Người Mỹ được trấn an bình tĩnh và không tích trữ quá mức

ANTD.VN - Giấy vệ sinh Charmin không còn tại hệ thống siêu thị Costco. Gạo, khẩu trang ở Walgreen cháy hàng. Ngay cả nước rửa tay diệt khuẩn cũng hết sạch trên Amazon. Có phải người Mỹ đang thận trọng chuẩn bị cho đại dịch Covid-19 mới bằng cách dự trữ hàng hóa hay chỉ là đổ xô đi mua hàng trong hoảng loạn?

Cuối tuần qua, cư dân mạng Mỹ đã chia sẻ rất nhiều hình ảnh ghi lại những dòng người khổng lồ xếp hàng vào các siêu thị để mua đồ dự trữ hay các kệ hàng trống trơn. Kroger - siêu thị truyền thống lớn nhất với hơn 2.700 cửa hàng ở Mỹ đã đăng một thông báo lên trang web của họ hôm 2-3 cho biết, phải hạn chế mỗi người chỉ được mua 5 sản phẩm thuộc nhóm khử trùng, hỗ trợ chống cảm lạnh và cảm cúm trong bối cảnh nhu cầu tăng đột biến.

Tác động đáng lo ngại khi vơ vét hàng hóa

Từ trước tới nay, người Mỹ duy trì thói quen dự trữ đồ dùng cần thiết đề phòng các trường hợp khẩn cấp như động đất ở California hay bão lớn ở miền Đông. Cơ quan ứng phó khẩn cấp liên bang gần đây cũng khuyến nghị cư dân nên trữ nước, thực phẩm và thuốc đủ dùng trong 2 tuần, đề phòng dịch Covid-19 bùng phát. Tuy vậy, trào lưu vơ vét, dự trữ hàng hóa dẫn đến khan hiếm đang mang đến những tác động đáng lo ngại. Tổng Y sỹ Hoa Kỳ Jerome M. Adams - người phát ngôn về các vấn đề có liên quan đến y tế công cộng trong Chính phủ liên bang cuối tuần trước đã viết trên Twitter: “Những người đang nghiêm trọng hóa, hãy dừng mua khẩu trang. Việc này không hiệu quả trong việc ngăn chặn Covid-19 nói chung. Khi mà những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe của chúng ta không có khẩu trang để chăm sóc bệnh nhân, điều này sẽ khiến họ và cả cộng đồng gặp nguy hiểm”.

Một số chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm không tin rằng Mỹ đang đối mặt với tình hình nghiêm trọng như Trung Quốc, nơi hàng trăm triệu người rơi vào tình trạng bị cách ly tại nhà, các khu dân cư bị niêm phong và phương tiện đi lại cũng bị cấm. Tiến sĩ James Cherry thuộc Đại học California tại Los Angeles - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói, ông luôn dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đề phòng động đất. Tuy nhiên, các ca gia tăng gần đây không có nghĩa là dịch sẽ lan rộng khắp nước Mỹ.

Cho đến nay trên toàn thế giới có hơn 90.000 người đã bị nhiễm Covid-19 và hơn 3.000 người đã chết trong chưa đầy 3 tháng. Cách đây 1 thế kỷ, đại dịch cúm năm 1918 tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của cả trăm triệu người ở các lứa tuổi. Hầu như tất cả các trường hợp tử vong thời đó là kết quả của viêm phổi do vi khuẩn thứ cấp. Chuyên gia Cherry phân tích rằng, thời đại đó, con người không có thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn liên quan đến cúm. “Dựa trên những gì chúng tôi biết về gần 45.000 bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc có hồ sơ được các cơ quan y tế Trung Quốc ghi nhận, không có ca tử vong nào dưới 10 tuổi, hầu hết bệnh nhân tử vong là người từ 70 tuổi trở lên. Tôi nghĩ mọi người không nên phản ứng thái quá. Người cao tuổi và có tiền sử bệnh thì nên cẩn thận hơn”.

Sợ hãi và hoảng loạn còn nguy hiểm hơn cả virus

Tính đến ngày 4-3, toàn nước Mỹ phát hiện 158 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 45 công dân hồi hương từ tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ở Nhật Bản cũng như 3 người từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về. Thống kê cho thấy, 13 tiểu bang trên toàn nước Mỹ đã xuất hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19. Trong tổng số ca nhiễm và 11 ca tử vong, tiểu bang Washington chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Thông báo sau cuộc họp các quan chức từ khắp nước Mỹ hôm 3-3, Tổng thống Donald Trump cho biết đang đề xuất Quốc hội phê chuẩn quỹ khẩn cấp chống dịch Covid-19 lên tới 8,5 tỷ USD nhằm đảm bảo các sở y tế của tiểu bang và địa phương có được mọi thứ cần thiết. Trả lời phóng viên Fox News ngày 4-3, ông Trump cho biết, hầu hết các ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ khá nhẹ, thậm chí có người tự khỏi, không cần gọi bác sỹ.

Các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, hiếm khi một mầm bệnh đường hô hấp như virus này có thể lây lan rộng rãi trong cộng đồng như vậy, nhưng nó cũng có thể ngăn chặn được. WHO cũng kêu gọi công chúng giữ bình tĩnh, bởi sự sợ hãi và hoảng loạn còn nguy hiểm hơn cả virus. “Quan tâm và lo lắng là tốt, nhưng hãy bình tĩnh và làm những điều đúng đắn”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh.