Người phụ nữ đấu tranh đòi "bình quyền sex" ở Indonesia

ANTD.VN - Firliana Purwanti, 39 tuổi, được nhiều người Indonesia gọi với cái tên là “Người đàn bà cực khoái” bởi cô luôn lến tiếng đấu tranh đòi bình đẳng cho phụ nữ. Firliana Purwanti cho rằng, phụ nữ cần được chia sẻ một cách công bằng về “chuyện phòng the”, niềm vui trong tình dục sẽ là tiền đề để thực hiện quyền bình đẳng trong xã hội.

Dư luận quốc tế từng xôn xao về “bài kiểm tra trinh tiết” để tuyển dụng nữ nhân viên cảnh sát ở Indonesia  năm ngoái

Vẫn những quan niệm cổ hủ 

Theo bảng xếp hạng khoảng cách giới (Gender Gap Index) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015, Indonesia xếp hạng thứ 92 trên tổng số 145 quốc gia, khi chỉ có 54% phụ nữ làm việc, còn tỷ lệ này ở nam giới là 86%. Các nhà nghiên cứu xã hội học nhận định, mặc dù kinh tế  Indonesia đã có những bước phát triển đáng kể trong thập kỷ qua nhưng quan niệm, tập quán cổ hủ vẫn tồn tại.

Dư luận quốc tế từng xôn xao về “bài kiểm tra trinh tiết bằng hai ngón tay” để tuyển dụng nữ nhân viên cảnh sát ở Indonesia hồi năm ngoái. Tổng Thanh tra Moechgiyarto xác nhận, kiểm tra trinh tiết để xác định “tình trạng sức khỏe” của các nữ ứng viên.

Ông cho rằng, đây là việc làm cần thiết để ngăn chặn nạn mại dâm trong lực lượng cảnh sát, đồng thời cũng được áp dụng với những phụ nữ khi kết hôn với các quân nhân.  Cùng với đó, nghi lễ cắt âm vật (FGM) vẫn được thực hiện tại một số khu vực ở Indonesia. Nhiều người đánh đồng phụ nữ mạnh dạn đề cập đến vấn đề tình dục là “bừa bãi” hoặc “vô đạo đức”. Một số nhà hoạt động Hồi giáo bảo thủ vận động để ban hành lệnh cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.

Trong bối cảnh những vấn đề về tình dục hiếm khi được đề cập ở một quốc gia Hồi giáo như Indonesia cũng như các quan điểm bảo thủ nói trên, khi Firliana Purwanti, một phụ nữ lên tiếng đấu tranh đòi bình đẳng giới cho phụ nữ, dường như cô đã đánh trúng tâm lý của nhiều người và ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận. 

Giải phóng tình dục để bình đẳng giới

Đáng nói là, cách tiếp cận vấn đề của Firliana Purwanti được cho là rất độc đáo. Cô lên án, kêu gọi phụ nữ đấu tranh chống lại những việc làm hạ thấp phụ nữ.

“Cơ thể, khoái cảm tình dục là của bạn. Nhà nước không có quyền gì với vấn đề riêng tư này. Là một người dân Indonesia, tôi cảm thấy ngượng khi xã hội chúng ta vẫn cho rằng, màng trinh có ý nghĩa quyết định để một người trở thành sĩ quan cảnh sát hay tốt nghiệp trung học. Chúng ta cần phải trung thực để giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội như trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mại dâm và phân biệt đối xử đối với cộng đồng thế giới thứ ba - LGBT”, Firliana Purwanti nói.

Firliana Purwanti nói thêm, nhiều người Indonesia đang vận động chống lại việc kiểm tra trinh tiết thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Ủy ban Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ cũng kêu gọi cảnh sát dừng tiến hành những bài kiểm tra trinh tiết khi tuyển dụng nhân viên mới.

Firliana Purwanti đã viết cuốn sách mang tên “The O Project” vào năm 2010, ghi lại những cuộc phỏng vấn về vấn đề “nhạy cảm” - sự “cực khoái” với 16 phụ nữ Indonesia trên khắp đất nước. Sau khi phát hành, 5.000 bản đã bán hết và cuốn sách cũng được dịch sang tiếng Anh vào năm ngoái.

“Ban đầu, tôi sợ những người phụ nữ sẽ e ngại khi tâm sự về chuyện thầm kín này nhưng trái lại, tất cả đều nói chuyện một cách vui vẻ.  Những người phụ nữ nói rằng, không có ai, thậm chí là cả những “đối tác” hỏi họ về vấn đề này. Họ cảm thấy vui vì có người quan tâm đến niềm vui của họ”, cô Purwanti nói.

Purwanti cho biết, cô đang nỗ lực để đẩy lùi nỗi ám ảnh về vấn đề trinh tiết ở Indonesia. “Hơn một nửa số người theo dõi Facebook của tôi là nam giới. Rất khó khăn để thu hút nam giới theo dõi phong trào đấu tranh cho phụ nữ. Tuy nhiên, khi nói đến tình dục, họ tham gia ngay lập tức", Purwanti nói.