Người Iraq và những nỗi lo về thuế
(ANTĐ) - Nhiều năm nay, Tổng giám mục Paulos Faraj Rahho chuyên tâm đi quyên góp tiền cho người nghèo, những tưởng những đồng dinar nhầu nhĩ này sẽ đến được tay những người khó khăn, nhưng không ngờ chúng lại rơi vào tay một kẻ bất lương, từng đe dọa vị Tổng giám mục và giáo đoàn của ông.
Không còn cách nào khác Rahho phải cố gắng mọi cách để bảo vệ những con chiên của mình. Ngay khi các quan chức quân đội Mỹ tuyên bố tình hình an ninh bắt đầu được cải thiện ở Iraq, Tổng giám mục Rahho, 65 tuổi, liền từ chối tiếp tục trả khoản tiền “bảo trợ”.
Có lẽ chính vì quyết định này mà Rahho đã bị bắt cóc và bị hành quyết tại thành phố Mosul. Tổng giám mục Rahho đã trở thành một trong số những quan chức tôn giáo Iraq cao nhất bị thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Iraq và cái công việc đi quyên tiền đút lót cho quân nổi dậy của ông đã được thế giới bên ngoài biết đến.
Mosul được coi như là một pháo đài cuối cùng trong thành phố của quân nổi dậy Sunni. Thành phố phía Bắc Iraq này, với sự đa dạng về tôn giáo và dân tộc, là một nơi khá yên bình.
Nhưng từ năm 2004, những cuộc tấn công của quân đội ở miền Tây Baghdad đã buộc những thành viên của nhóm nổi dậy Sunni ở Mesopotamia di chuyển về phía Bắc, khiến cho vùng này và thành phố Mosul rơi vào tình trạng lộn xộn, còn những người Công giáo ở đây, được coi là đồng minh của quân Mỹ, đã trở thành mục tiêu trả thù của quân nổi loạn.
Trong lịch sử hơn 1.000 năm nay, vùng phía Bắc Iraq này là mảnh đất sinh sống của nhiều nhóm người như người Kurd, Yazidis, Sunni, Shiite... có tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Nhưng kể từ thời tiên tri Muhammad, người sáng lập đạo Hồi ở Trung Đông, thì sự đa dạng về tôn giáo của vùng đất này được chấp nhận nhờ vào một khoản thuế đặc biệt đối với người Do Thái và người Công giáo.
Khoản thuế đặc biệt này đã trở thành cái cớ để bọn nổi dậy lợi dụng tống tiền những người Công giáo. Và hàng tháng, một thành viên nam trong gia đình người Công giáo có thể phải nộp hàng trăm USD cho khoản thuế này. Trong nhiều trường hợp các gia đình người Công giáo ở đây phải bòn rút những khoản tiết kiệm, thậm chí vay nợ để có thể đóng đủ tiền cho bọn nổi dậy.
Bảo vệ nhà thờ ở Baghdad |
Trong khi quân nổi dậy vẫn thường xuyên tìm cách đòi tăng khoản tiền nộp bằng cách bắt cóc những linh mục đòi tiền chuộc. Các giáo đoàn lại phải lo khoản tiền chuộc, có khi lên đến 150.000 USD, mặc dù hơn 700.000 người Công giáo ở Iraq biết rõ rằng những đồng tiền của họ sẽ được sử dụng để mua vũ khí, bom đạn... sát hại những người khác.
Những khoản nộp này bắt đầu tăng từ năm 2006-2007 và trở thành một nguồn tài chính cho hoạt động nổi loạn. Nó còn trở thành một gánh nặng trong cuộc sống của những người Công giáo ở Iraq vì không một người Thiên chúa nào không phải đóng khoản tiền này.
Thậm chí một phần tiền những người Công giáo ở Iraq trả cho quân nổi dậy lại có nguồn gốc từ những khoản quỹ ủng hộ của những người Công giáo ở nước ngoài được quyên góp để giúp đỡ những người đồng đạo ở Iraq.
Trong một cuộc họp Quốc hội Iraq năm 2006, vấn đề đảm bảo an toàn cho người Công giáo ở Iraq đã được bàn đến và quân đội Mỹ đã bị cáo buộc là không thể bảo vệ được những người Công giáo ở đây vì lo ngại rằng một sự quan tâm đặc biệt đối với nhóm thiểu số này sẽ dẫn đến sự chú ý của quân nổi loạn.
Quả thực, nhiệm vụ bảo vệ những vùng Công giáo ở Mosul và các làng lân cận đã rơi vào tay lực lượng dân quân người Kurd, và sau này là do những đơn vị quân đội Iraq có người Kurd chiếm số đông đảm trách. Tuy nhiên, người Kurd lại có chương trình riêng của họ là mở rộng phạm vi vùng đất của họ.
Người Kurd đã khẳng định 5 quận tranh chấp ở tỉnh Nineveh, bao gồm cả 2 quận người Công giáo. Người Công giáo đã buộc tội người Kurd tước đoạt đất đai của họ. Kết quả là hàng trăm nghìn người Công giáo Iraq đã phải di cư.
Và cho đến nay, số người Công giáo Iraq chỉ còn lại khoảng 700.000 người so với 1,3 triệu người trước khi chiến tranh Iraq xảy ra. Những người ở lại thường xuyên phải đóng khoản thuế “bảo trợ” cho quân nổi dậy. Tổng giám mục Rahho không phải là người duy nhất phải trả khoản tiền này.
Những người phải nộp tiền cho biết, những khoản nộp được thu gom thông qua một cơ chế hết sức đơn giản. Một người tự xưng là Abu Huraitha gọi điện thoại đến các nhà thờ đe dọa đòi tiền, sau đó sẽ có một người đi thu tiền ở các nhà thờ. Một linh mục cho biết, trong vòng 3 năm qua ông đã phải nộp cho chúng khoảng 8.000 USD (10 triệu dinar).
Đến cuối năm 2007, có tin cho rằng Abu Huraitha đã bị quân đội Mỹ bắn chết. Nhân cái chết này, nhiều lãnh đạo nhà thờ đã từ chối tiếp tục nộp tiền cho quân phiến loạn. Tổng giám mục Rahho cũng đưa ra lời từ chối nộp các khoản tiền bảo trợ trên một chương trình truyền hình.
Một tháng sau ngày tuyên bố chấm dứt nộp tiền bảo trợ, Tổng giám mục Rahho đã bị bắt cóc và sát hại. Một người đàn ông Arab có tên là Ahmed Ali Ahmed đã bị bắt và xử án tử hình vì tội bắt cóc, nhưng Ahmed chỉ là là người thực hiện hành vi bắt cóc, còn những kẻ đứng sau vụ án vẫn chưa bị trừng phạt.
Hiếu Trung
(Theo NYT)