Người phụ nữ Mỹ bị đồn là "bệnh nhân số 0", đưa dịch Covid-19 đến Trung Quốc

ANTD.VN - Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của Maatje Benassi, một nữ quân nhân dự bị Mỹ bị xáo trộn khi cô trở thành trung tâm của một thuyết âm mưu cáo buộc cô là người mang virus Corona mới đến Trung Quốc.

Có lẽ cái tên Maatje Benassi đã trở nên quen thuộc với cư dân mạng Trung Quốc khi các thông tin sai lệch về cô lan truyền trên Youtube mỗi ngày. Mặc dù chưa từng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hay trải qua triệu chứng nào, Benassi và chồng hiện đang được cho là đối tượng phát tán dịch bệnh trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.

Người phụ nữ Mỹ bị đồn là "bệnh nhân số 0", đưa dịch Covid-19 đến Trung Quốc ảnh 1Maatje Benassi trở thành nạn nhân của một thuyết âm mưu phi lý liên quan đến Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc

Nạn nhân của tin đồn ác ý

Các tin đồn ác ý đó khiến cuộc sống của vợ chồng Benassi bị đảo lộn. Địa chỉ nhà của họ đã được đăng lên mạng và trước khi đóng tài khoản mạng xã hội, các hộp thư của họ tràn ngập tin nhắn từ những người tin vào thuyết âm mưu này. “Nó giống như ta tỉnh giấc vì gặp ác mộng và giấc mơ cứ diễn ra từ ngày này qua ngày khác”, Maatje Benassi lần đầu tiên công khai về việc bị bôi xấu trên mạng.

Đại dịch Covid-19 bất ngờ lan rộng khắp thế giới, gây ra những hậu quả khủng khiếp mà lại không rõ nguồn gốc nên có nhiều thông tin sai lệch về nó. Và mặc dù các hãng công nghệ lớn đã nỗ lực loại bỏ “tin vịt” về virus SARS-CoV-2 nhưng điều đó vẫn không giúp được gì cho vợ chồng Maatje Benassi.

Sự khốn khổ của gia đình họ càng cho thấy tin tức giả có thể lan truyền một cách trắng trợn trên các nền tảng truyền thông xã hội đến thế nào. Đó cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, thông tin sai lệch trực tuyến, dù có vẻ hoang đường và không thể nào đúng nhưng có thể gây ra có hậu quả thực sự và lâu dài.

Maajte và chồng cô, Matt Benassi vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến. Maajte là một nhân viên dân sự tại căn cứ quân sự Fort Belvoir ở Virginia còn Matt, một sĩ quan Không quân đã nghỉ hưu, là một nhân viên dân sự của Không quân tại Lầu Năm Góc. Mặc dù làm việc cho Chính phủ Mỹ, cặp vợ chồng này cũng trải qua cảm giác bất lực giống như những người khác, những người từng là mục tiêu của sự quấy rối và thông tin sai lệch.

“Tôi muốn tất cả mọi người ngừng quấy rối tôi, bởi vì điều này là một kiểu đe dọa trên mạng và ngày càng mất kiểm soát”, Maajte nói trong khi cố kìm nước mắt.

Matt đã cố gắng đề nghị Youtube gỡ các video xuống và ngăn chặn việc lan truyền trên mạng. Cặp vợ chồng cũng đã liên lạc với một luật sư và cảnh sát địa phương nhưng mọi chuyện không có mấy hy vọng.

Thuyết âm mưu về nguồn gốc virus lạ

Cũng giống như virus mới bùng phát, các thuyết âm mưu cũng hình thành ngẫu nhiên, có biến đổi và tiến hóa để lây lan và tồn tại. Trước khi Maatje Benassi trở thành nhân vật chính trong một thuyết âm mưu, các biến thể của nó đã được lưu hành trực tuyến trong nhiều tháng.

Những tuần đầu tiên virus Corona mới xuất hiện, không hiểu từ đâu có một giả thuyết rằng đó là vũ khí sinh học của Mỹ. Sau đó, một thành viên của chính phủ Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng không loại trừ khả năng quân đội Mỹ đã mang virus đến Trung Quốc. Phản bác điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói “hoàn toàn vô lý và thật vô trách nhiệm” khi đại diện chính phủ Trung Quốc đưa ra giả thuyết đó.

Mãi đến tháng 3-2020, vài tháng sau khi Trung Quốc báo cáo các ca nhiễm virus Corona đầu tiên, những người theo đuổi thuyết âm mưu đã chuyển trọng tâm sang Maatje Benassi. Giả thuyết vô căn cứ xuất phát từ việc cô tham gia Hội thao Quân sự Thế giới hồi tháng 10-2019 được tổ chức tại thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc.

Maatje Benassi thi đấu ở nội dung đua xe đạp, nhưng cô bị tai nạn ở vòng đua cuối cùng dẫn đến gãy xương sườn và chấn thương. Mặc dù gặp sự cố, Benassi vẫn hoàn thành cuộc đua, nhưng hóa ra đó là khởi đầu của điều tồi tệ hơn. Trong khi hàng trăm vận động viên của quân đội Mỹ tham gia tranh tài, Maatje Benassi đã bị “đưa vào tầm ngắm” trong một thuyết âm mưu.

