Người Trung Quốc cuồng không khí sạch

ANTĐ - Hiện nay ở Trung Quốc, không khí trong lành là một thứ xa xỉ, quý giá. Để bảo vệ sức khỏe, một người dân Trung Quốc như Liu Nanfeng “chịu chơi” có tới 5 máy lọc không khí trong căn hộ riêng ở thủ đô Bắc Kinh, cộng thêm 2 máy đo chất lượng không khí và một hệ thống lọc nước sạch. Nhưng vẫn không ngừng lo ngại rằng sức khỏe đứa con gái 2 tuổi của mình sẽ bị đe dọa. 

Người Trung Quốc cuồng không khí sạch ảnh 1

“Các gia đình bong bóng”

Anh Zhao Shuang (ở TP Bảo Định, tỉnh Hà Bắc) đi làm vào buổi sáng giống như hàng nghìn người khác với khẩu trang che kín miệng bởi xung quanh là khói bụi từ nhà máy năng lượng than tỏa ra khắp bầu trời, hòa quyện với tuyết rơi đầu mùa. Thế nhưng, nhà máy là thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm cho TP Bảo Định lại là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc. Thành phố một triệu dân này được công bố là thành phố “nhiễm carbon” đầu tiên trên thế giới, là nơi có hơn 200 nhà sản xuất năng lượng thay thế và công nghệ năng lượng hiệu quả.

Cuối tháng 11-2015, Cơ quan Đánh giá chất lượng không khí (AQI) đo được tại một trạm kiểm soát ở TP Bảo Định là 1.000 đơn vị, mức tồi tệ nhất trên toàn Trung Quốc. Theo hướng dẫn của Liên Hiệp quốc, chỉ số ô nhiễm cao  trên 100 đơn vị là ở mức gây hại cho sức khỏe và liệt vào nhóm nguy cơ cao. Theo lời anh Zhao, TP Bảo Định, lớp khói bụi có thể nhìn thấy rõ ràng bằng mắt, thậm chí khiến mắt bỏng rát và để lại mùi vị của a-xít trong miệng của những người đi lại trên đường.

Đối với anh Zhao - nhân viên - tại khâu sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời ở Công ty Yingli Solar, một trong những nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc - ô nhiễm không chỉ là chuyện của quốc gia mà còn là vấn đề của cá nhân anh. Anh làm việc 60 tiếng một tuần và đi bộ về nhà hàng ngày cùng con trai mình. Zhao hy vọng công việc của mình sẽ giúp mọi việc biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn, để con trai anh không phải sợ mỗi khi muốn hít thở sâu như mình. 

Với Xue Peng, một kỹ sư hóa học 32 tuổi sống ở TP Thượng Hải, việc vợ anh mang thai cách đây 3 năm đã thay đổi gần như mọi thứ. “Tôi có một sinh linh cần được bảo vệ. Tôi có trách nhiệm mang tới cho con mình một môi trường an toàn”, anh Xue chia sẻ. Xue đã chi khoảng 30.000 NDT (4.627 USD) để mua hai máy lọc khí từ Philips và công ty Blueair của Thụy Điển. Anh cũng bỏ ra thêm 20.000 NDT nữa để mua hệ thống lọc nước từ Công ty Ecowater của Mỹ. Anh hạn chế việc mua đồ chơi cho con, chỉ sử dụng hàng của các thương hiệu lớn và uy tín như Lego, Fisher Price.

Sẵn sàng chi nhiều tiền để có sự an toàn

Theo giới quan sát, những nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển sinh thái và cam kết xây dựng một -“Trung Quốc tươi đẹp” của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc sẽ khó trở thành hiện thực với một bầu trời tối sầm vì không khí ô nhiễm, Tân Hoa xã bình luận trong một bài báo.

Sự ô nhiễm nặng trên khắp Trung Quốc buộc nước này phải tăng cường nhu cầu sử dụng năng lượng sạch. Năm 2014, các công ty đại lục đã đầu tư hơn 80 tỷ USD điện hydro cho đến các dự án năng lượng gió và mặt trời. Mặc dù vậy, các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Đây là nơi mà than đá vẫn được coi là “vua” bởi tính hiệu quả và giá thành rẻ, vì vậy nó chiếm tới 60-70% tổng năng lượng của Trung Quốc.

Theo Tổ chức Greenpeace, giữa tháng 1 và tháng 9-2015, Trung Quốc đã cho phép ít nhất 155 nhà máy điện sử dụng than đá hoạt động, tương đương với 4 nhà máy một tuần. Nhưng theo cam kết, Trung Quốc, nước phát thải nhà kính lớn nhất thế giới, vẫn sẽ đạt được mục tiêu tham vọng là giảm mức phát thải xuống đỉnh điểm đến năm 2030.

Về phía cá nhân, tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài ở Trung Quốc và các bê bối thường xảy ra, liên quan tới an toàn của sản phẩm tiêu dùng đã khiến ngày càng nhiều người dân phải tự tạo ra các “bong bóng bảo vệ” quanh mình. Cụ thể, họ mua về vô số máy lọc nước, lọc không khí và sản phẩm được dán mác “sạch”. Họ thậm chí còn đặt máy lọc không khí trong xe hơi.

Trong khi không có dữ liệu thống kê chính thức, các chuyên gia phân tích thị trường nói rằng quan điểm trên phản ánh mối quan ngại của một bộ phận lớn và ngày càng đông thêm những người tiêu dùng giàu có ở đô thị Trung Quốc. Min Yoo - Giám đốc quản lý tại Công ty Nghiên cứu thị trường YouGov thì nói rằng không chỉ người sống tại đô thị ở Trung Quốc, thuộc tầng lớp “cổ cồn trắng”, mới quan ngại về vấn đề môi trường và sẵn lòng vung tiền để bảo vệ bản thân. Nỗi lo đã lan tỏa rộng ra xã hội. 

Trong khi đó các công ty nước ngoài và trong nước hoạt động ở Trung Quốc đã bắt đầu chú ý tới cái gọi là “các gia đình bong bóng” - một bộ phận dân số đang phất lên nhờ sự trợ giúp của công nghệ mới và nhờ sự lan tỏa nhanh của thương mại điện tử.

Hoạt động nhập khẩu nước đóng chai tăng vọt về số lượng, từ 36 triệu lít cách đây 2 năm, lên 46 triệu lít trong 10 tháng đầu năm nay. Gần đây, người dân Trung Quốc đổ xô mua không khí sạch đóng chai của Canada do Công ty sản xuất không khí sạch đóng chai Vitality Air. Hầu hết khách hàng của công ty là công dân sống tại các thành phố lớn ở Đông bắc và phía Nam Trung Quốc, nơi có không khí bị ô nhiễm nặng.