Người phụ nữ từng bị án oan đi tìm "cơ hội thứ hai" cho phạm nhân ở Kenya

ANTD.VN - Xuất hiện tại Chương trình hội thảo dành cho phụ nữ “TED Women năm 2017” vào cuối tháng 11 vừa qua, Teresa Njoroge đã chia sẻ những tháng ngày mình ngồi tù oan, hành trình đi tìm công lý, rồi đến ý tưởng thành lập một doanh nghiệp xã hội với mục tiêu tạo thêm cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, giúp họ hòa nhập cuộc sống sau khi ra tù.

Người phụ nữ từng bị án oan đi tìm "cơ hội thứ hai" cho phạm nhân ở Kenya ảnh 1Các cựu tù nhân khao khát được hoàn lương, nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng

Năm 2000, nhận được bằng tốt nghiệp Cử nhân Thương mại của tại Đại học Pune (Ấn Độ), Teresa Njoroge quyết định trở về Kenya làm việc. Sau 3 năm nỗ lực làm việc, Teresa có được một vị trí tốt hơn tại ngân hàng quốc tế Standard Chartered có chi nhánh tại Nairobi…

Nhưng cuối năm 2008, Teresa gặp “tai nạn nghề nghiệp” khi bị cho là đã tham gia một giao dịch tài chính gian lận tại Ngân hàng Standard Chartered. Teresa vẫn nhớ y nguyên cảm giác sốc, sợ hãi khi bị cảnh sát bắt giữ ngay tại bàn làm việc của mình vào ngày 7-1-2009.

Trong suốt hai năm rưỡi sau đó, Teresa đã phải trải qua các phiên tòa xét xử, cô luôn cố gắng chứng minh mình vô tội. Ngày 4-3-2011 là phiên xét xử cuối cùng. Tòa tuyên Teresa 1 năm tù giam cùng số tiền phạt 2 triệu Shilling. Số tù 415/11 là “tên” mới của cô tại nhà tù ở Langata. Sau đó, nhóm luật sư đã kháng cáo thành công cho Teresa. Năm 2012, Teresa được chứng minh vô tội và được trả tự do.

Việc quan trọng đầu tiên khi được về nhà là Teresa điều trị những chấn thương tâm lý mà cô đã phải trải qua trong tù. Teresa thực sự thấu hiểu, cảm thông với không ít nỗi oan ức, sự kỳ thị mà nữ tù nhân gặp phải.

Cô từng lắng nghe những câu chuyện của gần 700 phụ nữ trong suốt một năm ở tù và nhận ra nhiều trường hợp trong số họ đã phải vào tù không phải vì tội lỗi do họ gây ra hay phạm tội “có chủ đích”. Thực tế, không ít phạm nhân nữ ở nhà tù Langata vướng vào vòng lao lý vì các tội nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do họ mù chữ, thiếu hiểu biết mà vô tình vi phạm pháp luật. Họ không biết phải được cấp phép mới được bày bán hàng trên đường phố; hoặc chỉ là một hành động “tự vệ” để chống lại người chồng bạo lực hay bị những thành viên trong gia đình chồng ngược đãi…

Ở Kenya hiện có khoảng 1,5 triệu phụ nữ sống trong nghèo đói kinh niên, rơi xuống vực thẳm khi không có khả năng đóng tiền án phí. Trong số 1,5 triệu người này, hiện có hơn 20.000 phụ nữ bị giam trong các nhà tù ở Kenya, nhiều người trong số họ cảm thấy tồi tệ hơn sau khi được trả tự do, dẫn đến tỷ lệ tái phạm ở nữ giới là 40-50%.

Nhận thức rõ điều này, Teresa Njoroge đã quyết định thành lập Tổ chức Support Me in My Shoes - SMIMS nhằm giúp đỡ cựu tù nhân tái hòa nhập cộng đồng. Mới nhất, Teresa cho mở thêm một tổ chức Clean Start - một doanh nghiệp xã hội với mục tiêu tạo thêm cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, giúp họ hòa nhập cuộc sống suôn sẻ sau khi ra tù.

15 thành viên của Clean Start là các cựu tù nhân ở Nairobi và Kiambu. Họ sẽ tiếp cận những tù nhân nữ ở các trại giam Langata, Thika và Machakos, rồi tổ chức đào tạo nghề, trao cho họ công cụ làm việc và giúp họ thay đổi tư duy, lẫn hành vi. Doanh nghiệp này cũng tạo công ăn việc làm, cung cấp chỗ ở và tiếp tục dạy nghề cho những người từng phải ngồi tù. Với nguồn quỹ hỗ trợ từ các nhà thờ địa phương, Teresa thậm chí còn giúp một số người khởi nghiệp kinh doanh. 

Teresa mong muốn sẽ truyền bá thông điệp hy vọng của mình đến được các nhà tù khác trên khắp Kenya. “Mọi người đều xứng đáng có được cơ hội thứ hai trong cuộc đời. Một số tù nhân bị giam oan, và cũng có nhiều tù nhân khao khát được hoàn lương”, Teresa nhấn mạnh.