Trong số những người cổ vũ cho ý tưởng rằng Benassi tham gia âm mưu bí mật gieo rắc virus có lẽ nổi bật nhất là George Webb, một công dân Mỹ 59 tuổi. Trong nhiều năm, Webb thường xuyên phát trực tiếp hàng giờ trên Youtube. Kênh Youtube riêng của người này thu hút được hơn 27 triệu lượt xem và gần 100.000 người theo dõi.

Năm 2017, CNN tiết lộ, George Webb là một trong 3 nhà lý luận âm mưu đã tung tin đồn về một con tàu chở “bom bẩn” chuẩn bị cập cảng Charleston ở Nam Carolina. Không quả bom nào được tìm thấy, nhưng hoang tin đó đã khiến cảng biển vào hàng lớn nhất nước Mỹ phải tạm ngừng một phần hoạt động như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

Webb thậm chí còn tuyên bố rằng DJ Benny Benassi của Italia, người nổi tiếng với ca khúc “Satisfaction” vào năm 2002 đã bị nhiễm Covid-19 và DJ này, cùng với Maatje và Matt Benassi, là một phần của âm mưu tung virus ra khắp thế giới. Trên thực tế, Benny nói rằng ông chưa bao giờ gặp Maatje và Matt, cũng như họ không liên quan gì tới nhau, ngoại trừ Benassi là họ rất phổ biến ở Ý. Benny Benassi cũng khẳng định không nhiễm virus Corona mới. Ông phải hoãn các chuyến biểu diễn vì lệnh cấm đi lại và giãn cách xã hội.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNN Business tuần trước, George Webb không đưa ra bằng chứng xác thực nào về thông tin liên quan đến 3 người mang họ Benassi và cho biết, ông ta coi mình là “phóng viên điều tra” chứ không phải là người ủng hộ thuyết âm mưu.

Khó xử lý “tin vịt” trên mạng xã hội

George Webb từng thừa nhận, các video trên Youtube của ông ta bao gồm các quảng cáo đang kiếm tiền từ thông tin sai lệch của ông ta, cũng như chính bản thân nhân vật này. Tuy nhiên, YouTube gần đây đã ngừng chạy quảng cáo trên các video của ông ta sau khi ông đưa thông tin về đại dịch Covid-19.

Điều đó có nghĩa, Webb có thể mất đi nguồn thu vài trăm USD mỗi tháng từ Youtube. Youtube đã xác nhận rằng họ đã xóa một số video được Webb đăng tải trước đây, rằng hãng cam kết quảng bá thông tin chính xác về đại dịch nên đã xóa một số bình luận có tính chất đe dọa những người bị “đổ tiếng oan” đăng dưới video của Webb.

Trong khi các cáo buộc với 3 người họ Benassi không đúng sự thật, nhưng lời đe dọa và thông tin sai lệch mà họ phải gánh chịu là thực. “Thật khó để buộc ông ấy [Webb] có trách nhiệm”, Matt Benassi nói. “Lực lượng thực thi pháp luật sẽ nói với bạn rằng không thể làm gì vì người Mỹ được tự do phát biểu, rồi khuyên tìm một luật sư dân sự. Đối với những người như chúng tôi, thật quá tốn kém để theo kiện vụ việc kiểu này”.

Matt Benassi cho biết, ông đã khiếu nại với Youtube nhưng ngay cả khi công ty gỡ video xuống, có thể mất nhiều ngày. Chừng đó thời gian, video có thể đã lan truyền rộng khắp. Tệ hơn nữa, video Webb đã đăng lên Youtube bị xóa lại tiếp tục bị đăng lên trên chính nền tảng này. Tại Trung Quốc, các video trên Youtube tấn công 3 người cùng mang họ Benassi được chia sẻ nhiều trên các nền tảng phổ biến như WeChat, Weibo và Xigua Video có dịch sang tiếng Trung Quốc.

Thật không may, 3 nạn nhân nói trên không phải là trường hợp duy nhất. Theo ông Danielle Citron, Giáo sư luật tại Đại học Luật Boston, với hiện tượng “bắt nạt trên mạng”, cơ quan thực thi pháp luật thường không thể hoặc sẽ không điều tra. Nhưng đối với Youtube, ông Citron cho biết, luật phải thay đổi vì hiện giờ họ đang được miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm pháp lý theo luật liên bang.

Có lẽ cái tên Maatje Benassi đã trở nên quen thuộc với cư dân mạng Trung Quốc khi các thông tin sai lệch về cô lan truyền trên YouTube mỗi ngày. Mặc dù chưa từng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hay trải qua triệu chứng nào, Benassi và chồng hiện đang được cho là đối tượng phát tán dịch bệnh từ Mỹ sang Vũ Hán, Trung Quốc. “Mỗi lần gõ tên của tôi lên Google, sẽ có đầy kết quả nói tôi là bệnh nhân số 0, gieo rắc Covid-19”, Maatje Benassi chia sẻ.