pháp cho cuộc “khủng hoảng rác”.

Sống chung với rác

Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu á, trung bình mỗi ngày chỉ riêng lượng chất thải rắn tại các thành phố lớn nhất của châu á khoảng 760.000 tấn, và ước tính sẽ tăng lên 1,8 triệu tấn vào năm 2025. Ví như thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, rác thải điện tử năm 2006 đã lên đến con số báo động 115.000 tấn, bao gồm 3,6 triệu tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, điều hòa, 2,3 triệu điện thoại di động…

Bãi rác Stung Meanchey ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia
Bãi rác Stung Meanchey ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia

Tháng 6-2009, chính quyền Bắc Kinh cảnh báo rằng tất cả 13 hố chôn lấp của thành phố sẽ không còn chỗ chứa trong vòng 5 năm tới, rằng họ sẽ phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng rác” nếu không nhanh chóng xây dựng khu chôn lấp và cơ sở đốt lò mới.

Hình ảnh phổ biến ở nhiều thành phố châu á hiện nay là những núi rác chất đống chưa qua xử lý hay diệt khuẩn. Trong khi các bãi chôn lấp sắp quá tải, việc tìm kiếm địa điểm xây khu chôn lấp, xử lý rác thải luôn vấp phải những khó khăn, một phần do sự phản đối của chính cư dân địa phương, phần khác do tâm lý “NIMBY” - viết tắt của “Not In My Backyard – không phải trong sân sau nhà tôi”. Đây là một thành ngữ quen thuộc mà các nhà môi trường quốc tế sử dụng để diễn tả tâm lý “miễn sao đẩy rác ra khỏi địa giới hành chính của mình”.

Lò đốt rác và những hiểm họa

Khi các hố chôn lấp đã quá tải, Trung Quốc - vượt qua Mỹ trở thành nước có lượng rác sinh hoạt lớn nhất thế giới - bắt tay vào một chương trình xây dựng lò đốt rác. Nhìn vào nghịch cảnh tại 2 lò đốt rác ở Thâm Quyến, thủ phủ miền đông nam Trung Quốc, ta có thể thấy bài toán xử lý rác thải đô thị gian nan chừng nào. Một đầu thành phố là lò đốt rác Longgang của tư nhân, cách đó khoảng 2km người ta đã ngửi thấy mùi xú uế, những làn khói đen kịt bốc ra cùng những hóa chất độc hại. Còn ở đầu kia, người ta không thấy chút khói nào bốc ra từ lò đốt rác Baoan, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, kết quả kiểm tra cho thấy nó không thải ra chất gây ô nhiễm nào.

Sự khác biệt rõ ràng đó là do những chiếc lò đốt rác này được xây dựng theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau trên khắp Trung Quốc và ngay cả trong thành phố Thâm Quyến. Những lò đốt rác tư nhân, tất nhiên chi phí chỉ bằng 1/10 so với những công trình theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng chúng đã trở thành nguồn phát sinh chất độc tồn tại trong thời gian rất dài như dioxin, thủy ngân, có thể hủy hoại hệ thần kinh của con người.

Một báo cáo năm 2005 của World Bank đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc xây quá nhiều lò đốt rác mà không hạn chế lượng chất thải, thì hàm lượng dioxin trên bầu khí quyển toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi. Chất độc trong không khí không phải là vấn đề duy nhất do lò đốt rác gây ra. Tàn trò còn lại sau khi đốt cũng mang theo dioxin và các chất độc khác.

Chính quyền một số thành phố với lượng công dân dồi dào và có học thức như Bắc Kinh, Thượng Hải đang đặt ra tiêu chuẩn về rác thải nghiêm ngặt như châu Âu. Bất chấp những tiêu chuẩn này, hồi đầu năm, các cuộc biểu tình phản đối xây dựng lò đốt rác nổ ra rầm rộ ở Bắc Kinh, Thượng Hải cũng như Thâm Quyến. Tuy vậy, những lò đốt rác vẫn tiếp tục được xây dựng ở các thành phố xa xôi nơi người dân ít có nhận thức về sự ô nhiễm môi trường.

Loay hoay tìm giải pháp

Bãi rác gây ra hiểm họa môi trường là điều dễ dàng nhận thấy. Các chất phân hủy từ rác thải tạo ra một lượng lớn methane - một khí gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng. Khi bãi rác và các khu chôn lấp quá tải, lò đốt rác được lựa chọn bởi có hai lợi thế khiến Nhật Bản và phần lớn châu Âu theo đuổi: chúng chiếm ít diện tích hơn so với bãi rác và hơi nóng từ rác đốt có thể được sử dụng để tạo ra điện.

Những tác động đối với môi trường của công nghệ này có thể hạn chế được, ngay như phân loại rác cũng giúp các lò đốt rác hoạt động sạch hơn, bởi nhiệt độ trong lò có thể được điều chỉnh chính xác để hạn chế sự hình thành dioxin. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư ra sao và công nghệ theo tiêu chuẩn nào mới là điều quan trọng, bởi không phải nước nào cũng đáp ứng được những điều kiện nghiêm ngặt đó.

Một điều tra độc lập của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2007 cho thấy, ngân sách dành cho môi trường được gọi là “sao lãng, lơ là” khi chỉ chiếm 5% GDP, trong khi đó, nhiều chính phủ châu Á chi cho hoạt động bảo vệ môi trường chưa đầy 1% GDP.

Tình trạng người dân phải chung sống với rác còn do nhiều nguyên nhân khác như: Do ý thức người dân, do thiếu khung pháp lý, thiếu sáng kiến, nguồn vốn đầu tư và công nghệ. Cho tới nay, chỉ một số ít thành phố phát triển của châu á có đủ công nghệ khai thác rác như là một nguồn tài nguyên, tái chế và biến chúng thành nhiên liệu tái sinh.

Còn ở các quốc gia tiên tiến, mỗi thành phố lớn thường có vài nhà máy xử lý rác hiện đại, rác thải được “đóng bánh”, đưa về phân loại để rồi chuyển tới những nơi chuyên môn về phân bón, đồ tái chế… Bởi thế, xử lý rác thải sẽ là cuộc chạy đua “marathon” đối với nhiều đô thị của châu lục này, nhất là khi rác thải luôn đồng hành cùng với sự phát triển của đời sống.

(Còn nữa)

Hải Yến (Tổng hợp)